Đến cuối năm 2015, diện tích thanh long nhiễm bệnh đốm nâu trên địa bàn tỉnh Bình Thuận là 1.675 ha, trong đó nhiễm nhẹ 1.600 ha, nhiễm trung bình 75 ha và không có diện tích nhiễm nặng.
|
Vệ sinh vườn và xử lý cành, trái bệnh |
Đó là chỉ đạo ông Huỳnh Thanh Cảnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận tại hội nghị tổng kết sau 1 năm triển khai phòng chống bệnh đốm nâu triển khai trên địa bàn tỉnh.
Theo Sở NN-PTNT Bình Thuận, toàn tỉnh hiện có khoảng 26.000 ha thanh long. Từ tháng 9/2014, diện tích thanh long bị hại do nhiễm bệnh đốm nâu là 12.870 ha gây thiệt hại nặng nề cho người trồng.
Để ngăn chặn sự lây lan của bệnh, cuối năm 2014, Bộ NN-PTNT đã phát động “Tháng hành động phòng chống bệnh hại thanh long” trên địa bàn 3 tỉnh Bình Thuận, Tiền Giang và Long An. Sau khi kết thúc tháng cao điểm, tỉnh Bình Thuận tiếp tục chỉ đạo triển khai đợt cao điểm và duy trì chỉ đạo công tác phòng chống bệnh.
Ông Trần Minh Tiến, Chi cục trưởng Chi cục BVTV Bình Thuận cho biết, đến cuối năm 2015, diện tích thanh long nhiễm bệnh đốm nâu trên địa bàn là 1.675 ha, trong đó nhiễm nhẹ 1.600 ha, nhiễm trung bình 75 ha và không có diện tích nhiễm nặng. So với cùng kỳ năm 2014 diện tích nhiễm bệnh đốm nâu đã giảm 3.073 ha.
Nguyên nhân do thời tiết vào mùa khô, ít mưa nên bệnh có xu hướng giảm cả về diện tích và tỉ lệ bệnh. Mặt khác, nhờ sự vào cuộc quyết liệt các cấp lãnh đạo tỉnh và các ngành, địa phương.
Đặc biệt Sở NN-PTNT đã triển khai nhiều văn bản chỉ đạo các biện pháp cấp bách phòng chống bệnh. Đồng thời, cử 12 cán bộ là lãnh đạo phòng, đơn vị thuộc sở phối hợp, hỗ trợ 24 xã phòng chống bệnh. UBND các xã, thị trấn có trồng thanh long thành lập Ban chỉ đạo phát triển thanh long bền vững.
Ông Phan Văn Tấn, PGĐ Sở NN-PTNT cho biết, qua 1 năm phòng chống bệnh đốm nâu, các địa phương đã tổ chức thu gom và tiêu hủy gần 10.000 tấn cành bị bệnh; trong đó 758 tấn cành được xử lý ủ bằng chế phẩm Bio-ADB… Đồng thời tổ chức tuyên truyền 547 lớp/21.692 người tham gia; phân phát trên 50.500 tài liệu, tờ rơi và thu gom được 9.676 tấn cành.
Theo ông Huỳnh Thanh Cảnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận, để việc phòng chống bệnh đốm nâu hiệu quả, các ngành, địa phương không được chủ quan, lơ là. Đồng thời chú trọng triển khai đồng bộ các biện pháp kỹ thuật, canh tác khoa học, hợp lý...
Ông Trần Minh Tiến, Chi cục trưởng Chi cục BVTV Bình Thuận khuyến cáo, đến thời điểm hiện tại, trên thị trường vẫn chưa có bất kỳ một loại thuốc BVTV nào đặc trị bệnh đốm nâu. Vì vậy biện pháp hữu hiệu vẫn là vệ sinh vườn theo quy trình của Chi cục BVTV.