Chương trình OCOP: Kéo doanh nghiệp cùng tham gia
17:31 - 28/11/2016
Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) của tỉnh Quảng Ninh đang tỏ rõ sự hiệu quả khi các doanh nghiệp (DN) được tạo điều kiện để tham gia SX và tiêu thụ nông sản cho nông dân.

Chưa có tiền lệ

Xác định đây là một chương trình mới, chưa có tiền lệ, nên ngay thời gian đầu triển khai, huyện Hoành Bồ đã tổ chức 14 hội nghị tập huấn để giới thiệu chi tiết, cụ thể về chương trình OCOP đối với các DN; công bố quy hoạch 17 vùng SX tập trung của tỉnh và của huyện; các chính sách hỗ trợ phát triển SX của tỉnh... để DN tiện theo dõi và tìm hướng đầu tư.


Các DN hỗ trợ đắc lực trong việc SX và tiêu thụ sản phẩm OCOP
 

Bên cạnh đó, để chung tay cùng với DN, huyện Hoành Bồ đã hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, xúc tiến thương mại, các thủ tục hành chính về quy hoạch, giải phóng mặt bằng, thiết kế dự toán, chuyển đổi mục đích sử dụng đất...

Đặc biệt, theo quy định có những thủ tục thẩm định phải mất khoảng 45 ngày thì huyện đã yêu cầu các phòng, ban phối hợp giải quyết, thẩm định trong vòng 5 ngày. Trong trường hợp hồ sơ chưa đạt yêu cầu, thay vì chờ DN mang hồ sơ bổ sung đến, các phòng, ban đã cử cán bộ trực tiếp đến tận nơi để hướng dẫn DN.

 Đối với từng dự án, huyện đều vận dụng tối đa chính sách hỗ trợ của tỉnh để khuyến khích DN mạnh dạn đầu tư. Tính từ năm 2014 đến nay, đã có 6 DN tham gia SX các sản phẩm OCOP với tổng nguồn vốn hỗ trợ và đối ứng của DN là 58 tỷ đồng.

 Từ nguồn vốn này, các DN đã xây dựng nhà xưởng, mua máy móc thiết bị, dây chuyền sản xuất, thiết kế nhãn mác, bao bì, đăng ký mã số, mã vạch cho sản phẩm.

Ông Nguyễn Như Lân, Giám đốc Cty CP Nấm Thịnh Phát, chia sẻ: "Trước khi tham gia OCOP, chúng tôi chủ yếu SX gỗ dăm mảnh. Thời gian đầu khi địa phương động viên tham gia chương trình, chúng tôi khá e ngại vì SX nông nghiệp thường mang tính mùa vụ, lãi suất thấp, thị trường nhiều sản phẩm trôi nổi...

 Tuy nhiên, sau khi được phân tích về việc có thể tận dụng dăm gỗ để SX nấm và được huyện hỗ trợ gần 2 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, chúng tôi đã quyết định SX các sản phẩm sạch từ nấm.

Sau 2 năm đi vào hoạt động, doanh thu mỗi năm đạt hàng tỷ đồng nên chúng tôi đã quyết định chấm dứt hoạt động SX dăm gỗ mà tập trung toàn bộ vào chương trình OCOP".
 

Trăm hoa đua nở

Với sự vào cuộc sát sao, sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời, trong 3 năm triển khai thực hiện chương trình, Hoành Bồ đã thu hút được thêm 5 DN, 5 HTX và 10 tổ hợp tác khác tham gia OCOP. Trong đó chỉ có 2 DN thành lập từ trước, còn lại đều là các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế được thành lập mới.

Điều đáng ghi nhận là phần lớn các DN và HTX SX các sản phẩm OCOP đều là những DN cộng đồng với sự tham gia của các thành viên là những người nông dân trên địa bàn huyện hoặc có sự liên kết, hỗ trợ sản xuất giữa DN với các hộ dân của địa phương.

Không riêng Hoành Bồ, tính đến nay, cả tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng thương hiệu cho 30 sản phẩm nông sản, có 280 sản phẩm tham gia chương trình OCOP thu hút sự tham gia của 119 DN, HTX, cơ sở tham gia SX sản phẩm, dịch vụ trong chương trình OCOP.

Cùng với việc hướng dẫn các địa phương xây dựng hồ sơ, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm, hoàn thiện tiêu chuẩn SX, bắt đầu từ năm 2015, tỉnh đã tổ chức phân hạng, cấp sao cho các sản phẩm và đề nghị Sở KH- CN đăng ký sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm.

Các dự án xây dựng thương hiệu đã giúp các sản phẩm nông sản Quảng Ninh được thị trường chấp nhận, nhiều sản phẩm đã lên kệ các siêu thị lớn, có mặt tại nhiều hội chợ, giá bán tăng như: Rượu ba kích tím Ba Chẽ, vải chín sớm Phương Nam, nếp cái hoa vàng Đông Triều, rau an toàn Quảng Yên...

Bên cạnh đó, một số nông sản của tỉnh đã được chế biến sâu và đáp ứng được các tiêu chuẩn XK vào các thị trường châu Âu, Mỹ và Nhật Bản như ruốc hàu Thái Bình Dương, nghệ vàng...

 

Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo