Dự án nuôi trâu hướng thịt của Sở NN-PTNT phối hợp Sở KH-CN tỉnh Long An đã được nhiều hộ nông dân hưởng ứng, trở thành mô hình phát triển kinh tế trong giai đoạn 2015-2020 của các huyện Đức Hòa, Đức Huệ, Vĩnh Hưng, Kiến Tường…
|
Anh Trương Văn Lực vui vì đàn trâu hơn 20 con là nguồn thu nhập cao và ổn định của gia đình |
Chăn nuôi trâu làm giàu
Một thời trâu nuôi phục vụ kéo cày, hết sức kéo, ngả thịt phải bôi màu cho vàng mỡ giả thịt bò nên nhiều người coi rẻ thịt trâu. Nay thì trái lại, thịt trâu đang lên ngôi, đắt hơn thịt bò.
Nhiều hàng quán tại TP.HCM và Long An treo bảng thịt trâu như đặc sản, rất hút khách. Chăn nuôi trâu cũng đang dần phát triển ở nhiều tỉnh thành trong đó có Long An sau thời gian giảm đàn.
Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó GĐ Sở NN-PTNT Long An cho biết, những năm gần đây, Long An đã có thay đổi về chủ trương phát triển: Đó là các đề tài khoa học công nghệ tăng nghiên cứu ứng dụng hơn là nghiên cứu cơ bản, nhằm phục vụ nhu cầu thực tế của ngành nông nghiệp tỉnh nhà. Do vậy hầu hết đề tài triển khai có kết quả là có thể áp dụng ngay.
Nắm bắt xu hướng tiêu dùng của người dân qua các kênh thông tin khác nhau như hệ thống khuyến nông viên, thú y viên, các chợ thực phẩm, Sở NN-PTNT đã đặt hàng Sở KH-CN đề tài trâu hướng thịt, khi triển khai đã được các huyện hưởng ứng.
Tại Long An, phụ phẩm trong nông nghiệp rất nhiều (rơm, dây đậu, thân bắp...), do đó việc phát triển trâu, bò hướng thịt cũng vì mục tiêu sử dụng có hiệu quả phụ phẩm. Cách làm này mang lại thu nhập cho người dân và giảm thiểu tác động đến môi trường do đốt phụ phẩm trên đồng ruộng. Ngoài ra, để đảm bảo nguồn thức ăn cho trâu thịt, bò thịt, tỉnh cũng đã có quy hoạch phát triển đất trồng cỏ cho chăn nuôi gần 1.000 ha.
Sau khi nhận kết quả khả thi, Sở NN-PTNT đã có văn bản chính thức gửi cho các huyện có điều kiện phát triển trâu hướng thịt đăng ký tiếp nhận. Hiện nay các địa phương đăng ký tương đối nhiều, vì vậy Sở đang rà soát lại, bước đầu chỉ triển khai ở những địa bàn phù hợp và có nguồn thức ăn đảm bảo, tránh dư thừa ảnh hưởng đến giá tiêu thụ.
Ông Nguyễn Nam Văn, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Đức Huệ cho biết, trước đây Đức Huệ là một trong những “lò” cung cấp trâu cày cho thị trường Đông Nam bộ và ĐBSCL. Quá trình cơ giới hóa nông nghiệp, đàn trâu giảm sút dần.
Nhưng những năm gần đây, thịt trâu khan hiếm thì chăn nuôi trâu được phục hồi. Hiện nay tổng đàn trâu của huyện có 4.679 con, chiếm 34,7% tỷ lệ đàn trong tỉnh, trong đó các xã nuôi nhiều trâu nhất là Mỹ Thạnh Tây và Mỹ Quý Tây.
Anh Trương Văn Lực, ấp 5, xã Mỹ Quý Tây, huyện Đức Huệ cho biết, gia đình anh sống nhờ 7,5 ha trồng lúa nếp và đàn trâu 20 con. Thu nhập từ lúa được khoảng 200 triệu/2 vụ/năm. Trâu 2 năm tuổi là xuất với giá từ 24-25 triệu đồng/con. Mỗi năm bán vài con, bình quân thu nhập mỗi năm từ trâu khoảng hơn trăm triệu đồng, kinh tế gia đình có hẳn một nguồn khá ổn định.
Tương tự, gia đình ông Nguyễn Chí Lý, ấp Cả Trốt, xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng cũng cho biết, gia đình ông nuôi trâu từ năm 2002. Ban đầu mua 1 mẹ 1 con; sau 2 năm bán nghé giữ mẹ gầy đàn, đến nay thấy trâu nuôi dễ nên gia đình ông quyết định chọn trâu làm mô hình chính cho kinh tế gia đình.
Anh Đặng Văn Danh, cán bộ thú y xã Mỹ Quý Tây (Đức Huệ) cho biết, toàn xã có gần 2.000 con trâu, bò trong đó trâu nhiều hơn bò; phần lớn các hộ này xuất phát ban đầu nuôi từ 1-2 con và phát triển dần thành đàn lớn. Mỗi ngày lượng trâu của xã cung cấp cho thị trường từ 15-20 con.
Nhu cầu thị trường lớn
Bà Định Thị Phương Khanh cho biết, dự án nuôi trâu hướng thịt bao gồm công trình nuôi ghép trâu đực Murrah phối giống với trâu cái nội và nghé lai F1 (trâu Murrah phối với trâu địa phương) có khả năng sinh trưởng tốt trong điều kiện chăn nuôi nông thôn.
Trọng lượng lúc 12 tháng tuổi đạt 178-186kg, cao hơn trâu địa phương từ 10,1-15,3%. Do vậy, năng suất và chất lượng thịt trâu cao hơn, người chăn nuôi sẽ thu lợi nhuận tốt hơn trước.
Tiếp nhận dự án nuôi trâu hướng thịt, Phòng Nông nghiệp huyện Đức Huệ đã phối hợp các phòng ban chức năng sớm triển khai để đẩy mạnh mô hình chăn nuôi thích hợp với thực tế địa phương.
Ngoài các chính sách hỗ trợ của tỉnh, phối hợp với Trung tâm Khuyến nông, huyện đã liên tục tổ chức các khóa tập huấn kỹ thuật chăn nuôi cho bà con nông dân. Riêng năm 2015, đã có 17 khóa tập huấn cập nhật kiến thức chăn nuôi, phòng dịch bệnh cho các hộ nuôi trâu, bò.
Ông Tô Văn Chảnh, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Vĩnh Hưng cho biết, với thế mạnh là vùng lúa có các cánh đồng lớn, nên nguồn thực phẩm chăn nuôi trâu bò khá dồi dào.
Tuy mô hình nuôi trâu trước đây ở huyện không cao, năm 2012 chỉ có 742 con, chiếm tỷ lệ 5,5% tổng đàn của tỉnh, nhưng hiện nay các hộ chăn nuôi trâu đang đẩy mạnh tăng đàn do tạo được nguồn kinh tế ổn định hơn trước.
Theo đánh giá của các chuyên gia, thịt trâu ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng, đánh giá đúng vị trí trên thị trường vì nạc nhiều, mỡ ít và ít cholesterol. Gần đây nhiều địa phương và TP.HCM xuất hiện các cửa hàng thịt trâu với biển hiệu đặc sản chứng minh vai trò của thịt trâu trong đời sống xã hội, dần xóa bỏ định kiến về thịt trâu như hôi, dai, tanh... Như vậy nhu cầu thịt trâu và thị trường tiêu thụ thịt trâu trong tương lai còn rất lớn.
Số lượng trâu thế giới hiện nay khoảng 180 triệu con với sản lượng thịt khoảng 3 triệu tấn, tập trung nhiều ở khu vực châu Á. Số lượng trâu Việt Nam đứng thứ 7 thế giới, sản lượng thịt trâu của Việt Nam đứng thứ 6 thế giới.
Nhu cầu và giá cả thịt trâu trên thế giới đang ngày càng tăng, bình quân giá thịt trâu ở các nước dao động 5-10 USD/kg. Giá thịt trâu trong nước cũng dao động từ 220-250 ngàn đồng/kg.
|