Cùng với vấn đề tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới (NTM) là đề lớn trong số 7 vấn đề mà Chính phủ vừa yêu cầu Bộ NN-PTNT có giải pháp triển khai khắc phục trong thời gian tới.
Tại buổi làm việc với Tổ công tác của Thủ tướng do Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng chủ trì ngày 21/11 với Bộ NN-PTNT, lãnh đạo Bộ NN-PTNT đã dành nhiều thời gian báo cáo, giải trình Thủ tướng liên quan vấn đề này.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, nợ đọng NTM sẽ giảm mạnh trong thời gian tới
Truyền đạt ý kiến của Thủ tướng, Bộ trưởng - Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết: Trong những năm qua, Bộ NN-PTNT đã quyết liệt xây dựng NTM, tạo chuyển động mạnh mẽ trong huy động nguồn lực, trong nhận thức của người dân.
Tuy nhiên, hiện việc xây dựng NTM đang có dấu hiệu chững lại. Mặt khác, nhiều địa phương có xu thế chỉ tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, ít quan tâm tới việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập của người dân, dẫn tới nhiều nơi nợ đọng xây dựng cơ bản.
Cùng với đó, các tiêu chí NTM có phần chưa phù hợp ở thực tiễn nhiều nơi. “Như một làng đã có ngôi đình mà vẫn bắt buộc phải xây nhà văn hóa. Hoặc đã có trường học với các phòng rộng 60m2, nhưng chuẩn là 70m2, thì bắt buộc phải 70m2 mới đạt chuẩn”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.
Lo nhất giàu càng giàu, nghèo càng nghèo
Báo cáo Tổ công tác của Thủ tướng về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá: Qua gần 6 năm triển khai, chương trình xây dựng NTM đã hình thành nên một phong trào thi đua sôi động trong nhân dân, đã huy động được tổng nguồn lực xã hội vô cùng lớn.
Nếu kể cả năm 2016, cả nước ước đã huy động được đầu tư trên 1 triệu tỉ đồng vào xây dựng NTM, trong đó phần kinh phí Nhà nước nếu tính cả các chương trình lồng ghép chỉ chiếm khoảng 11%, còn lại là các nguồn khác như nguồn của nhân dân, doanh nghiệp…
Riêng về giao thông nông thôn, trong giai đoạn 2011 - 2015, đã chứng kiến sự đầu tư vượt với khối lượng khổng lồ, gấp 5 lần so với cả thời kỳ trước đó, không chỉ thay đổi diện mạo nông thôn mà còn tạo cơ sở để thúc đẩy SX…
Đến thời điểm này, cả nước đã có 2.067 xã, 27 huyện đạt chuẩn NTM, với 20 nghìn mô hình SX ở các cấp xã, huyện ở khắp cả nước. Diện mạo nông thôn thay đổi, đời sống vật chất tinh thần tăng lên một bước rõ rệt. Trong bối cảnh kinh tế đất nước còn khó khăn, khủng khoảng kinh tế ảnh hưởng lớn, việc huy động được nguồn lực giúp bộ mặt nông thôn chuyển biến như vậy là vô cùng đáng quý…
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng thẳng thắn nhìn nhận: Phong trào xây dựng NTM còn có nhiều tồn tại. Một là kết quả xây dựng NTM không đồng đều, tập trung nhiều nhất là khu vực ĐBSH và Bắc Trung Bộ, trong khi đó vùng Đông Bắc Bộ lại có tỉnh chưa có xã NTM nào. Xét về số tiêu chí NTM đạt được, trong 7 vùng KT-XH cả nước thì “3 Tây” gồm Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ đều là các vùng có tỉ lệ thấp nhất.
Thúc đẩy SX để nâng cao đời sống người dân sẽ được tập trung trong xây dựng NTM giai đoạn tới
“Mục tiêu của NTM là đưa đời sống người dân đi lên, ngày càng rút ngắn khoảng cách giữa các vùng miền, khu vực, tuy nhiên nếu giai đoạn tới không quyết liệt điều chỉnh sự chênh lệch này, mục tiêu sẽ khó mà đạt được, nơi giàu thì càng giàu, nơi nghèo lại càng nghèo”, Bộ trưởng lo lắng.
Bộ trưởng cũng thừa nhận, có thực trạng một số địa phương mới chỉ chú trọng tới thiết chế hạ tầng mà chưa quan tâm đầu tư thúc đẩy SX, có nơi đã quan tâm thúc đẩy SX để cải thiện đời sống cho người dân, tuy nhiên số lượng chưa nhiều… Vấn đề môi trường nông thôn một số xã thậm chí đã được công nhận đạt chuẩn NTM nhưng thực tế chưa đạt yêu cầu bền vững về môi trường.
Sẽ điều chỉnh bộ tiêu chí NTM
Về vấn đề nợ đọng trong xây dựng NTM, Bộ trưởng cho rằng: Tình trạng này là có xảy ra tại một số địa phương.
Theo số liệu giám sát của Quốc hội đến đầu năm 2016, số nợ đọng còn 15 nghìn tỉ đồng. Tuy nhiên chính thức đến thời điểm này, chỉ còn khoảng 12 nghìn tỉ đồng.
Hai vùng xây dựng NTM mạnh nhất là ĐBSH và Bắc Trung Bộ cũng là hai vùng có nợ đọng nhiều nhất. Việc nợ đọng lớn tại hai khu vực này tính tới đầu năm 2016 có một phần lí do bởi một số công trình còn nằm trên hồ sơ, chưa hoàn tất thủ tục thanh quyết toán, vì vậy con số nợ đọng có thể giảm đi thời gian tới khi các địa phương hoàn thành các công trình.
“Ví dụ như Bắc Ninh nói nợ nhiều nhất tới 1.600 tỉ đồng, tuy nhiên hiện tỉnh này đã thanh quyết toán xong, không còn nợ nữa. Họ còn cam kết sẽ đầu tư thêm hơn 5.000 tỉ đồng nữa cho NTM trong 5 năm tới”, Bộ trưởng cho biết.
Về Bộ tiêu chí NTM, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng: Việc đề ra bộ tiêu chí xây dựng NTM với 19 tiêu chí là nỗ lực rất lớn của BCĐ Trung ương do đây là lần đầu tiên chúng ta đưa ra được các chỉ tiêu để “lượng hóa” xây dựng NTM.
Tuy nhiên do là lần đầu đưa ra áp dụng cho diện rộng trên cả 7 vùng KT-XH trên cả nước nên thực tế đã có xảy ra những vướng mắc, cứng nhắc, chưa linh hoạt cho phù hợp với điều kiện cụ thể tại từng địa phương.
Vì vậy thời gian tới, sẽ phải nghiên cứu, điều chỉnh lại bộ tiêu chí này cho phù hợp, linh hoạt hơn theo hướng: Một là sẽ giữ lại và “cứng hóa” một số “tiêu chí cứng”, áp dụng chung cho cả nước như chỉ tiêu về thu nhập đầu người, môi trường, an ninh, hệ thống chính trị… Hai là điều chỉnh lại các “tiêu chí mềm” theo từng vùng KT-XH, ví dụ mương thủy lợi, nhà văn hóa, đường giao thông, trạm xá…. Trên cơ sở đặc thù của từng tỉnh, sẽ kiến nghị giao cho Chủ tịch UBND các tỉnh phê duyệt các “tiêu chí mềm”.
Sẽ “hữu cơ hóa” SX nông nghiệp
Liên quan tới ý kiến của Thủ tướng về công tác quản lý vật tư nông nghiệp như thuốc BVTV, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y…, đặc biệt là về phân bón, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết: Trước năm 2015, phân bón được quản lí theo danh mục thông qua kiểm nghiệm, khảo nghiệm. Tuy nhiên hiện nay, việc quản lí phân bón đang thực hiện theo tiêu chuẩn, quy chuẩn. Việc quản lí phân bón theo tiêu chuẩn, quy chuẩn cũng đang nảy sinh một số bất cập, bởi không thể ngay một lúc ban hành được hết các tiêu chuẩn, quy chuẩn của phân bón.
Bên cạnh đó, theo Nghị định 202/2013/NĐ-CP về quản lí phân bón (Nghị định 202), Bộ Công thương quản lí phân bón vô cơ (hiện chiếm 90%), Bộ NN-PTNT chịu trách nhiệm quản lí về phân bón hữu cơ (hiện chỉ chiếm 10%). Đối với DN vừa SX vô cơ, vừa SX phân hữu cơ thì Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ NN-PTNT quản lí.
Tuy nhiên thực tế hiện nay hầu hết các DN, kể cả SX và kinh doanh phân bón hầu hết lại là vừa SX-KD phân vô cơ, vừa phân hữu cơ. Chính điều này đang gây rất nhiều khó khăn, vướng mắc khiến hiệu quả trong quản lí nhà nước về phân bón chưa chặt chẽ.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: Định hướng của Bộ NN-PTNT là sẽ tiến tới đẩy mạnh sang một nền nông nghiệp SX theo hướng “hữu cơ hóa”, chứ không thể dựa mãi vào phân bón vô cơ, vừa ô nhiễm đất, đầu tư cao, thiếu bền vững… Vì vậy thời gian tới, Bộ NN-PTNT sẽ tập trung quyết liệt đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến để từng bước nâng dần tỉ lệ sử dụng phân bón hữu cơ trong SX nông nghiệp. Tới đây, Bộ NN-PTNT sẽ đẩy mạnh các mô hình SX theo hướng hữu cơ, cả trong SX phân bón lẫn trong canh tác, tiến tới hình thành một số nhóm ngành hàng được SX theo hướng hữu cơ hóa.
|