Lợi ích máy chế biến thức ăn đa năng
10:04 - 13/01/2016
Việc thay đổi phương pháp chế biến thức ăn chăn nuôi từ tập quán thủ công trong chăn nuôi nông hộ sang áp dụng máy chế biến thức ăn chăn nuôi đa năng đã mang lại hiệu quả bất ngờ.
Máy chế biến thức ăn đa năng phù hợp và mang lại nhiều lợi ích đối với chăn nuôi nông hộ

Chương trình được Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tuyên Quang triển khai, đang được nhiều người chăn nuôi địa phương tìm hiểu, áp dụng.

Hiệu quả rõ rệt

Năm 2014, từ nguồn kinh phí của Dự án Hỗ trợ nông nghiệp, nông dân và nông thôn tỉnh Tuyên Quang (TNSP), Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã phối hợp với Trạm Khuyến nông các huyện Sơn Dương, Hàm Yên và Chiêm Hóa triển khai mô hình ứng dụng máy chế biến thức ăn chăn nuôi đa năng trong nông hộ với quy mô 23 máy/23 hộ tham gia thực hiện.

Mô hình mang lại hiệu quả rõ rệt. Năm 2015, trung tâm tiếp tục triển khai mô hình với quy mô 60 máy thuộc 5 huyện. Theo đó, 80% kinh phí mua máy móc, mua men ủ thức ăn và thùng ủ do tỉnh hỗ trợ; hộ gia đình đóng góp 20% kinh phí và đối ứng 100% kinh phí đầu tư mua con giống, thức ăn, thuốc thú y và các chi phí khác.

Ngoài ra, các hộ tham gia mô hình phải thực hiện chăm sóc, nuôi dưỡng vật nuôi theo đúng kỹ thuật; được tập huấn để hiểu rõ và vận hành thành thạo máy chế biến thức ăn chăn nuôi đa năng cũng như kỹ thuật ủ thức ăn với men ủ hoạt tính.

Ông Hoàng Thế Giang ở thôn Đèo Bụt, xã Phú Thịnh, huyện Yên Sơn cho biết, khi được bình xét, chọn để tham gia mô hình, ông không nghĩ rằng máy chế biến lại mang đến nhiều cái hay như bây giờ. Với 20 con lợn và 150 gia cầm, việc chế biến thức ăn đối với ông hàng ngày tưởng là việc bình thường.

Tuy nhiên, khi sử dụng máy mới thấy sướng thật. Tất tần tật rau, bèo, chuối thân mềm hay các loại thân cây tương đối cứng... đều được nghiền nhỏ, thức ăn được cắt mịn, nhuyễn. Đã thế, thời gian để chế biến lại rất nhanh. Với một giờ vận hành, ông Giang làm ra 100-150 kg thức ăn chăn nuôi. Để có được lượng thức ăn như vậy, cách làm thủ công trước đây của ông phải tốn nửa ngày.

Ông Nghiêm Văn Tuyên ở thôn Tân Thành, xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương phân tích, máy chế biến thức ăn đa năng cho phép tận dụng tối đa nguồn phế phụ phẩm từ nông sản sẵn có. Mặt khác khi thức ăn thô xanh được ủ men hoạt tính giúp vật nuôi hấp thu hết các chất dinh dưỡng có trong thức ăn.

Sử dụng máy chế biến thức ăn chăn nuôi đa năng là giải pháp hữu hiệu để phát triển chăn nuôi một cách bền vững, góp phần tăng năng suất, tăng thu nhập cho nông dân, khẳng định sự phù hợp với phương thức chăn nuôi gia súc, gia cầm với quy mô vừa và nhỏ. Trung tâm Khuyến nông Tuyên Quang đã kiến nghị cấp trên tiếp tục hỗ trợ tuyên truyền, nhân rộng mô hình.

Thực tế đó vừa nâng cao chất lượng thịt, lại vừa giúp tiết kiệm nguồn thức ăn nhờ cải thiện hàm lượng dinh dưỡng cung cấp vào cơ thể vật nuôi. Thêm nữa khi vật nuôi hấp thu triệt để lượng protein trong thức ăn hỗn hợp dẫn đến không bị thừa đạm bị thải qua phân sẽ giúp giảm ô nhiễm môi trường rõ rệt so với các hộ gia đình, trang trại chăn nuôi sử dụng 100% thức ăn hỗn hợp công nghiệp.

Với quy mô chăn nuôi 20 lợn và 1.500 gia cầm, bà Nguyễn Thị Thắm ở thôn Tân Trào, xã Hợp Hòa, huyện Sơn Dương nhận xét, sử dụng máy chế biến thức ăn chăn nuôi đa năng để chế biến thức ăn hỗn hợp kết hợp với ủ men hoạt tính đơn giản, tiện lợi. Máy giúp giảm công chế biến, giảm chi phí mua thức ăn mà chất lượng thịt của vật nuôi lại được nâng lên, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Vì vậy, ngoài việc được hỗ trợ 1 máy theo mô hình, nếu quy mô chăn nuôi tăng lên thì bà Thắm sẽ tự đầu tư để trang bị thêm máy.

Hiệu ứng lớn

Ông Vũ Ngọc Tuyên, cán bộ Trung tâm Khuyến nông Tuyên Quang cho biết, đánh giá mô hình, sử dụng máy chế biến thức ăn chăn nuôi đa năng trong nông hộ để tự chế biến thức ăn hỗn hợp tận dụng nguồn nguyên liệu nông sản, thức ăn thô xanh, phế phụ phẩm sẵn có tại địa phương để chăn nuôi lợn thịt đã giảm được 31,4% chi phí thức ăn so với thức ăn hỗn hợp chế biến sẵn bán trên thị trường.

10-29-58_2

Đối với chăn nuôi gà thịt đã giảm được 22% chi phí thức ăn và chăn nuôi vịt thịt đã giảm được 18,6% chi phí. Đặc biệt, sử dụng máy còn làm tăng thu nhập cho người chăn nuôi.

Mô hình triển khai có hiệu quả, được nông dân địa phương đánh giá cao. Thực tế là ngoài 83 máy do Nhà nước hỗ trợ theo dự án thì tại địa bàn các địa phương có mô hình, con số thống kê đã có tới trên 300 hộ chăn nuôi tự đầu tư, học hỏi, mua máy để sử dụng.

VIỆT BẮC
Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo