Đó là khẳng định chắc như đinh đóng cột của ông Đặng Hữu Trường, một chủ gia trại chăn nuôi lợn tại xóm Minh Tiến, xã Tùng Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh).
|
Kiểm tra chất lượng bể khí biogas tại Tùng Lộc |
Sở dĩ ông Trường khẳng định điều đó bởi ông đã thấy được lợi ích của việc lắp đặt bể khí biogas trong việc tận dụng khí đốt, giảm thiểu ô nhiễm môi trường giúp chăn nuôi phát triển bền vững.
Gia trại của ông Trường được xây dựng từ năm 2014, trên diện tích đất gần 6 sào. Quy mô gia trại gồm gần 100 m2 khu nuôi nhốt, số còn lại là diện tích ao hồ và nhà canh giữ, khu để thức ăn. Với diện tích nhỏ hẹp, mỗi lứa, ông cũng chỉ nuôi được chừng 80 con lợn thịt, 3 con nái.
“Quy mô gia trại tuy nhỏ nhưng lượng phân lợn xả ra là rất lớn, mùi hôi thối nồng nặc. Dù gia đình tôi có hơn 0,5 ha ruộng nhưng phân lợn cùng với phân của 5 con bò nữa thì bón cho ruộng cũng không hết.
Năm 2014 khi xây dựng gia trại, tôi được dự án LCASP hỗ trợ xây bể khí biogas, thể tích 9 m3. Nhờ vậy, gia trại không phát tán mùi hôi thối, làng trên xóm dưới không ai kêu ca, phản ánh, khí gas lại đủ dùng thoải mái cho cả gia đình.
Sắp tới, một số hộ sát gia trại sẽ tự đầu tư hệ thống ống dẫn khí để xin gia đình tôi chia sẻ khí gas.
Tôi khẳng định, muốn chăn nuôi lợn bền vững, không còn cách nào khác là phải giải quyết rốt ráo vấn đề ô nhiễm chất thải. Với quy mô gia trại và chăn nuôi nhỏ lẻ, đã nuôi lợn là phải xây dựng, lắp đặt bể khí biogas”, ông Trường chia sẻ.
Ông Trần Đình Đường, cán bộ nông nghiệp xã Tùng Lộc cho biết: “Hiện nay, người dân vẫn có nhu cầu cao về lắp đặt bể khí biogas. Hy vọng cơ chế hỗ trợ vẫn còn để giúp người dân mạnh dạn tăng đàn, phát triển kinh tế. Dự án LCASP sẽ giúp địa phương cải thiện vấn đề ô nhiễm môi trường do rác thải chăn nuôi”. |
Thực tế, với quy mô chăn nuôi gia trại của ông Trường, bể khí 9 m3 chỉ đủ chạy hết gần 1/3 lượng phân xả ra mỗi ngày. Vì thế, sáng nào vợ chồng ông cũng phải dọn bớt số phân, đem đi ủ để bón cho cây trồng.
So với các bể biogas thông thường, ông Trường còn xây thêm bể lóng thứ 4 trước khi xả ra ao nuôi cá. Vì vậy, ao vừa đủ thức ăn bổ sung cho cá vừa đảm bảo nước không bị ô nhiễm.
Ông Trường cho biết thêm: “Nhiều người bảo tôi xây bể khí cầu kỳ quá nhưng tôi nghĩ, muốn bể khí phát huy tối đa công dụng cũng như không phụ lòng nhà tài trợ, mình phải thực sự nghiêm túc.
Lúc đầu, gia đình tôi tính sẽ làm bể bạt nhưng nghe nói chi phí cao nên lựa chọn bể composite cho hợp túi tiền, phù hợp với quy mô gia trại.
Đây chỉ mới là giải pháp tình thế thôi bởi lượng phân ủ hiện vẫn vượt quá nhu cầu bón cho cây trồng của gia đình. Sắp tới, tôi sẽ phân tán đàn ra thành 2 khu vực chuồng trại và xây thêm một bể khí biogas nữa.
Khi đó, phân lợn sẽ được sử dụng tối đa, việc tăng quy mô đàn sẽ không còn phải đáng lo ngại. Với việc xây dựng bể khí biogas, năm 2014, gia đình tôi chăn nuôi phát triển, tổng nguồn thu trên 600 triệu đồng, lãi ròng khoảng 20%”.
Không chỉ gia trại ông Trường, gần 1/2 số gia trại tại xã Tùng Lộc đến thời điểm này đều đã được lắp đặt bể khí biogas hoặc sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi lợn.