Sướng như nông dân Liên Châu
15:39 - 18/02/2016
Giống như nhiều nông dân ở khu 6, ông Thành chỉ việc đút tay túi quần ngắm chiếc máy cấy Kubota đội những khay mạ xanh mơn mởn lướt trên mặt ruộng.
Công nhân Cty Việt Thành vận hành máy cấy của hãng Kubota cho nông dân Liên Châu

Đang trong đợt cao điểm gieo cấy lúa vụ xuân, trời rét tê rét tái. Gió đông bắc thổi ào ào càng tạo cảm giác buốt thấu xương. Nhà có 3 sào ruộng bừa ải chờ cấy mạ, vậy mà ông Nguyễn Văn Thành (51 tuổi, ở khu 6, xã Liên Châu, huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc) vẫn thảnh thơi như lúc nông nhàn.

Chẳng mặc áo lao động sậm màu, không xỏ ủng quá gối chân, lão nông ấy ra đồng với bộ trang phục sạch tinh tươm, đôi chân đeo giầy da bóng lộn. Giống như nhiều nông dân ở khu 6, ông Thành chỉ việc đút tay túi quần ngắm chiếc máy cấy Kubota đội những khay mạ xanh mơn mởn lướt trên mặt ruộng. Đi đến đâu, chúng nhả những hàng mạ thẳng và đều như kẻ chỉ.

Cảnh tượng ấy khiến những người thôn quê quanh năm chân lấm tay bùn hởi lòng hởi dạ lắm. Bởi họ đã thực sự chạm được giấc mơ không còng lưng từ ngàn đời.

Hết cảnh oằn lưng cấy lúa

Những năm trước, cứ đến mùa vụ mới, vợ chồng ông Thành lại ụp oạp lội ao xúc bùn rồi đòn xóc oằn lưng gánh về sân ủ mạ. Cơ cực, bẩn thỉu đã đành nhưng mạ tốt hay xấu còn phụ thuộc vào thời tiết và cách chăm sóc. Gặp thời điểm nắng nóng kéo dài, mạ phát triển nhanh, nếu không cấy sớm sẽ bị già, giảm năng suất. Gặp rét đậm, rét hại, nếu không phòng lạnh kịp thời mạ ngừng phát triển hoặc chết khô.

Đám thanh niên giờ đua nhau bay nhảy lên phố thị. Thành thử, nông thôn dặt người già, trẻ nhỏ ra đồng. Những ngày rét mướt này, dân cấy thuê vô cùng đắt giá. Chủ ruộng buốt ruột chi ra 200.000 đồng/ngày mà chưa chắc đã thuê được người cấy lúa. Giờ có dịch vụ mạ khay, máy cấy về làng, những lo toan ấy tan biến hết.

Vụ xuân năm nay, Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Phúc phối hợp với Cty CP Sản xuất và Thương mại Việt Thành thực hiện mô hình cấy lúa bằng mạ khay, máy cấy tại xã Liên Châu với diện tích 50m2. Các hộ tham gia dự án sẽ được hỗ trợ 100% lúa giống và 30% phân bón.

Ông Nguyễn Sơn Hà, Chủ tịch Hội Nông dân xã Liên Châu chia sẻ: "Từ năm 1996, chúng tôi đã làm một cuộc “cách mạng” về ruộng đất, đó là dồn điền đổi thửa. Và bây giờ, chúng tôi lại tiếp tục làm cuộc cách mạng trong sản xuất nông nghiệp, đưa cơ giới hóa vào sản xuất để bắt máy móc làm thay chân tay, giảm chi phí đầu tư sản xuất (đặc biệt là khâu gieo mạ và cấy), nhằm góp phần thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh".

Theo nhẩm tính của ông Hà, nếu cấy theo phương thức truyền thống (cấy 3 dảnh/khóm, mật độ 40 - 45 khóm/m2), mỗi sào ruộng cần khoảng 1,5 - 1,8 kg lúa giống. Tuy nhiên, nếu áp dụng mô hình gieo mạ khay và cấy máy (cấy 1 dảnh/khóm với mật độ thưa 24 khóm/m2, hàng xông rộng 30 cm, hàng con 14 cm), lượng giống sử dụng cho 1 sào chỉ từ 0,8 - 1 kg.

1 chiếc máy cấy Kubota cỡ lớn có thể cấy được 5 - 6 ha/ngày. Như vậy, ngoài chủ động về khâu sản xuất mạ, các địa phương còn chủ động được thời vụ và lịch gieo trồng. Nếu năng suất vụ xuân 2016 đạt bằng hoặc cao hơn vụ xuân năm 2015, chắc chắn mô hình này sẽ được nhân rộng ra đại trà.

Hiện Cty Việt Thành đã thành lập Trung tâm sản xuất mạ khay ngay tại xã Liên Châu (với diện tích 0,5ha) để chủ động cung ứng mạ tại chỗ cho bà con nông dân với giá 150.000 đồng/sào (tương đương 7 - 8 khay mạ). Theo nhận xét của nông dân xã Liên Châu, so với công sức và chi phí giống, ni lông phủ bạt mà họ phải bỏ ra, thì giá mạ khay như trên là lý tưởng. Trong chuyến công tác vừa rồi, chúng tôi đã được mục sở thị mô hình này và vô cùng ấn tượng.

Giảm chi phí, tăng năng suất

Nghe chị Kiều Thị Bích Huệ, cán bộ chỉ đạo kỹ thuật của mô hình, thuyết trình mới vỡ lẽ: "Sản xuất một khay mạ sạch bệnh không hề đơn giản. Đất sử dụng làm giá thể phải được phơi khô kiệt nước, sàng bỏ hạt sạn, giã nhỏ, trộn với các vi lượng, chất dinh dưỡng, thuốc chống mốc… để diệt khuẩn sau đó gieo, ủ và dưỡng mạ trong nhà kính".

Nhờ vậy, tỷ lệ sống của mạ luôn đạt từ 98 - 100%. Vụ đông xuân 2015 - 2016, trong khi nông dân nhiều tỉnh, thành phía Bắc khóc ròng vì mạ chết do rét đậm, rét hại kéo dài, thì những khay mạ được sản xuất tại Trung tâm sản xuất mạ Liên Châu vẫn xanh non mơn mởn và phát triển bình thường.

13-17-43_nh-3
Thời vụ gieo cấy, nông dân Liên Châu không phải xuống đồng

Ông Vũ Hoàng Thành, GĐ Cty Việt Thành chia sẻ: "Điểm ưu việt của phương thức cấy thưa bằng máy Kubota là tận dụng được hiệu ứng hàng biên. Cây lúa thâu nhận được nhiều ánh sáng nên sinh trưởng phát triển nhanh, đẻ nhánh khỏe và rất ít sâu bệnh (đặc biệt là bệnh đạo ôn, rầy nâu). Do đó, chi phí cho phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giảm đáng kể. Đồng thời, chúng tôi cũng cam kết với bà con nông dân là năng suất lúa của mô hình sẽ cao hơn so với năng suất lúa trung bình (rất nhiều mô hình đạt năng suất từ 2,5 đến 3 tạ/sào/vụ) của địa phương ở các vụ trước đó".

Ông Nguyễn Hoàng Dương, PGĐ Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Phúc chia sẻ: "Hiện tại, giá nhân công cấy lúa rất cao, đến 200.000 đồng/ngày và luôn trong tình trạng “cháy” lao động. Nếu chỉ chuyên tâm vào việc cấy (không kể công nhổ mạ, chuyển mạ), một thợ cấy giỏi nhất cũng chỉ hoàn thành được 1 sào/ngày. Như vậy, chẳng ai dại gì mà thuê người cấy tay thay vì thuê người cấy máy chỉ có 120.000 đồng sào".

TRUNG HÀ
Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo