Cơ giới hóa nông nghiệp: Tăng lợi nhuận 20 - 30%
16:00 - 24/12/2015
(TNNN)- Cơ giới hóa đóng vai trò quyết định trong sản xuất nông nghiệp như giảm lao động thủ công, lao động nặng nhọc và giảm tổn thất sau thu hoạch, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật cho cây trồng phát triển ... làm tăng năng suất và chất lượng. 
Ảnh minh họa

Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, trong những năm qua, cùng với sự tăng trưởng của sản xuất nông nghiệp, tại hầu khắp các địa phương trong cả nước, cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp được chú trọng. Nhiều loại máy móc, thiết bị được sử dụng trong sản xuất nông nghiệp thay thế lao động thủ công, giải quyết khâu lao động nặng nhọc, tính thời vụ khẩn trương góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, nâng cao thu nhập cho người nông dân và giảm tổn thất trong nông nghiệp. Chính vì vậy, cơ giới hóa đang được ngành chức năng khuyến khích nông dân tích cực đầu tư.
 
Bên cạnh đó, việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp còn giúp cho nông dân giảm chi phí đầu vào, tăng chất lượng sản phẩm, góp phần tăng lợi nhuận khoảng 20-30% so với không áp dụng cơ giới hóa. Nhiều chuyên gia cho rằng, có thể năng suất thu hoạch trên mỗi hecta lớn nhưng không bao giờ giá thành rẻ nếu không áp dụng cơ giới hóa. Điển hình như việc áp dụng máy gặt đập liên hợp đã giảm từ 400 đến 500 ngàn đồng/ha so với gặt, cắt lúa bằng tay, và giảm từ 2 - 3% hao hụt so với thu hoạch theo cách truyền thống.
 
Hiện các sản phẩm cơ khí phục vụ nông nghiệp tại Việt Nam khá đa dạng các chủng loại bao gồm: động cơ đốt trong đến 30 mã lực, máy làm đất (máy cày 4 và 2 bánh), máy thu hoạch (gặt đập liên hợp, gặt lúa xếp dãy, máy tuốt lúa), máy bơm nước, máy phun thuốc sâu, máy bảo quản và chế biến (xay xát lúa gạo, máy sấy).
 
Với thị trường động cơ diesel nhỏ (dưới 30 mã lực), máy kéo và máy nông nghiệp có thể phân làm 3 mảng chính: Sản phẩm nội địa, sản phẩm Trung Quốc, sản phẩm là các loại máy cũ nhập khẩu từ Nhật, Hàn Quốc… Sản phẩm nội địa chủ yếu do các đơn vị của Tổng công ty Máy Động lực và Máy Nông nghiệp Việt Nam (VEAM) sản xuất và lắp ráp có tính chất công nghiệp, có kiểm định. Ngoài ra, có một số doanh nghiệp trong nước lắp ráp máy nông nghiệp, động cơ Trung Quốc dưới dạng CKD.
 
Bên cạnh sự phổ biến của các loại máy nông nghiệp hiện đại là các loại máy nông nghiệp tự chế của nông dân. Theo thống kê chưa đầy đủ của Hội Cơ khí nông nghiệp Việt Nam, hiện cả nước có khoảng trên 100 loại thiết bị máy móc trong sản xuất nông nghiệp với hàng trăm nhà sáng chế trên toàn quốc.
 
 
Tại Hà Nội, thành phố đã tập trung chỉ đạo các địa phương tích cực đưa máy móc vào đồng ruộng nhằm giải phóng sức lao động và nâng cao thu nhập cho nông dân. Đến nay, toàn thành phố có 8.490 máy các loại, diện tích cây trồng được cơ giới hoá được mở rộng đến nay là 107.378 ha. Trong đó có 4.700 máy làm đất các loại, tỷ lệ cơ giới hoá làm đất đạt 69,2% diện tích. Có 390 máy gặt đập liên hợp gặt được 7,8% diện tích, có 3.400 máy tuốt lúa.
 
Trong lĩnh vực chăn nuôi, hiện thành phố có 1.655 máy thái cỏ và máy vắt sữa cho chăn nuôi bò sữa, tỷ lệ cơ giới hoá đạt 16,5%. Thành phố đã xây dựng được 533 chuồng trại chăn nuôi xa khu dân cư có hệ thống cho ăn uống bán tự động, thiết bị xử lý môi trường, quạt nước đạt 11,8%. Ngoài ra, còn có hàng trăm chuồng nuôi gà xa khu dân cư có hệ thống cho ăn uống tự động, đạt 18,4%. Một số huyện có tỷ lệ cơ giới hóa cao như: Ba Vì, Sơn Tây, Thạch Thất, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Sóc Sơn, Đông Anh...
 
Tại Hưng Yên, trong khâu làm đất, toàn tỉnh hiện có 64 máy kéo lớn và trung bình, 2.107 máy kéo nhỏ, tỷ lệ cơ giới hoá đạt trên 90%. Việc làm đất chủ yếu sử dụng máy kéo nhỏ do phù hợp với khả năng vốn đầu tư của hộ gia đình, máy làm được trên các ruộng diện tích nhỏ, chân ruộng vàn có độ cản kéo trung bình và nhẹ, có tầng canh tác vừa phải.
 
Trong khâu gieo cấy, toàn tỉnh Hưng Yên có 779 công cụ sạ hàng lúa, cơ bản đáp ứng nhu cầu và diện tích gieo sạ. Tuy có giá thành thấp, dễ sử dụng, giảm chi phí sản xuất công lao động, tiết kiệm giống, năng suất lúa tăng, song công cụ này chỉ thích hợp với chân ruộng chủ động được việc tưới, tiêu nước; đất gieo sạ phải làm kỹ, nhuyễn, bằng phẳng…
 
Tại Ninh Thuận, toàn tỉnh có 3.127 máy làm đất các loại với tổng công suất khoảng 60.503 mã lực và hầu hết các loại máy này đều xuất xứ từ Nhật Bản, hoặc sản xuất ở Việt Nam. Hiện nay mới đáp ứng cơ giới 60% diện tích làm đất, trong đó chủ yếu là diện tích sản xuất lúa ; 131 máy gặt đập liên hợp; 191 máy tuốt lúa; 161 máy xay xát đáp ứng trên 80% nhu cầu sản xuất tại địa phương.
 
Tuy nhiên, đến nay việc ứng dụng máy móc trong sản xuất nông nghiệp trên cả nước vẫn còn hạn chế. Do chi phí đầu tư cao trong khi kiến thức hiểu biết của người dân còn thấp nên nhiều hộ dân vẫn ngần ngại trong việc đầu tư mua, cho thuê máy móc, dẫn tới tổn thất và chi phí sau thu hoạch còn cao.
 
Ngoài ra, nông dân nước ta có quá ít ruộng đất, lại phân chia manh mún, nhiều bờ, nhiều thửa. Nếu áp dụng cơ giới hóa thì hiệu quả tăng thêm cho mỗi gia đình không lớn. Theo tính toán, hiệu quả khi đầu tư công nghệ chỉ  tăng vài chục ngàn hay nhiều nhất là 100 ngàn đồng /sào canh tác do vậy người nông dân không mặn mà.
 
Về thị phần, hiện các doanh nghiệp trong nước mới chiếm khoảng 30% (trong đó VEAM chiếm 25%). Nguyên nhân khiến sự cạnh tranh của máy nông nghiệp nội yếu thế trên thị trường là do chất lượng không đồng đều, máy không phù hợp với đặc thù sản xuất canh tác của người nông dân và đặc biệt là giá bán tương đối cao. Nếu so với máy của Trung Quốc cùng chủng loại thì một số máy gặt đập liên hợp, máy gặt lúa cầm tay, máy tuốt lúa, máy bơm nước, máy cày… của doanh nghiệp nội sản xuất thường cao hơn từ 15-20%.
 
Hiện một chiếc máy gặt đập liên hợp của Nhật Bản có giá khoảng 530- 540 triệu đồng/chiếc, trong khi máy nội chỉ khoảng 300 triệu đồng/chiếc. Máy Nhật đắt nhưng nhẹ, dễ sử dụng, không bị hỏng hóc và phù hợp với đồng ruộng nên ngay cả những gia đình không có máy phải đi thuê cũng chỉ thuê máy Nhật, bởi cắt máy của Trung Quốc hay Việt Nam thường dễ hư lúa, giảm năng suất.
 
Để đẩy mạnh cơ giới hóa nhằm thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động nông thôn, cần phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ cho cơ khí nông nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế tạo máy cho nông nghiệp, xây dựng cơ sở chế biến và sơ chế, dịch vụ cơ khí nông nghiệp. Đồng thời, quan tâm nghiên cứu, đào tạo, huấn luyện cán bộ kỹ thuật, công nhân vận hành máy móc lành nghề.
 
Do điều kiện khí hậu, tập quán trồng trọt, chăn nuôi ở quy mô tương đối nhỏ nên các doanh nghiệp sản xuất máy nông nghiệp cần thay đổi tư duy để đưa ra loại máy phù hợp hơn với thị trường Việt Nam. Mặc dù chúng ta kỳ vọng sẽ có những cánh đồng lớn, những trang trại lớn nhưng, trong thời gian ngắn khó có thể thực hiện được.

Anh Dũng
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo