Gắn thẻ tai cho heo VietGAHP
10:55 - 09/11/2016
Bên cạnh việc phối hợp với Sở Công Thương TP.HCM thực hiện đề án ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý, nhận diện, truy xuất nguồn gốc thịt heo, ngành chăn nuôi tỉnh Đồng Nai cũng đang phối hợp bấm thẻ tai cho heo VietGAHP khi xuất chuồng.

Việc bấm thẻ tai nhằm mục đích truy xuất nguồn gốc heo đạt chuẩn VietGAHP (thực hành chăn nuôi tốt) khi đưa vào giết mổ, phân phối ra thị trường.
 

Heo xuất chuồng có “chứng minh thư”

Đồng Nai đang tích cực thực hiện gắn thẻ tai để nhận diện heo VietGAHP. Ảnh: K.H

Xây dựng chính sách tổ chức
thị trường nội địa

Đồng Nai là 1 trong 8 tỉnh, thành được chọn xây dựng chính sách tổ chức thị trường nội địa trong tiêu thụ nông sản với 2 mặt hàng là heo và gà. Ngoài Đồng Nai, ở khu vực phía Nam có thêm 2 tỉnh, thành được chọn gồm: Lâm Đồng với mặt hàng rau, quả; TP.HCM với thị trường tiêu thụ.  Để thực hiện việc tổ chức thị trường nội địa đạt hiệu quả cao, tỉnh Đồng Nai cho rằng, cần có cơ chế quản lý thương lái hiệu quả để không xảy ra những sự việc đáng tiếc như trộn heo không rõ nguồn gốc vào heo VietGAHP, đưa chất cấm cho người chăn nuôi sử dụng, bơm nước vào heo…

 

 

Ban quản lý Dự án LIFSAP Đồng Nai (dự án cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm) cho biết, đơn vị này đang phối hợp Chi cục Chăn nuôi - Thú y Đồng Nai thực hiện bấm thẻ tai cho heo đạt chứng nhận VietGAHP khi xuất chuồng. Việc bấm thẻ tai cho heo VietGAHP giúp kiểm soát, quản lý truy xuất nguồn gốc đàn heo khi đưa vào giết mổ, phân phối ra thị trường. Thẻ tai cũng chứa các thông tin về chủ hộ nuôi, ngày giờ xuất chuồng, thông tin kiểm dịch thú y… Việc tổ chức gắn thẻ tai cập nhật thông tin về trại heo VietGAHP khi heo xuất chuồng được cho là giải pháp tốt hơn trong việc truy xuất nguồn gốc heo sạch. Ông Phan Minh Báu – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đồng Nai cho biết, trước đó, nhằm mục đích dễ dàng truy xuất nguồn gốc các sản phẩm heo VietGAHP, Đồng Nai đã thực hiện bấm thẻ tai cho đàn heo tại các hộ đạt chuẩn GAHP với tổng số thẻ hơn 40.000 chiếc.
 

Còn theo ông Trần Văn Quang – Chi cục trưởng Chi cục Thú y Đồng Nai, với quyết tâm kiểm soát vấn đề an toàn thực phẩm trong ngành chăn nuôi, địa phương này tập trung phát triển các vùng chăn nuôi an toàn. Tính đến nay, Dự án LIFSAP đã xây dựng được 3 vùng GAHP với hơn 1.000 hộ tham gia, thuộc 52 nhóm GAHP. Trong đó, có 622 hộ chăn nuôi thuộc các nhóm GAHP đã được cấp chứng nhận VietGAHP. Dù quyết liệt kiểm soát vấn đề an toàn thực phẩm, tuy nhiên, công tác theo dõi nguồn gốc heo của các hộ GAHP đưa vào các cơ sở giết mổ tập trung thông qua thẻ tai còn hạn chế. Heo VietGAHP chưa được nhận diện do thẻ tai đeo trong suốt quá trình nuôi đến xuất bán bị hư hỏng, rơi rớt… Do đó, tỷ lệ heo còn đeo thẻ khi vào các cơ sở giết mổ rất ít.
 

Phát triển nuôi heo VietGAHP

Trước yêu cầu về đảm bảo chất lượng sản phẩm chăn nuôi, Đồng Nai đang đẩy mạnh phát triển các vùng chăn nuôi VietGAHP, đồng thời gắn kết các hộ nhỏ, lẻ thành những nhóm GAHP lớn, vững mạnh hơn. Theo Sở NNPTNT Đồng Nai, trước đây, chứng nhận VietGAHP được cấp cho các hộ chăn nuôi đơn lẻ, nhưng bắt đầu từ năm 2016, các nhóm GAHP đã chuyển đổi thành các tổ hợp tác. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã có 11 tổ hợp tác GAHP đăng ký được cấp chứng nhận VietGAHP.

Gần đây nhất, qua kiểm tra, đánh giá, có 10 tổ hợp tác GAHP với tổng đàn gần 14.000 heo thịt của bà con chăn nuôi tại huyện Thống Nhất đủ điều kiện được cấp chứng nhận VietGAHP. Các sản phẩm heo có chứng nhận VietGAHP được một số doanh nghiệp thu mua.
 

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Kim Đoán – Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, việc phát triển chăn nuôi theo chuẩn VietGAHP vẫn còn rất khó khăn đối với các hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ. Nguyên nhân là do thói quen chăn nuôi của bà con vẫn rất cũ, không ghi nhật ký chi tiết, rõ ràng. Hơn nữa, trong chương trình truy xuất nguồn gốc do Sở NNPTNT phát động, nhiều hộ nông dân còn e ngại do trình độ công nghệ thông tin hạn chế.

Hơn nữa, theo ông Đoán, cái khó khi thuyết phục nông dân đầu tư heo VietGAHP hiện nay là vẫn chưa hình thành được chuỗi liên kết bền vững từ sản xuất đến tiêu thụ, các hộ dân chủ yếu vẫn phải bán sản phẩm cho thương lái, heo sạch chưa được nhận diện…

Trong khi đó, đại diện một doanh nghiệp giết mổ, chế biến súc sản cho rằng, sản lượng heo VietGAHP hiện có chỉ mới đáp ứng được một phần nhu cầu của thị trường. Sắp tới, các doanh nghiệp sẽ tiếp tục làm việc với các HTX, tổ hợp tác để liên kết thu mua heo VietGAHP.

Còn theo Sở NNPTNT tỉnh Đồng Nai, địa phương này đề nghị trong thời gian tới, khi cơ quan chức năng triển khai tổ chức thị trường nông sản nội địa, cần có nội dung nhận diện cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ, trang trại để từ đó dễ dàng truy xuất nguồn gốc sản phẩm chăn nuôi khi bán ra thị trường.

 
Khải Huyền
Nguồn: Danviet.vn
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo