Chính sách nào bảo vệ sản xuất ngô?
14:38 - 15/09/2016
Nông dân trồng ngô Việt Nam đang thực sự lao đao trước cơn lốc ngô nhập khẩu (NK) giá rẻ... Vậy chính sách nào để bảo vệ được SX ngô trong nước?
Cần có giải pháp bảo vệ cho SX ngô trong nước

Điều đáng lo, đa phần họ thuộc vùng đồng bào dân tộc ít người, việc chuyển đổi SX là điều không đơn giản trong ngày một ngày hai. Vậy chính sách nào để bảo vệ được SX ngô trong nước?

Theo các chuyên gia, năm 2016, tại Việt Nam có tới 248 công ty và nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi được phép NK ngô hạt. Bên cạnh yếu tố ngô NK có giá thành rẻ hơn trong nước, việc cho phép quá nhiều DN được tự do NK ngô cũng là nguyên nhân khiến ngô NK nhanh chóng tràn ngập thị trường. Chúng tôi xin đăng tải một số chính sách và kinh nghiệm nhằm bảo hộ cho SX ngô trong nước của một số nước trong khu vực, những quốc gia có đặc thù về điều kiện SX ngô tương tự như Việt Nam hiện nay.

 

Đánh thuế NK ngô tới 50%

Tại Philippines, Chính phủ đưa ra rất nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ người trồng ngô để bảo vệ SX trong nước. Chính phủ thành lập Ủy ban Ngô (Corn Board). Corn Board được thành lập bởi Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp, bao gồm những thành phần như nông dân trồng ngô, nhà cung ứng hạt giống, các công ty sản xuất thức ăn gia súc, những nhà xử lý chế biến ngô hạt…

Ủy ban Ngô và Chính phủ Philippines đồng ý nước này cần phải có một nền sản xuất ngô bền vững, không phụ thuộc vào ngô NK (vì giá ngô NK luôn biến động). Thông điệp chính là làm sao phải tự túc được sản xuất ngô trong nước bằng cách hỗ trợ nông dân trồng ngô phải có lời. Bên cạnh việc gây ảnh hưởng đối với Chính phủ, Corn Board còn phát triển những dự án để tăng hiệu quả, tăng năng suất cho nông dân bằng cách tạo ra cầu nối giữa nông dân và người tiêu thụ, bao gồm việc hỗ trợ tài chính, máy móc thiết bị, tích trữ và vận chuyển…

Ngoài ra, Liên đoàn người trồng ngô Philippines (PhilMaize) được thành lập, tập hợp những người trồng ngô để có tiếng nói và sự ảnh hưởng mạnh đến những chính sách của Chính phủ nhằm có lợi cho nông dân trồng ngô. Họ được chính phủ công nhận và có thể làm việc với các cơ quan truyền thông bất cứ lúc nào họ muốn, vì vậy mà Chính phủ luôn lắng nghe họ.

PhilMaize triển khai rất nhiều hoạt động để hỗ trợ và bảo vệ cho nông dân như: Vận động hỗ trợ phát triển ngô chuyển gen; ngăn ngừa ngô NK và áp đặt thuế suất NK; ngăn ngừa NK các loại nông sản khác có sự cạnh tranh với ngô (như lúa mì)…

16-00-32_dscf2114

 

Hàng năm, Đại hội Ngô Toàn quốc (National Corn Congress) được tổ chức, tập trung những thành phần có liên quan như các công ty sản xuất hạt giống, quan chức Chính phủ và những đối tác liên quan trong canh tác ngô (cung ứng vật tư máy móc, phân bón, hóa chất…).

Bên cạnh đó, Hiệp hội giống cây trồng Philippines cũng là nơi thường xuyên thảo luận và đề nghị với chính phủ những khó khăn mà nông dân đang gặp phải.

Để hạn chế ngô giá rẻ NK, Chính phủ Philippines quy định: Giới hạn lượng ngô được phép NK đối với một đơn vị tối đa chỉ 300.000 tấn/năm với thuế suất 35% (so với Việt Nam hiện tại chỉ có 5%). Nếu đơn vị nào NK quá 300 nghìn tấn/năm, sẽ phải chịu mức thuế suất NK lên tới 50%.

Chính phủ Philippines cũng đứng ra thu mua ngô (với một khối lượng giới hạn) cho nông dân với một mức giá hỗ trợ để khuyến khích cho nông dân địa phương duy trì và đẩy mạnh SX. Ngoài ra, Chính phủ còn hỗ trợ mạnh mẽ cho chương trình ngô biến đổi gen để tăng năng suất và lợi nhuận cho người nông dân.

 

Không phải ai cũng được NK ngô

Ở Indonesia, để giúp nông dân trồng ngô có lãi và duy trì SX trước ngô NK giá rẻ, Chính phủ nước này quy định một giá sàn mua ngô chung trên phạm vi cả nước cho nông dân. Giá sàn này luôn đảm bảo nông dân trồng ngô có lời. Trong trường hợp giá ngô trên thị trường thấp hơn giá sàn, Chính phủ sẽ đứng ra thu mua ngô với giá sàn cho nông dân.

16-00-32_dscf2118

 

Đối với ngô NK, Chính phủ Indonesia không cho phép các DN được tự do NK ngô, mà chỉ định cho một số đơn vị nhất định được phép NK. Tuy nhiên, Chính phủ đứng ra bán ngô hạt cho các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi, chứ không cho phép các đơn vị NK này trực tiếp bán. Nhờ vậy, họ luôn đảm bảo được giá bán ngô với mức có lãi cho nông dân.

Tương tự Indonesia, tại Thái Lan, mặc dù Chính phủ không cấm việc NK ngô, nhưng cũng chỉ cho phép một số công ty nhất định được phép NK (thường là các công ty lớn như C.P và Betagro).

Dù giá ngô Thái Lan những năm qua cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi thị trường thế giới, song do hạn chế được NK, nên nhìn chung giá ngô do nông dân Thái Lan sản xuất ra vẫn ở mức cao, và nông dân vẫn có lợi nhuận. Bằng chứng là năm 2016, một số diện tích khá lớn trồng sắn trước đây tại Thái Lan đã chuyển sang trồng ngô do trồng ngô cho lợi nhuận tốt hơn.

LÊ BỀN
Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo