Cần có cơ chế hỗ trợ nông dân sáng chế máy nông nghiệp
16:43 - 20/09/2016
(TNNN)- Tỉ lệ sáng chế máy nông nghiệp của nông dân ngày càng cao nhưng những sáng chế này mới chỉ được áp dụng trong một phạm vi hẹp, chưa được thị trường trong nước thừa nhận.
Cần có cơ chế hỗ trợ nông dân sáng chế máy nông nghiệp (Ảnh minh họa, nguồn Internet)

Từ đống phế liệu bỏ đi, lão nông Vũ Văn Dung (54 tuổi, ở xã Yên Mạc, Yên Mô, Ninh Bình) đã chế tạo thành công máy cấy lúa không động cơ ra đời tháng 10/2015 giúp nông dân giảm chi phí, bớt khó nhọc trên những cánh đồng quê.
 
 
Máy cấy không động cơ của ông Dung cấu tạo 3 phần gồm khay để mạ, tay kéo và khung gắp mạ. Năng suất cấy gấp 5 lần cấy tay vì mỗi lần dập thì máy cấy được 4 cây mạ, mạ cấy thẳng hàng, khoảng cách giữa các gốc mạ được cố định là 18 cm. Người điều khiển máy lại không mỏi tay và có thể điều chỉnh tốc độ nhanh chậm theo ý muốn. Máy chỉ nặng 25- 30 kg nên dễ vận chuyển, sửa chữa, sử dụng được trên nhiều loại đồng đất với năng suất cấy được một sào cho mỗi giờ làm việc.
 
 
Sau khi chế tạo thành công chiếc máy cấy không động cơ, ông Dung đã làm thêm hàng trăm sản phẩm bán ra thị trường. Giá mỗi chiếc máy là 4 triệu đồng, trừ mọi chi phí ông được lãi khoảng 2 triệu đồng.
 
 
Ông Quách Văn Hôm, một nông dân Khmer tại tỉnh Sóc Trăng, tuy chỉ học hết lớp 6 trường làng, không được đào tạo qua bất cứ trường, lớp kĩ thuật nào, nhưng ông đã mày mò, nghiên cứu sáng chế ra máy xúc lúa đóng bao và máy sấy lúa hai chiều, góp phần đáp ứng tốt cơ giới hóa nông nghiệp sau thu hoạch.
 
 
Năm 2013, chỉ trong vòng 6 tháng tự nghiên cứu và chế tạo, ông Hôm đã cho ra đời chiếc máy xúc lúa thế hệ đầu tiên. Chiếc máy được thiết kế là máy xúc đa năng, sử dụng nhiên liệu xăng, có công suất từ 6,5 - 9 CV, có khả năng xúc trên sân xi măng, sân lưới, trên mặt sàn lò sấy, trong cả trường hợp được cào xuống sân phơi thành đống. Máy xúc lúa với tốc độ nhanh bằng 4 người làm. Qua thực nghiệm, chỉ mất khoảng 10 giây máy đã xúc đầy một bao lúa và không cần dừng lại nếu có 2 người vận hành. Với chiếc máy xúc này, năng suất lao động của một người sẽ được nâng lên gấp hàng chục lần, lại tốn rất ít nhiên liệu. Ông Hôm cho biết: Chiếc máy xúc lúa đóng bao thế hệ mới nhất ông vừa chế tạo xong còn có thể tách bụi sau khi xúc lúa, luân phiên đóng bao giúp giảm khoảng thời gian chờ không cần thiết.
 
 
Với máy sấy lúa hai chiều do ông sáng chế, người nông dân tiết kiệm được nhiều thời gian, chi phí và khắc phục được tình trạng sấy lúa khô không đồng đều. Máy sấy có hệ thống đổi chiều gió tạo tính năng đặc biệt là sấy không cần đảo mẻ như lò sấy thông thường, mà lúa vẫn được sấy khô đồng đều.
 
 
Năm 2013, ông Mai Văn Cúc ngụ tại xã Minh Lập, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước đã bắt tay vào nghiên cứu chế thuốc diệt ruồi vàng. Ruồi vàng đục trái là loại côn trùng gây thiệt hại nặng nề cho bà con nông dân, khiến trái cây bị thối, rụng. Hiện trên thị trường có bán một số thuốc diệt ruồi vàng nhưng thời gian sử dụng ngắn và hiệu quả mang lại không cao.
 
 
Sau hơn hai năm nghiên cứu, thử nghiệm, ông Cúc đã chế thành công thuốc diệt ruồi vàng từ các loại hoa, cỏ và hạt cây tự nhiên như: hạt mã tiền, hạt cây bình bác, cây hương nhu và rất nhiều loại cỏ cây, hương liệu khác. Thuốc do ông chế có mùi thơm lan tỏa được xa nên có thể dẫn dụ được ruồi vàng cách xa tới 100 - 120 m. Thuốc được đổ vào khay, đặt cách mặt đất khoảng 1m để tránh động vật lớn làm đổ. Một héc ta cây ăn quả chỉ cần đặt bốn khay thuốc ở bốn góc vườn là phát huy tác dụng tốt nhất. Giá thành của thuốc chỉ khoảng 20.000 đồng một khay thuốc dùng được cả tháng. Đặc biệt dùng thuốc này không phải xịt thuốc sâu, hóa chất để bảo vệ hoa quả nữa nên rất an toàn, không lo ngộ độc thực phẩm.
 
 
Còn rất nhiều sáng chế, sáng kiến của những người lao động, nông dân như: Anh Nguyễn Thái Linh (Lâm Đồng) chế tạo thành công máy cắt ghép cây con giống cà chua; "Vua diệt chuột" Trần Quang Thiều (Thường Tín, Hà Nội); ông Ngô Quốc Tuấn (TP Bắc Giang) sáng chế ra bể nước nóng từ năng lượng mặt trời; Nông dân Nguyễn Hồng Chương (Quảng Nam) trong vòng 6 năm cho ra lò 4 sáng chế và cải tiến kỹ thuật 3 nông cụ bằng cơ giới; ông Trịnh Đình Năng (Cao Bằng) được gọi là kỹ sư không bằng với thành tích  đạt 02 lần giải nhất liên tiếp của Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh với đề tài "Công nghệ chế tạo thiết bị và công nghệ chiết xuất Nano Curcumin tinh khiết từ củ nghệ vàng" và "Lò đốt rác thải y tế"…
 
 
Các sáng chế, cải tiến kỹ thuật không chuyên có và xuất hiện ở tất cả các vùng, miền của tổ quốc, đã đóng góp nhiều sản phẩm có giá trị, được ứng dụng hiệu quả trong sản xuất và đời sống. Với những người nông dân kiến thức, trình độ học vấn còn nhiều hạn chế, không được đào tạo bài bản, chỉ với lòng đam mê, nhiệt huyết, tìm tòi, sáng tạo của mình đã phát minh, sáng chế, cải tiến kỹ thuật được như vậy quả là một kỳ tích đáng kính nể và trân trọng.
 
 
Tuy nhiên, theo Đại biểu Quốc Hội Nguyễn Ngọc Phương – Quảng Bình: "Luật pháp hiện nay chưa có một quy định nào quy định những sáng chế của người dân sẽ được công nhận. Vì vậy, mà mới có thực tế người dân sản xuất ra, nghiên cứu đấy, chất lượng tốt thật đấy, nó cũng có ý nghĩa trong sản xuất thật đấy nhưng vẫn khó được chấp nhận. Nói đúng hơn là không biết phải thừa nhận thế nào".
 
 
Theo ông Phương, về nguyên tắc một sản phẩm khoa học từ khi thực hiện nghiên cứu cho tới lúc hoàn thành cần phải có những giấy tờ chứng nhận cho phép thử nghiệm, nghiên cứu, sản xuất, giấy đăng ký tiêu chuẩn kỹ thuật… cho tới khi được đưa ra hội đồng khoa học đánh giá và được công nhận. Việc này đúng là khó như lên trời đối với những người nông dân 'chân đất'. Kết quả là vô số những sản phẩm khoa học dù đã được ứng dụng trong đời sống lao động, sản xuất như lò đốt rác, thuốc trừ sâu… vẫn không thể được cấp bằng sáng chế ở VN.
 
 
Trên thực tế, người nông dân, có thể làm ra được sản phẩm sáng tạo mang lại hiệu quả cao trong cuộc sống. Nhưng để viết, trình bày sản phẩm ấy lên giấy thì họ lại... "bó tay". Đây cũng là khó khăn chủ yếu của các nhà sáng chế không chuyên khi nộp đơn đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ. Một khó khăn nữa là ngay cả khi được các cán bộ sở khoa học và công nghệ hỗ trợ quá trình viết mô tả kỹ thuật, thì nhiều nhà sáng chế không chuyên cũng cần một khoản tiền để nộp đơn đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ.
 
 
Thời gian qua, Bộ Khoa học và công nghệ đang hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà sáng chế không chuyên thương mại hóa sản phẩm bằng một số hoạt động như: chợ công nghệ và thiết bị Techmart; hỗ trợ cá nhân có sáng chế, sáng kiến thành lập doanh nghiệp khoa học và công nghệ; quảng bá các sản phẩm qua một số kênh thông tin đại chúng... Tuy nhiên những hoạt động đó mới chỉ giải quyết được phần "ngọn". Phần gốc, cốt lõi căn bản mà các nhà sáng chế không chuyên cần là Bộ Khoa học và Công nghệ và các bộ, ngành, địa phương cần có các cơ chế chính sách khuyến khích việc nghiên cứu sáng tạo, sáng chế nhằm nâng cao năng suất lao động, để người dân có cuộc sống tốt hơn, cụ thể là tiếp cận vốn, hỗ trợ kinh phí, quảng bá và thương mại hóa sản phẩm, hỗ trợ đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ,...
 
 
Để chủ trương, chính sách của Nhà nước về hoạt động sáng tạo, sáng chế,… khoa học và công nghệ được thực hiện một cách nhanh nhất, thiết thực, có hiệu quả (đặc biệt là với các nhà sáng chế không chuyên) thì Bộ khoa học và công nghệ và Bộ Tài chính cần chủ trì phối hợp các bộ, ngành liên quan sớm có thông tư về cơ chế để hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, sáng tạo, chế tạo sản phẩm của người dân; cơ chế, chính sách hỗ trợ cho người dân có những sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, đưa sản phẩm của các nhà sáng chế không chuyên vào được thị trường, trở thành sản phẩm hữu ích cho xã hội.
Thăng Long
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo