Sản lượng cà phê sụt giảm mạnh
14:58 - 21/11/2016
So với năm ngoái, có nơi sản lượng chỉ đạt 50%. Đó là chưa kể tới gần 400 ha diện tích trồng cà phê trong toàn tỉnh Gia Lai bị mất trắng.
 

Cà phê Tây Nguyên đang bắt đầu vào vụ thu hoạch. Giá cà phê đang đạt mốc cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Thế nhưng, điều này vẫn không làm cho người dân có được niềm vui trọn vẹn khi mà sản lượng cà phê sụt giảm mạnh do ảnh hưởng của đợt hạn hán vừa qua.

Những ngày gần đây, giá thu mua cà phê tại Gia Lai liên tục tăng, đến thời điểm hiện tại, giá cà phê nhân xô đạt mốc 44,9 ngàn đồng/kg. Đã nhiều năm nay, người dân trồng cà phê không có được niềm vui như thế. “Mới đầu mùa nhưng thấy giá cà phê tăng cao ai cũng mừng. Giá cà phê năm nay tăng hơn so với cùng kì năm ngoái gần 10.000 đồng/kg”, ông Lê Đình Trọng, xã Đăk Djrăng, Mang Yang, nói.

Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui vẫn còn điều khiến người dân tiếc nuối. Đợt hạn hán kéo dài vừa qua, hầu hết cà phê của các địa phương ở Gia Lai đều giảm năng suất trầm trọng. So với năm ngoái, có nơi sản lượng chỉ đạt 50%. Đó là chưa kể tới gần 400 ha diện tích trồng cà phê trong toàn tỉnh bị mất trắng.

Bà Nguyễn Thị Luận, xã Tân Bình, huyện Đak Đoa, cho biết: “Gia đình tôi canh tác hơn 2 ha cà phê, năm ngoái thu được 7 tấn, vậy mà năm nay dự tính chỉ được 5 tấn. Đã vậy nhân cà phê khi xay ra, nhiều hạt chỉ to hơn quả tiêu một tý. Vụ này gia đình tôi xác định là đủ tiền công thôi chứ không có lời”.

15-38-52_b-trn-thi-ngoc-thi-x-buon-h-dk-lk
 

Tương tự, ông Dương Quang Thao, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai, tâm sự: “Niên vụ này, vườn cà phê của gia đình tôi sản lượng bị sụt giảm nhiều, chỉ đạt khoảng một nửa các năm trước, tỉ lệ đậu quả không cao”. Cũng theo ông Thao, ngoài nguyên nhân do đợt hạn hán khốc liệt kéo dài vừa qua khiến lượng nước không đủ tưới, nhiều cơn mưa kéo dài sau đó tạo điều kiện cho sâu bệnh phát triển cũng là một lý do khiến cho năng suất cà phê giảm mạnh.

Vừa mất mùa, hạt cà phê lại nhỏ và không đều như những năm trước nên nhiều hộ gia đình quyết định chọn phương án bán cà phê khô chứ không còn xay lấy hạt. Ông Nguyễn Văn Thêm, xã Đăk Djrăng, huyện Mang Yang, than thở: “Chưa năm nào mất mùa như năm nay. Bình thường mấy năm trước nhà tôi thu cứ 2 cây 1 bao cà phê tươi, vậy mà năm nay trung bình 5-6 cây mới được một bao. Quả cà phê cho hạt nhỏ, có quả còn không có hạt. Tôi tính năm nay phơi cà khô xong là bán liền chứ xay lấy nhân thì lỗ nặng”.

Không riêng gì ở Gia Lai, nhiều địa phương trồng cà phê ở Tây Nguyên cũng gặp phải hoàn cảnh tương tự. Nguyên nhân chủ yếu là do hạn hán kéo dài khiến nước tưới không đảm bảo. Đăk Lăk là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với hơn 56.000 ha cà phê bị khô hạn và gần 4.500 ha mất trắng. Bà Trần Thị Ngọc, tổ dân phố 1, phường Đoàn Kết, thị xã Buôn Hồ, Đăk Lăk, có 3 ha cà phê trong thời kỳ kinh doanh. Năm ngoái năng suất đạt 4 tấn nhân/ha, năm nay dự kiến chỉ đạt khoảng 2 tấn/ha.

Xuất khẩu cà phê sẽ sụt giảm mạnh

Ông Nguyễn Nam Hải - Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam: Sản xuất cà phê đang chịu ảnh hưởng nặng do hạn hán tồi tệ nhất suốt ba thập kỷ qua. Thiếu nước, khô hạn đe dọa trên 165.000 ha (gần 30% tổng diện tích trồng cà phê ở Tây Nguyên), trong đó, tới 40.000 ha bị hư hỏng. Dự kiến năm 2016, Việt Nam có khả năng chỉ xuất khẩu 1 triệu tấn cà phê nhân, giảm 25% so với 2015.

 

PV
Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo