Hiện nay, dư luận rộ lên khi các vườn cao su ở phía Bắc bế tắc đầu ra. Dân ca thán, cán bộ hoang mang, nhiều người không nắm rõ tình hình cũng lên tiếng.
Sau khi đăng loạt bài Vỡ mộng với “vàng trắng”, phản ánh một số bất cập và khó khăn khi phát triển cây cao su ở các tỉnh Tây Bắc, Báo NTNN đã nhận được nhiều ý kiến chia sẻ, trao đổi thêm xung quanh chủ trương này. Để góp thêm tiếng nói về câu chuyện cao su ở Tây Bắc, NTNN xin trân trọng giới thiệu những đề xuất khá thú vị, có thể gỡ khó cho nông dân trồng cao su của chuyên gia nông nghiệp Nguyễn Lân Hùng.
Vừa trồng cao su vừa nuôi gà
Theo tôi, chúng ta nên bình tĩnh để xem xét đầy đủ mọi mặt của vấn đề. Đâu phải bà con tham gia trồng cao su là mất hết như một số người đã phát biểu. Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Hà Công Tuấn, các doanh nghiệp chủ trì chương trình đã thực hiện đầy đủ mọi cam kết: Họ đã chuyển giao khoa học kỹ thuật cho bà con, nhận người vào công ty, tạo việc làm cho nhiều người, đóng góp để nâng cao đời sống văn hóa, y tế, giáo dục cho địa phương...
Họ đã nhận được đồng nào từ sản phẩm đâu! Mọi thứ doanh nghiệp đều phải ứng ra trước cho bà con. Như vậy, mặt tích cực này cần được biểu dương. Mặt khác, theo ông Tuấn “cây cao su ở Tây Bắc đến nay sinh trưởng, phát triển tốt”.
Vấn đề ở đây là giá cao su trên thế giới đang giảm mạnh. Vậy, ta vội khai thác làm gì. Điều này không ai lường trước được. Do đó, chớ vội trách móc. Đặt trường hợp, nếu giá cao su trên thị trường vẫn như cũ thì bà con ta trên đó lại có cơ thắng to!... Do đó, ta nên thận trọng khi phán quyết.
Chúng tôi xin không bàn tới cây cao su nữa mà xin đề xuất những việc mà có thể tận dụng tán rừng cao su để thực hiện một số hoạt động sản xuất nhằm tăng thu nhập cho bà con.
Tôi nhớ, khi chúng tôi tới thăm những khu vườn trồng mắc ca ở Quảng Tây (Trung Quốc), chúng tôi thấy họ nuôi gà ngay dưới tán những vườn mắc ca đó. Những cây ở đây đã 15 tuổi, thân cao to, tán um tùm. Thế nhưng trong những khu vườn đó, họ đã nuôi tới hàng nghìn chú gà. Họ dùng lưới cước (rộng độ 1m) để quây xung quanh. Mỗi khu rộng độ vài nghìn mét vông.
Trong đó, gà tự do đi kiếm ăn dưới tán những cây mắc ca rậm rạp. Chúng có vẻ thích thú với điều kiện ấy. Điều khiến chúng tôi ngạc nhiên là thấy công nhân của vườn đi thu trứng gà bằng... xe ba gác! Trứng xếp đầy xe. Mỗi xe chắc phải chứa tới hàng nghìn quả trứng.
Họ nhặt trứng khắp vườn. Chỗ nào cũng thấy có trứng gà. Tôi nghĩ, không biết bà con mình trên Tây Bắc có làm được như họ trong các rừng cao su được không? Ta vừa trồng cao su, vừa kết hợp nuôi gà.
Nếu khu rừng cao su mà gần nhà, bà con có thể tổ chức nuôi lợn rừng hoặc nuôi nhím. Bọn này chỉ cần vài trăm mét vuông là nuôi thoải mái. Tôi thấy trang trại của anh Hiếu ở Eaka (Đăk Lăk) nuôi tới hàng trăm con lợn rừng ngay trong vườn cà phê già cỗi. Chúng sinh sống rất tốt. Ta quây lưới B40 xung quanh là được rồi. Xin hãy thử làm.
Bò thịt cũng rất nên nuôi ở đây. Ta nên tận dụng nguồn thức ăn thô xung quanh trong các rừng cao su. Hiện nay, công ty giống gia súc Hà Nội đã tạo được giống bò lai B.B.B. Bọn này nuôi lớn rất nhanh. Chúng có thể tăng trọng được 1kg/ ngày. Có con bò lai nặng tới gần 1 tấn.
Dân Hà Nội đã nuôi tới hơn 1 vạn con. Đối với họ khó nhất là thức ăn xanh. Còn trên ta thì thức ăn xanh thoải mái. Ai có điều kiện nên nuôi loại bò này (xin liên hệ với giám đốc công ty là ông Phong, điện thoại: 0912.108.430). Nhưng khi nuôi trâu, bò bà con ta cần nhớ, các cụ ta có câu: “Trâu sợ gió, bò sợ nước”! Ta nên làm chuồng kín đáo cho chúng để tránh mưa rét.
Còn một loài ăn cỏ, ăn lá nữa cũng rất nên tổ chức nuôi, đó là con dê. Nuôi dê dưới tán rừng cao su đã lớn thì rất tiện. Dê dễ nuôi, dễ sống, thức ăn dễ kiếm mà thịt của chúng cũng bán rất dễ. Giá thịt dê lại cao, sao ta không nuôi?!
Con dê cỏ thì chỉ nặng độ 35-40kg. Dê Bách thảo thì lớn hơn, từ 60-80kg. Nhưng chúng ta đã nhập một giống dê khổng lồ từ Nam Phi về là con dê Boer- con này nếu nuôi tốt có thể nặng 120-140kg. Trẻ con có thể cưỡi lên nó như cưỡi bò. Nó cũng dễ nuôi và lớn nhanh. Các nơi nên liên hệ với Trung tâm Nghiên cứu dê - thỏ của Bộ Nông nghiệp để tham quan, học tập và xin cung cấp giống (liên hệ với TS Ngô Thành Vinh - Giám đốc trung tâm, điện thoại: 0912.497.160).
Cứ tạm quên cao su
Khi tới thăm vườn cao su của bà con ta trên Tây Bắc, chúng tôi thấy, dưới tán rừng là những thảm cỏ khá dày. Sao ta không nuôi thêm trâu? Khi tới Mường Khương, tôi tận mắt thấy bà con bán một con trâu mộng được tới 60 triệu đồng. Nếu mỗi nhà nuôi thêm vài con trâu thì có khi... giàu to!
|
Thế còn ai rất ít vốn thì ta có thể tổ chức nuôi thỏ. Ban đầu chỉ cần mua 1-2 đôi giống. Thỏ đẻ khỏe lắm, mỗi năm đẻ 5-6 lứa. Mỗi lứa 7-8 con. Chả mấy chốc mà ta sẽ có cả một đàn thỏ.
Người nuôi thỏ suốt ngày chỉ lo đóng thêm chuồng mà có khi còn không kịp. Không nên nuôi giống thỏ ta vì nó bé quá (chỉ độ 2-3kg).
Ta nên nuôi các giống thỏ nhập nội. Bọn này có thể nặng tới 5-6kg. Sẵn có vườn cao su, ta nên tổ chức nuôi thỏ với quy mô lớn. Cả về kỹ thuật và con giống, bà con có thể liên hệ với PGS-TS Đinh Văn Bình (điện thoại: 0962.431.157). Tôi vẫn coi ông ấy là “vua thỏ”!
Có lẽ, còn rất nhiều loài mà bà con ta có thể xem xét để đưa vào nuôi (như: Vịt trời, ngan, trĩ, công, gà sao, đà điểu, dúi...). Tùy từng hoàn cảnh các gia đình mà chúng ta chọn thêm 1 vài loài để nuôi trong lúc chờ cho cao su... lên giá!
Ở trên đó, gọi là hết đất canh tác nhưng quanh vườn cũng còn nhiều chỗ có thể đưa thêm các loại cây cho ta thu nhập tốt, ví dụ như: Bơ, mít mùa đông, na thái, táo, ổi...
Nếu ngồi kể ra thì còn biết bao nhiêu việc mà bà con ta có thể làm. Vườn cao su thì cứ để đấy, chờ lúc nào thuận lợi thì ta sẽ khai thác. Bây giờ, hãy làm ngay những việc mà giúp bà con tăng nhanh được thu nhập. Ta còn phải lo việc xây dựng nông thôn mới cho cả làng, cả bản nữa chứ.