Hiệp định Đối tác tự nguyện (VPA) thuộc Chương trình Thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản (FLEGT) dự kiến hoàn tất trong tháng 6/2016. Khi đó, Việt Nam sẽ tự chủ trong việc cấp giấy phép cho sản phẩm gỗ xuất khẩu (XK) vào EU.
Đánh giá về thị trường EU, ông Tô Xuân Phúc - chuyên gia của Tổ chức Forest Trends - cho rằng, gỗ và sản phẩm gỗ là một trong những mặt hàng quan trọng trong thương mại giữa Việt Nam và EU. Năm 2015, giá trị kim ngạch XK gỗ và các sản phẩm gỗ từ Việt Nam sang EU đạt 750 triệu USD. Dự kiến, xuất khẩu gỗ sang EU đạt khoảng 1 tỷ USD/năm khi Hiệp định VPA/FLEGT được ký kết.
Theo ông Ngô Sỹ Hoài - Phó Tổng thư ký Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam, Hiệp định VPA/FLEGT được ký kết vừa là cơ hội đồng thời cũng là thách thức đối với XK đồ gỗ của Việt Nam. VPA/FLEGT - Hiệp định thương mại song phương ký giữa EU với quốc gia xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, theo đó, quốc gia đối tác cam kết chỉ xuất khẩu vào EU gỗ và các sản phẩm gỗ hợp pháp. Các lô hàng gỗ và sản phẩm XK của các nước đối tác ký kết VPA với EU sẽ được tự do lưu thông tại thị trường này mà không phải chịu trách nhiệm giải trình nguồn gốc gỗ như đối với đối tác không tham gia VPA. Đây là cơ hội để Việt Nam tăng cường công tác quản lý gỗ, theo dõi giám sát hành trình của sản phẩm từ gỗ. Thực tế hiện nay, nguồn nguyên liệu làm đồ gỗ, Việt Nam đang nhập khẩu từ nhiều nước, dẫn đến rất khó khăn trong việc giám sát hành trình gỗ, đòi hỏi chúng ta phải làm thế nào để đảm bảo gỗ đưa vào chế biến, tái xuất khẩu đồ gỗ sang các thị trường lớn phải là gỗ hợp pháp, không gây hại đến rừng và môi trường.
Không chỉ e ngại về nguồn gốc gỗ nhập khẩu, ông Tô Xuân Phúc cho rằng, gỗ trong nước cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro liên quan đến tính hợp pháp của nguồn nguyên liệu. Hiện cung gỗ từ nguồn gỗ nguyên liệu rừng trồng trong nước chủ yếu do các hộ gia đình và các công ty lâm nghiệp. Trong khi đó, chính sách giao đất rừng cho hộ gia đình được thực hiện từ những năm 1990 nhưng đến nay, khoảng 30% số hộ gia đình được nhận đất vẫn chưa được nhận giấy chứng nhận sử dụng. Nhiều công ty lâm nghiệp cũng ở tình trạng tương tự. Thiếu giấy chứng nhận sử dụng đất đồng nghĩa với việc thiếu cơ sở pháp lý chứng nhận tính hợp pháp của hộ gia đình và công ty đối với nguồn gỗ rừng trồng. Đối với gỗ cao su, nguồn gốc cũng chưa rõ ràng khi một số diện tích cao su trước đây được trồng trên đất rừng tự nhiên chuyển đổi.
Để giải quyết vấn đề nguồn gốc gỗ, ông Hoài nhấn mạnh: Đối với gỗ nhập khẩu, Việt Nam sẽ theo dõi chặt đường đi của gỗ. Bên cạnh đó, yêu cầu các nhà cung cấp gỗ nguyên liệu phải đảm bảo gỗ bán cho Việt Nam phải là gỗ hợp pháp. Với nguồn gỗ khai thác trong nước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và doanh nghiệp cũng đang xúc tiến nhanh trong việc đảm bảo rừng sản xuất gỗ khai thác phải là rừng được cấp Chứng chỉ rừng bền vững.
Việc thực hiện Hiệp định VPA/FLEGT thời gian đầu sẽ gặp nhiều khó khăn do khối lượng công việc rất lớn. Tuy nhiên, về lâu dài, hiệp định này sẽ làm cho người tiêu dùng EU yên tâm hơn khi mua đồ gỗ Việt Nam.
|