Cắn răng nhổ sắn non bán tháo chạy lũ, dân Gia Lai tiếc đứt ruột
16:52 - 11/11/2016
Mưa lũ kéo dài hơn 3 ngày liên tục vừa qua khiến hàng ngàn hecta sắn của người dân huyện Krông Pa (Gia Lai) bị ngâm chìm trong nước. Sợ củ sắn bị thối rữa và mất trắng, người dân đành cắn răng nhổ bán tháo - mặc dù chưa tới thời điểm thu hoạch. Biết bán sắn non vào thời điểm này chỉ được khoảng 50% giá, nhưng...

+ Ước thiệt hại hơn 20 tỷ đồng

Thông tin từ Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn huyện Krông Pa: Từ 1 đến 4/11 đã xảy ra mưa lớn với lượng mưa 500mm.

Nhiều vùng trong huyện nằm ven khu vực ven sông Ba và các vùng trũng không có khả năng thoát nước, đã bị úng ngập trong một khoảng thời gian kéo dài từ 3-7 ngày sau đó.

Điều này khiến cho nhiều diện tích hoa màu của người dân bị ngập úng. Đặc biệt, Krông Pa lại là vựa sắn lớn nhất của tỉnh Gia Lai, nhiều diện tích sắn của bà con bị nước lũ nhấn chìm.


 

Qua báo cáo sơ bộ, tại huyện Krông Pa có đến 1.498,6 ha sắn bị thiệt hại do mưa lũ. Với đặc thù của cây sắn là khi đang trong quá trình sinh trưởng mà bị ngập nước thì chỉ vài ngày sau củ sắn sẽ bị thối, không còn sử dụng được.

Bởi vậy, ngay sau khi nước rút, người dân phải nhanh chóng thu hoạch để tránh thiệt hại hoàn toàn. Tuy nhiên, đa số cây sắn của người dân ở đây vẫn chưa đạt đến độ phát triển tối đa, thu hoạch vào thời điểm này chỉ là tình thế ép buộc.

Đang thuê người thu hoạch rẫy sắn vẫn còn bì bõm nước, anh Ksor Luyêt (buôn Blak, xã Ia Rmok), buồn bã nói: “Trận lũ vừa rồi khiến cho gần 1 ha sắn của tôi bị ngập nước suốt một tuần liền. Ngày nào tôi cũng phải canh chừng xem nước rút chưa để gọi người tới nhổ. May mà hôm nay thu hoạch kịp chứ không để thêm ít ngày nữa thì xem như số sắn này đều vứt đi”.

11-03-35_nh-luyet-thue-nguoi-nho-sn-trong-bi-bom-nuoc
Anh Ksor Luyêt thuê người nhổ sắn non

 

Cũng theo anh Luyêt, rẫy sắn nhà anh chỉ mới trồng được 5 tháng. Theo đúng mùa vụ, để cây sắn phát triển và cho củ tối đa phải 11 tháng sau ngày xuống giống. Nhổ bán vào thời điểm này là vì bất đắc dĩ. Sắn còn non chắc chắn giá bán sẽ thấp hơn bình thường rất nhiều. Nếu như mọi năm, với diện tích như thế này, gia đình anh có thể thu lãi hàng chục triệu đồng thì bây giờ điều anh muốn là lỗ ít chừng nào tốt chừng đó.

“Năm trước tôi cũng trồng sắn ở đây nhưng không bị ngập lũ nên trừ mọi chi phí ra cũng lãi gần 30 triệu đấy. Còn năm nay không cần tính cũng biết là lỗ. Sắn chưa đến kỳ thu hoạch, không đạt sản lượng đã đành nay lại không được giá vì chất lượng thấp, chỉ có 700 đồng/kg thì lời lãi đâu ra.

Mới mấy ngày đó mà củ sắn đã bắt đầu bốc mùi rồi nên tôi phải thuê 20 nhân công tiến hành nhổ gấp. Tính đi tính lại, chắc tiền bán sắn cũng không đủ để trả tiền công”, anh Luyêt ngậm ngùi.

11-03-35_sn-ngm-trong-nuoc-lu-3-ngy-d-bt-du-bi-thoi-ru
Sắn ngâm trong nước 3 ngày đã bắt đầu thối rữa
 

Cũng như anh Luyêt, tại rẫy sắn thuộc buôn Phùm, xã Ia R'sươm (huyện Krông Pa), anh Lê Văn Thanh (trú tại phường Cheo Reo, thị xã Ayun Pa) cay đắng nhìn những củ sắn nhổ lên đã bốc mùi hôi thối. Trong diện tích 3 ha sắn anh trồng có đến hơn 1,5 ha bị ngập nước. Dù nước đã rút, sắn chỉ bị ngập trong 3 ngày nhưng như vậy cũng là đủ để loại củ này bắt đầu hư hỏng.

Anh Thanh rầu rĩ: “Vùng đất này không bị hạn như những nơi khác nên mình mạnh dạn đầu tư cả tiền giống, phân bón và nhân công, mỗi hecta gần 24 triệu đồng. Giờ nhổ sớm năng suất giảm gần một nửa, chưa kể sẽ bị trừ tạp chất cao hơn và trữ bột cũng thấp hơn. Hy vọng còn đủ tiền trả công nhổ và tiền xe chứ thu hồi vốn thì chịu rồi”.

11-03-35_nh-le-vn-thnh-phi-thue-nhn-cong-thu-hoch-sn-chy-lu
Anh Thanh cũng phải thuê người nhổ sắn chạy lũ
 

Trao đổi về vấn đề này, ông Đinh Xuân Duyên - Trưởng phòng NN-PTNT huyện Krông Pa, cho biết: “Sắn là cây trồng chủ lực của địa phương, thế nhưng đợt mưa lũ vừa qua đã khiến cho bà con thiệt hại quá lớn.

Sau khi nắm thông tin, chúng tôi đã hướng dẫn người dân khơi thông rãnh thoát nước, tuy nhiên vẫn không thể tránh được thiệt hại. Ước tính tổn thất về năng suất cũng như chất lượng cây sắn ở huyện khoảng 70%.

Theo tính toán, mỗi hecta sắn thiệt hại khoảng 14 triệu đồng. Như thế, dựa theo diện tích bị ngập lụt thì các hộ dân trồng sắn toàn huyện thiệt hại hơn 20 tỷ đồng. Chúng tôi vẫn đang tiến hành xác minh cụ thể từng hộ, từng diện tích bị thiệt hại để từ đó làm cơ sở đề nghị các cấp hỗ trợ giúp dân”.

Ông Tô Văn Chánh - Chủ tịch UBND huyện Krông Pa cho hay, huyện đã gửi văn bản cho nhà máy mì, đề nghị nhà máy thu mua tất cả sắn tươi của nông dân, đặc biệt ưu tiên những hộ dân có diện tích sắn bị ngập nước do mưa lũ.

 

LÊ KHÁNH
Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo