Hiện nay các tàu đóng mới theo Nghị định 67 trên địa bàn tỉnh Phú Yên được hạ thủy và đi vào hoạt động đều mang lại hiệu quả kinh tế cao...
|
Hầu hết các tàu đóng mới theo Nghị định 67 của ngư dân Phú Yên đều hoạt động hiệu quả |
Ngư dân cần vốn đóng tàu mới nhưng ngân hàng không cho vay.
Hiệu quả
Triển khai Nghị định 67 của Chính phủ, đến nay tỉnh Phú Yên đã phê duyệt đóng mới 16 tàu cá, với tổng vốn hơn 198 tỉ đồng. Hiện toàn tỉnh có 8 tàu đóng mới, đã có 4 tàu vỏ gỗ, 3 tàu vỏ thép được hạ thủy hoạt động. Bên cạnh đó tỉnh còn xét duyệt nâng cấp 3 tàu cá với nhu cầu vốn khoảng 4,5 tỉ đồng và cho vay vốn lưu động 41 chủ tàu hơn 6,8 tỉ đồng…
Theo đánh giá Sở NN-PTNT Phú Yên, hầu hết các tàu đóng mới đi vào hoạt động mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhất là 4 tàu cá vỏ gỗ hành nghề lưới vây rút chì đánh bắt các loại cá nục, cá ngừ ồ, ngừ chù… mỗi tàu lãi từ 100-200 triệu đồng/chuyến biển.
Tiêu biểu, như ngư dân Võ Văn Lành, phường 6 (TP Tuy Hòa) chủ 2 tàu cá PY98976TS và PY98789TS được đóng mới từ vay vốn Nghị định 67, hạ thủy từ tháng 10/2015 đến nay đã vươn khơi 15 chuyến biển, sau khi trừ chi phí tàu ông còn lãi hơn 2,4 tỉ đồng. Riêng chuyến biển đầu tháng 9 vừa qua, tàu cá PY98976TS của gia đình ông đánh bắt được gần 45 tấn cá ngừ vằn và 500 kg cá ngừ đại dương, sau khi trừ chi phí lãi gần 600 triệu đồng.
Ông Lành chia sẻ: Sở dĩ tàu tôi đánh bắt hiệu quả là nhờ tàu có công suất lớn, trang bị thiết bị phục vụ đánh bắt hiện đại nên dò tìm luồng cá khá chính xác.
Tương tự, ông Trương Văn Công, chủ tàu cá vỏ thép PY99997TS, ở xã Hòa Hiệp Nam (Đông Hòa) hạ thủy từ tháng 6/2016 đã vươn khơi đánh bắt chuyến biển đầu tiên cũng lãi khá.
Theo ông Công, chuyến biển này tàu ông đánh bắt được 18 tấn cá ngừ ồ, ngừ chù và hơn 50 tấn cá nục, lãi khoảng 300 triệu đồng.
Cần tháo gỡ vướng mắc giúp ngư dân
Ngư dân Nguyễn Bảy, xã Hòa Hiệp Nam (Đông Hòa), cho biết, hiện gia đình ông đã chọn đóng mới tàu cá vỏ composite hành nghề lưới vây, dự kiến khoảng 14 tỉ đồng. Hồ sơ đã được chính quyền phê duyệt, nhưng khi tiếp cận các ngân hàng thì lại bị từ chối vì cho rằng vốn đối ứng không đảm bảo.
“Gia đình tôi có gửi tiết kiệm vào Ngân hàng NN-PTNT 740 triệu đồng là đảm bảo nguồn vốn đối ứng, bởi theo quy định tàu composite Nhà nước cho vay 95%, còn đối ứng chỉ 5%. Thế nhưng đến nay chưa có ngân hàng nào đồng ý cho vay. Tôi mong muốn tỉnh xem xét, có hướng chỉ đạo giúp gia đình tôi tiếp cận vốn vay để đóng tàu mới vươn khơi”, ông Bảy bày tỏ.
Trường hợp ngư dân Trần Thiện Hào, xã Hòa Hiệp Nam cũng tương tự. Hiện ông Hào gửi tiết kiệm vào ngân hàng 700 triệu đồng để chứng minh đủ vốn đối ứng, nhưng vẫn chưa vay được vốn để đóng tàu mới.
Theo Sở NN-PTNT, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh khá dè dặt trong việc cho vay theo Nghị định 67. Bên cạnh đó chính sách bảo hiểm theo Nghị định 67, hiện nay trên địa bàn tỉnh chỉ có Cty Bảo hiểm Bảo Minh đảm trách nên ngư dân không hài lòng.
Ông Nguyễn Tri Phương, PGĐ Sở NN-PTNT Phú Yên cho biết: Để ngư dân có sự lựa chọn, tránh độc quyền nảy sinh tiêu cực, tỉnh cần kiến nghị Trung ương cho các Cty bảo hiểm khác được duyệt cùng tham gia bảo hiểm theo Nghị định 67.
Ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho rằng, để gỡ vướng mắc cho ngư dân, Sở NN-PTNT cùng các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh tổ chức hội thảo mời ngư dân tham dự để phân tích cụ thể nhằm giúp ngư dân chủ động vay vốn và có phương án trả nợ vay hợp lý.