Sản xuất vụ đông đang bế tắc vì vướng vấn đề tích tụ ruộng đất
14:30 - 12/09/2016
Vụ đông ở các tỉnh phía Bắc là một vụ SX chính, thậm chí có tiềm năng đem lại giá trị cao hơn cả hai vụ lúa trong năm là điều không còn phải bàn cãi. 
Rau là đối tượng cây vụ đông hiếm hoi tăng được diện tích nhờ giá trị cao
 

Tuy nhiên, làm thế nào để tổ chức được SX gắn với tiêu thụ vẫn đang là câu chuyện loay hoay.

Tại hội nghị triển khai SX vụ đông 2016 các tỉnh phía Bắc do Bộ NN-PTNT tổ chức ngày 8/9, vấn đề vướng mắc trong tích tụ đất đai, SX manh mún, cộng với việc thiếu cơ chế chính sách tầm cỡ quốc gia cho SX vụ đông ở phía Bắc vẫn là chủ đề nan giải, “cũ mà vẫn mới” được nhiều địa phương đặt ra.

Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), mặc dù có nhiều chính sách hỗ trợ và khuyến khích SX, tuy nhiên những năm qua, diện tích cây vụ đông phía Bắc tiếp tục giảm mạnh.

Cụ thể đến năm 2015, diện tích cây vụ đông chỉ còn khoảng 409 nghìn ha, giảm 13 nghìn ha so với năm 2014. Các loại cây vụ đông ưa ấm như ngô, khoai lang, đậu tương… trước đây từng là cây chủ lực, đều giảm diện tích mạnh nhất.

Cụ thể đến năm 2015, diện tích ngô chỉ còn 137 nghìn ha, giảm 3,3 nghìn ha so với năm 2014; đậu tương chỉ còn hơn 20 nghìn ha, giảm tới 12 nghìn ha so với năm trước đó. Vùng ĐBSH từng là vựa đậu tương với gần 18 nghìn ha, nay đang có nguy cơ “xóa sổ” khi năm 2015 chỉ còn chưa đầy 7 nghìn ha…

Trước thực trạng diện tích nhiều loại cây trồng vụ đông những năm qua liên tục giảm, các địa phương không khỏi ái ngại.

Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ cho rằng, những năm qua, không chỉ Phú Thọ mà nhiều tỉnh ĐBSH đã có nhiều chính sách hỗ trợ nhằm cố gắng giữ diện tích cây trồng vụ đông, thậm chí một số địa phương hỗ trợ 100% giá giống cho dân, nhưng việc giữ diện tích vụ đông ngày càng khó khăn. Nguyên nhân dễ nhận thấy nhất đó là khả năng cạnh tranh về lao động.

Ngay một tỉnh trung du như Phú Thọ nhưng lao động chuyển sang hoạt động tại các khu công nghiệp ngày càng nhiều, trong khi đó, với diện tích đất trồng cây vụ đông mỗi nhà chỉ 2-3 sào, không ai bõ công làm vụ đông.

Theo ông Hải, câu chuyện về tích tụ đất đai vẫn đang là cản trở lớn nhất khiến SX vụ đông ngày càng tụt giảm.

16-01-32_vd4
Ảnh: Lê Bền

 

“Tại Phú Thọ, đã có nhiều mô hình SX cây vụ đông phục vụ chế biến XK như ớt, ngô ngọt, dưa bao tử… cho giá trị cao, nhưng doanh nghiệp muốn có đất để bung ra diện tích lớn nhằm có đủ nguyên liệu chế biến thì không thể, bởi đất là của dân, họ thích cho DN thuê thì cho, không thì thôi. Có nhiều hộ dân thà bỏ hoang đất đấy, chứ nhất định không cho DN thuê” – ông Hải ngán ngẩm.

Để vực dậy phong trào SX vụ đông, mấy năm gần đây, Thanh Hóa là tỉnh đã đưa ra nhiều chính sách khuyến khích DN vào liên kết đầu tư tiêu thụ sản phẩm.

Năm 2015, tỉnh này hỗ trợ trực tiếp với mức 1,5 triệu đồng/ha đối với DN có ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nông dân.

Sang vụ đông 2016, Thanh Hóa đã quyết chính sách hỗ trợ với mức 3 triệu đồng/ha cho các DN có thuê đất của dân để SX vụ đông. Với nhiều nỗ lực gồm cả hỗ trợ giống, vật tư cho cả nông dân lẫn kinh phí khuyến khích đầu tư cho DN, hiện Thanh Hóa đã có nhiều DN tham gia liên kết với nông dân trồng các loại cây vụ đông để chế biến XK như khoai tây, dưa chuột, ngô làm thức ăn gia súc…

Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cũng thừa nhận: Cơ chế về sở hữu đất nông nghiệp đang khiến việc chỉ đạo SX vụ đông hết sức chật vật. Mặc dù tỉnh đã rất cố gắng kêu gọi DN vào thuê đất để tận dụng tối đa đất phục vụ SX cây vụ đông, nhưng chỉ mang tính vận động thuyết phục người dân cho DN thuê đất là chính, chứ cho thuê hay không là quyền của dân.

“Giá trị cây vụ đông là không phải bàn cãi, nhiều DN có nhu cầu SX rất lớn, nhưng để tập hợp được đất đai thì vô cùng khó. Trong khi đó, quy định pháp luật về đất đai hiện nay lại không cho phép địa phương có quyền thu hồi đất nông nghiệp của dân để giao cho DN sử dụng, kể cả khi dân bỏ hoang” – ông Quyền kêu khó.

16-01-32_dscf2782
Ảnh: Lê Bền

 

Tại hội nghị, ông Vũ Đình Phượng, PGĐ Sở NN-PTNT Bắc Giang cũng tán thành với nhiều ý kiến của các tỉnh phía Bắc khi cho rằng, tích tụ đất đai đang là mấu chốt nhất của SX vụ đông các tỉnh phía Bắc. Theo ông Phượng, thực tế tại Bắc Giang những năm qua chuyện nông dân mua được cả xe ô-tô chỉ nhờ trồng một vài vụ rau màu vụ đông là chuyện hết sức bình thường.

Nếu như cả hai vụ lúa trong năm, Bắc Giang vắng bóng DN vào đầu tư liên kết SX thì ở vụ đông hiện nay, đã xuất hiện nhiều DN vào Bắc Giang phối hợp với nông dân tổ chức SX và bao tiêu sản phẩm. Bắc Giang cũng đã có chính sách “thưởng nóng” cho DN với mức từ 10-20 triệu đồng/DN nếu bao tiêu đủ một diện tích cây vụ đông nhất định cho người dân nên các DN rất phấn khởi. Tuy nhiên, với tiềm năng đất SX vụ đông còn rất bao la, thì việc tích tụ đất ruộng vẫn đang hết sức chậm chạp, lỏng lẻo về tính pháp lý.

“Chính phủ cần phải có một chính sách hỗ trợ có tính chất đột phá đủ tầm cho việc tích tụ ruộng đất. Chẳng hạn đối với đất 2 lúa chuyển sang trồng cây vụ đông, cần có cơ chế pháp lý nào đó để cho DN thuê lại của dân. Thậm chí DN nào thuê được diện tích đủ lớn bao nhiêu đó thì phải có thêm cơ chế hỗ trợ tiền thuê đất cho DN” – ông Phượng nêu quan điểm.

+ "Vụ đông 2016 ở phía Bắc, mục tiêu tạm thời phấn đấu đạt được diện tích 430 nghìn ha, tăng 20 nghìn ha so với năm 2015, bình quân thu nhập 55-60 triệu đồng/ha, tổng giá trị SX trên 1 tỉ USD.

Do vụ ĐX 2015 đã bị muộn hơn 2 tuần so với kế hoạch, cộng với ảnh hưởng của tình hình mưa bão khiến khung thời vụ của vụ đông 2016 sẽ rất khó khăn.

Vì vậy, các địa phương cần xây dựng riêng kế hoạch thật cụ thể, làm sao bố trí tỉ lệ cơ cấu các loại cây trồng ưa ấm, trung tính và ưa lạnh cho trúng khung với giải phóng đất của vụ mùa, đồng thời căn cứ vào tín hiệu thị trường để có cơ cấu cây trồng phù hợp. Đối với cây ưa ấm, cần xuống giống từ 30/9/2016.

Đặc biệt, cần sẵn sàng chuẩn bị các phương án tiêu ngập nước cho các tình huống mưa lớn cuối mùa. Các địa phương căn cứ vào tình hình và khả năng cụ thể cần có chính sách hỗ trợ về giống, vật tư để khuyến khích phong trào SX, cũng như hỗ trợ tối đa cho DN tham gia vào các mô hình liên kết SX – tiêu thụ."

(Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh)

+ "Theo tôi, Trung ương cần phải sớm có một chính sách lớn tầm quốc gia cho SX vụ đông. Bởi chính sách cho vụ đông hiện có rất nhiều, nhưng lại rải mành mành, không tới được dân và  hiệu quả không được bao nhiêu. Thẳng thắn mà nói thì rất nhiều chính sách chúng ta đang nợ dân, bởi không lấy đâu ra kinh phí để triển khai. 

Đặc biệt, đa số các chính sách cho vụ đông là do địa phương tự chủ động, mà thiếu một chính sách đủ tầm vĩ mô. Đơn cử như thủy lợi phí, hiện chúng ta có chính sách hỗ trợ cấp bù cho 2 vụ lúa chính trong năm, nhưng vụ đông có giá trị SX rất lớn thì lại không được cấp bù. Tại Thái Bình, có nơi diện tích vụ đông chiếm trên 60% diện tích đất 2 lúa, nhưng đều do địa phương tự xoay xở kinh phí…"

(Ông Phạm Văn Xuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình)

 

LÊ BỀN
Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo