Dân chiếm đất doanh nghiệp, tranh chấp kéo dài gây nhiều hệ lụy
15:30 - 22/09/2016
Thực hiện dự án chuyển đổi rừng sang đầu tư phát triển nông lâm nghiệp, hàng ngàn héc ta đất ở huyện Chư Pưh (Gia Lai) đã được giao cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên không ít diện tích đất trong diện này đang bị người dân lấn chiếm, tranh chấp kéo dài gây nhiều hệ lụy...

Dân đòi đền bù

Hầu hết các dự án trên địa bàn huyện Chư Pưh đều bị người dân xâm lấn đất. Nổi cộm là việc các hộ dân lấn chiếm hơn 247/697,5ha đất dự án của Cty CP Đầu tư xây dựng Trường Thịnh. Cụ thể, tại tiểu khu 1132, có đến 124 hộ dân đến từ các xã Ia Le, Ia Phang, Chư Don, Nhơn Hòa và người dân huyện Phú Thiện lấn chiếm đất dự án để trồng hoa màu. Các hộ này lý giải, thời điểm năm 2012 - 2013, Cty Trường Thịnh bỏ hoang đất dự án, chỉ thuê 2 bảo vệ giữ diện tích khoảng 280ha keo (trồng từ năm 2011) nên họ lấn đất trồng điều, lúa, bắp và sản xuất hoa màu khác hòng kiếm kế sinh nhai.


Bảo vệ của Cty CP Xuất nhập khẩu Lê Khanh bất lực trước khoảng rừng bị người dân chặt phá

 

Tại tiểu khu 1133, có khoảng 33 hộ dân thôn Kênh Mek, Kênh Săn (xã Ia Le) tham gia lấn chiếm đất, tổ công tác huyện nhiều lần hòa giải nhưng không thành. Tiểu khu 1141 cũng bị 9 hộ dân thôn Ia Brel (xã Ia Le) lấn chiếm; khi Cty Trường Thịnh tiến hành cày ủi thực hiện dự án thì xảy ra tranh chấp, người dân yêu cầu đền bù thỏa đáng phần diện tích hoa màu này.

Cùng “cảnh ngộ”, Cty CP Xuất nhập khẩu Lê Khanh cũng bị người dân thôn 6 (xã Ia Le) lấn chiếm hơn 200ha trong tổng số 412ha đất dự án. Năm 2006, Cty này được tạm giao hơn 2.093ha đất để trồng rừng kết hợp chăn nuôi. Tuy nhiên, từ năm 2006 - 2010, Cty nhiều lần bị thu hồi đất với diện tích tổng cộng hơn 1.680ha. Số diện tích còn lại (khoảng hơn 412ha) Cty đã trồng keo, nhưng do bỏ bê, không tiếp tục triển khai dự án nên bị người dân lấn chiếm hơn nửa diện tích còn lại.

Ông Nguyễn Văn Hồng, bảo vệ Cty Lê Khanh than thở: “Hai anh em chúng tôi không thể bảo vệ hết diện tích đất trong vùng dự án, người dân thường xuyên lén lút chặt phá cây, làm cây chết để lấy đất sản xuất”.

Ngoài ra, nhiều Cty khác đứng chân trên địa bàn xã cũng bị người dân chiếm đất canh tác, như Cty TNHH Đệ Nhất Việt Hàn hơn 80ha; Cty CP Đầu tư và xây dựng công trình 194 hơn 33,9ha… Trong đó, Cty CP Trồng rừng Gia Lai cũng từng được UBND tỉnh giao 942ha, Cty đã trồng được 649ha cao su, còn lại 293ha bị người dân lấn chiếm nên đành… chuyển lại cho địa phương, hiện phần đất này người dân vẫn còn canh tác.

13-24-04_cc-chu-du-tu-khng-dinh-du-n-dng-gp-kho-boi-su-xm-chiem-dt-cu-nguoi-dn-di-phuong
Các chủ đầu tư khẳng định dự án đang gặp khó vì sự lấn chiếm đất của người dân địa phương

 

Doanh nghiệp mệt mỏi

Kết quả kiểm tra của Phòng NN-PTNT huyện Chư Pưh cho thấy: Trên địa bàn huyện có 11 dự án chuyển đổi từ rừng nghèo sang trồng cao su và trồng rừng sản xuất với tổng diện tích hơn 7.000ha, được UBND tỉnh giao cho 9 doanh nghiệp. Đến nay, các doanh nghiệp đã trồng cao su, trồng rừng trên 5.200ha. Trong đó, nhiều diện tích bị thu hồi trả về cho địa phương quản lý, còn lại hàng trăm ha đất dự án đang bị người dân lấn chiếm lấy đất sản xuất, tranh chấp.

Tuy nhiên, theo ông Trương Viết Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Le, điều đáng nói là khi đất dự án bị người dân lấn chiếm, các doanh nghiệp chưa phối hợp gì với chính quyền địa phương để lập biên bản vi phạm.

“Người dân nói đất khai hoang trước khi giao cho dự án, còn cung cấp cho chính quyền giấy viết tay xác nhận mua đất của người này người kia nên giờ rất khó xác minh nguồn gốc đất để xử lý”, ông Trung nói.

Ông Nguyễn Thế Gia, Giám đốc dự án Cty Trường Thịnh tại Ia Le (Chư Pưh), thừa nhận, thời điểm cuối năm 2012 đến đầu 2014, Cty gặp khó khăn về tài chính, dự án triển khai chậm nên người dân vào xâm chiếm đất làm hoa màu. Từ tháng 6/2014, doanh nghiệp khởi động lại dự án thì bị đình trệ bởi sự tranh chấp này.

13-24-04_du-n-trong-tieu-duoi-tn-rung-cu-cong-ty-truong-thinh-dng-gp-kho-boi-su-xm-chiem-dt-cu-nguoi-dn
Dự án trồng tiêu dưới tán rừng của Cty Trường Thịnh đang gặp khó khăn bởi sự xâm chiếm đất của người dân

 

Ông Gia cho biết: “Trước đó, dự án của chúng tôi đã hoàn công, trồng được 450ha cây tràm, bạch đàn. Phần diện tích còn lại để triển khai dự án chăn nuôi thì bị người dân xâm canh. Cty đang phối hợp với chính quyền các xã, huyện giải quyết tranh chấp với người dân. Chủ trương của Cty là phần đất nào người dân xâm lấn mà Cty chưa khai hoang sẽ được hỗ trợ tiền công khai hoang; phần đất nào đơn vị đã khai hoang trồng cây mà người dân xâm lấn trồng tỉa thì phải trả lại cho Cty. Ngoài ra, Cty cũng đồng ý đền bù 40 triệu đồng/ha đối với diện tích đất dự án nằm trong diện tích đất sản xuất của người dân".

Còn ông Võ Văn Minh, Chủ tịch HĐQT Cty Lê Khanh, đơn vị được giao đất triển khai dự án gần khu dân cư thì ngao ngán: “Chúng tôi vô cùng mệt mỏi, họ hết chặt rồi phá, trồng đến đâu thì họ chặt đến đấy hoặc ken cây cho chết. Bắt ban ngày thì họ phá ban đêm, nói mượn đất trồng hoa màu rồi lấn chiếm luôn, mỗi lần kết hợp với địa phương giải quyết rất mất thời gian nhưng đâu lại vào đấy”.

13-24-04_nguoi-dn-xm-chiem-dt-du-n-de-ly-dt-sn-xut
Người dân xâm chiếm đất dự án để lấy đất sản xuất

 

Để tránh việc tranh chấp đất với người dân, ông Lưu Trung Nghĩa, Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh đề nghị các doanh nghiệp triển khai dự án đúng cam kết, tuyển lao động là người dân tộc thiểu số tại địa phương. Đồng thời đề xuất: “Đối với diện tích cao su chết, nên cho doanh nghiệp điều chỉnh một phần dự án chuyển sang trồng cây dược liệu hoặc trồng rừng kết hợp chăn nuôi, miễn sao phần phần đất đó được khai thác, sinh lời. Đừng sợ doanh nghiệp bán dự án, nên khuyến khích liên kết với các doanh nghiệp khác như các nhà chế biến bột giấy, hay triển khai các dự án giảm nghèo”.

+ “Hỗ trợ kinh phí cho các doanh nghiệp trồng rừng thì vừa được môi trường, cảnh quan, vừa đem lại lợi ích kinh tế cho doanh nghiệp. Nhưng làm thế nào để doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn vay hỗ trợ vượt qua thời điểm khó khăn? Hay giải pháp lâu dài là giao đất giao rừng cho cộng đồng? Một khi vấn đề sinh kế được giải quyết thì vấn đề tranh chấp đất dự án sẽ không còn”, ông Lưu Trung Nghĩa.

+ Theo một cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện Chư Pưh, nguyên nhân người dân lấn chiếm đất là do doanh nghiệp chậm triển khai dự án. Người dân thấy đất bỏ hoang nhiều năm, nghĩ rằng dự án đã dừng nên vào lấy đất canh tác. Nghiêm trọng là có doanh nghiệp bị người dân lấn chiếm đến 247ha đất, đến nay vẫn chưa thu hồi được để tiếp tục triển khai dự án.

 

MINH PHƯƠNG
Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo