(TNNN) - Nhận thức rõ việc phát triển nông nghiệp “sạch” là một hướng đi mới để phát triển ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, tỉnh Hà Nam đã có cơ chế ưu đãi đầu tư hạ tầng khung trong và ngoài khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cơ chế ưu đãi về thuế, đất... để thu hút các doanh nghiệp nước ngoài, nhất là Nhật Bản.
|
Nông nghiệp công nghệ cao đang là mục tiêu phát triển mà tỉnh Hà Nam đang hướng đến. |
Các doanh nghiệp này sẽ đầu tư các khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao làm hạt nhân, thu hút nông dân tham gia chuỗi sản xuất, hướng tới xuất khẩu cũng như cung cấp thực phẩm sạch cho người dân. Hà Nam cũng đã mở cuộc vận động về thi đua sản xuất hàng hóa nông sản và thực phẩm sạch vì sức khỏe cộng đồng, coi đó là tiêu chí thứ 20 trong xây dựng nông thôn mới.
Mô hình trồng rau, củ hữu cơ theo công nghệ Nhật Bản do Công ty Cổ phần An Phú Hưng (thành phố Phủ Lý, Hà Nam) và công ty H.B.C International (Nhật Bản) hợp tác thực hiện tại xã Phù Vân, thành phố Phủ Lý từ tháng 7/2014. Đến nay, nhiều loại rau, củ của mô hình đã cho thu hoạch và được các chuyên gia Nhật Bản đánh giá cao về chất lượng, đảm bảo yêu cầu xuất khẩu, mở ra triển vọng mới cho sản xuất nông nghiệp của tỉnh Hà Nam.
Với mục đích triển khai thí điểm và nếu thành công sẽ sản xuất đại trà vừa phục vụ nội địa vừa xuất khẩu sang Nhật Bản, mô hình thí điểm trồng rau, củ theo công nghệ Nhật Bản trên diện tích 2 ha tại xã Phù Vân, thành phố Phủ Lý gồm: đậu bắp, khoai lang, đậu tương rau... đều được nhập từ Nhật Bản. Đây là các loại rau, củ có hàm lượng dinh dưỡng cao được người Nhật ưa chuộng và cũng rất phù hợp với thị trường trong nước.
Trước khi trồng, đất đã được cày sâu xử lý asen, kim loại nặng và các dư lượng thực vật. Toàn bộ chế phẩm nông nghiệp được thu gom chế biến thành phân hữu cơ thay thế phân vô cơ làm giàu độ phì nhiêu của đất. Thuốc bảo vệ thực vật được thay thế bằng thuốc thảo mộc và chế phẩm vi sinh vật. Từ cuối tháng 9 đến đầu tháng 10/2014, rau, củ bắt đầu cho thu hoạch với năng suất đậu bắt đạt đạt trên 20 tấn/ha, khoai lang đạt 30 tấn/ha. Sản phẩm đã được Viện kiểm nghiệm an toàn về sinh thực phẩm Quốc gia và Nhật Bản đánh giá đảm bảo an toàn thực phẩm, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản.
Mô hình trồng rau, củ hữu cơ theo công nghệ Nhật Bản được thực hiện theo một quy trình nghiêm ngặt của Nhật, tạo ra những sản phẩm sạch. Điều này giúp bà con thay đổi tập quán canh tác, hình thành phương thức sản xuất kinh doanh mới tại vùng nông thôn với sự liên kết của "bốn nhà" (nhà khoa học, doanh nghiệp, chính quyền, nông dân) để tạo thành chuỗi sản xuất, tiêu thụ khép kín. Hiệu quả của mô hình còn góp phần cải tạo môi trường đất, môi trường nước thông qua việc thu gom và xử lý toàn bộ rác thải, phế thải trong nông nghiệp thành phân vi sinh.
Từ thành công trên, Hà Nam xây dựng kế hoạch nhân rộng mô hình lên khoảng 70 ha trong năm 2015. Các loại cây đã được kiểm nghiệm như: đậu bắp, khoai lang tím, khoai lang vàng, đậu tương rau, xúp lơ... sẽ được công ty trồng phục vụ nội tiêu và xuất khẩu.
Những năm gần đây, nhiều mô hình sản xuất rau sạch, rau an toàn đã được xây dựng ở các địa phương trong tỉnh như ở xã: Trác Văn (huyện Duy Tiên), Hưng Công (huyện Bình Lục), Nhân Chính (huyện Lý Nhân)... Các mô hình này đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, việc duy trì và nhân rộng đang gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân do đầu ra của sản phẩm không được đảm bảo ổn định, mối liên kết “bốn nhà” chưa thực sự bền chặt, chưa tạo được sự đồng thuận, thống nhất để cùng khai thác các thế mạnh và cùng thụ hưởng những thành quả, lợi ích từ sự liên kết đem lại.
Ngoài mô hình trên, một số dự án sản xuất rau củ quả sạch công nghệ cao cũng được thực hiện trên địa bàn Hà Nam. Một số doanh nghiệp Nhật Bản cũng đã thí điểm mô hình trồng lúa, rau, mô hình nông nghiệp thông minh. Đặc biệt, tỉnh đã tích tụ ruộng đất bằng cách thuê đất của dân trong thời hạn 20-30 năm (không thu hồi đất của dân) rồi giao cho doanh nghiệp sản xuất.
Việc Hà Nam quan tâm nông nghiệp công nghệ cao thông qua việc tăng cường liên kết với các doanh nghiệp, các nhà đầu tư nước ngoài cùng với các chính sách khuyến khích là bước đi đúng đắn để nâng cao giá trị hàng hóa nông sản tỉnh nhà.