Đến hôm nay, sau hơn 7 tháng xảy ra sự cố ô nhiễm môi trường biển do Formosa gây ra, song song với việc đền bù cho người dân thì việc xử lý môi trường biển và ổn định sản xuất cho ngư dân ven biển ở Quảng Trị đã từng bước được tiến hành.
|
Người dân xã Triệu Lăng, huyện Triệu Phong nhận tiền đền bù thiệt hại môi trường biển |
Ông Nguyễn Văn Huân, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Trị kiến nghị Chính phủ xem xét bổ sung các đối tượng bị ảnh hưởng thực sự từ sự cố "hậu Formosa" gây ra như các đối tượng kinh doanh dịch vụ, du lịch thương mại ven biển, các cơ sở kinh doanh không tổ chức hoạt động sản xuất.
Về lâu dài, để tiếp tục ổn định đời sống và phát triển sản xuất cho người dân ven biển, UBND tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo Sở NN-PTNT xây dựng đề án “Chuyển đổi sinh kế, tạo công ăn việc làm, ổn định đời sống và phát triển sản xuất cho ngư dân vùng biển”.
Cụ thể là tỉnh ưu tiên mọi cơ chế chính sách, tập trung mọi nguồn lực hỗ trợ cho 16 xã, thị trấn ven biển chuyển đổi sinh kế, tạo công ăn việc làm. Đến năm 2020, chuyển đổi trên 50% tàu thuyền khai thác công suất từ 20CV đến dưới 90CV lên trên 90CV và đóng mới 100 tàu cá có công suất 90CV trở lên được đảm bảo khai thác trung bờ và xa bờ.
Trước mắt, để giúp người dân tiếp tục đánh bắt, khai thác thủy sản vùng xa bờ và xác nhận rõ nguồn gốc hải sản vùng đánh bắt, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở NN-PTNT tổ chức kiểm tra, cấp giấy chứng nhận thủy sản khai thác ở vùng biển an toàn cho các chủ tàu cá.
Phân tích những thuận lợi khó khăn trong công tác khắc phục sự cố môi trường biển, ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị kiến nghị Chính phủ tiếp tục có chính sách hỗ trợ cho người dân ổn định sinh kế lâu dài.
Trong đó chú trọng đến chính sách chuyển đổi nghề cho lao động theo hướng khuyến khích phát triển đánh bắt trung bờ và xa bờ, mở rộng các đối tượng được hưởng các chính sách theo Nghị định 67; Hỗ trợ khôi phục phát triển nuôi trồng thủy sản, mở các khóa đào tạo xuất khẩu lao động hoặc chuyển đổi sang chăn nuôi, trồng trọt…
Về môi trường nước biển, tỉnh Quảng Trị kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên - Môi trường tiếp tục lấy mẫu kiểm tra, giám sát môi trường biển, sớm có thông báo vùng biển an toàn cho bà con ngư dân yên tâm khai thác và nuôi trồng. Đồng thời có biện pháp kiểm tra, kiểm soát, quan trắc môi trường để đảm bảo không để xảy ra ô nhiễm lớn.
Với Bộ Y tế, cần tiếp tục công tác lấy mẫu kiểm tra giám sát sản phẩm thủy sản tại các vùng biển bị ảnh hưởng để công bố thủy hải sản đã đảm bảo an toàn nhằm lấy lại niềm tin cho người tiêu dùng.
Đối với sản phẩm thủy sản lưu trữ trong thời gian dài không tiêu thụ được, đề nghị Chính phủ giao cho các Bộ, ngành liên quan hướng dẫn cụ thể về định mức đền bù, quy trình tiêu hủy sản phẩm không an toàn để địa phương có cơ sở triển khai thực hiện…
Đề nghị Bộ NN-PTNT làm rõ một số nội dung: Đối với khai thác thủy sản, chủ tàu là lao động chính trên tàu có được tính chủ tàu là một lao động được bồi thường hay không? Đối với người làm nghề khai thác thủy sản có tính chất đơn giản và thu nhập chính dựa vào nguồn lợi từ biển, đầm phá, cửa sông có tàu/thuyền phục vụ nghề này thì kê khai bồi thường theo lao động đơn giản và có được kê khai tàu thuyền không? Đối với nuôi trồng thủy sản, những diện tích nuôi trồng thủy sản trong thời gian từ tháng 4 đến tháng 9 không được bổ sung nguồn nước biển (do nước biển bị sự cố) làm môi trường bị ô nhiễm, thủy sản bị dịch bệnh chết hơn 70% có được tính thiệt hại do sự cố môi trường không?
Sở NN-PTNT đã bố trí 32 cán bộ về tăng cường giúp chính quyền và nhân dân xây dựng các mô hình chuyển đổi sản xuất cho 16 xã, thị trấn ven biển. Chỉ đạo các địa phương ven biển thực hiện các mô hình phát triển cây trồng vật nuôi như chuyển đổi đất lúa thiếu nước sang trồng đậu xanh, đậu đen xanh lòng, trồng cỏ nuôi bò nhốt, trồng ném trên cát… |