An Giang cấp bách chống hạn, mặn
10:10 - 04/03/2016
Hạn, mặn xuất hiện từ vụ ĐX kéo dài sang vụ HT và ngày càng căng thẳng. Ông Trần Anh Thư, GĐ Sở NN-PTNT An Giang đã trao đổi với PV NNVN xung quanh vấn đề ứng phó với hạn, mặn trong tình hình cấp bách hiện nay.
Ông Trần Anh Thư, GĐ Sở NN-PTNT An Giang

Thưa ông, vấn đề triển khai xây dựng trạm bơm điện phục vụ SX nông nghiệp trên địa bàn An Giang như thế nào trong tình hình khô hạn như hiện nay?

Đến nay, toàn tỉnh có 1.400 trạm bơm điện đã đi vào hoạt động phục vụ khoảng 65% diện tích đất SX nông nghiệp. Trước đây, tỉnh có chương trình liên kết với TCty Điện lực thực hiện vay vốn đầu tư 944 trạm bơm điện, với tổng vốn 170 tỷ đồng, đến nay đã trả được 70 tỷ đồng. Trong tổng số trạm bơm điện được triển khai chỉ có hơn 50% trạm hoạt động có hiệu quả, số còn lại có hoạt động nhưng việc thu hồi vốn đầu tư còn chậm so với kế hoạch. Trước tình hình đó, tỉnh đề nghị Bộ NN-PTNT khoanh nợ 100 tỷ đồng không tính lãi.

Đối với những trạm bơm không hiệu quả, ngành nông nghiệp đã xuống tận nơi để phân loại và đánh giá để tìm giải pháp hoạt động tốt hơn. Còn đối với các trạm bơm nằm ở các vị trí không khả năng phục vụ tốt, cũng đề nghị tháo bỏ. Bên cạnh đó, những trạm bơm khác sẽ tăng cường đầu tư để kiện toàn hơn, ngoài SX lúa còn phục vụ cho vùng thủy sản và rau màu.
 

Trước tình hình khô hạn tỉnh có kiến nghị gì với Trung ương?

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, trong 6 tháng đầu năm 2016 tình hình khô hạn diễn ra ở ĐBSCL rất gay gắt nhất từ trước đến nay. Do năm nay ảnh hưởng El Nino nên hạn hán xuất hiện từ vụ ĐX và kéo dài sang vụ HT. Việc bảo vệ tốt hai vụ lúa là cấp bách. Bên cạnh đó, cần có biện pháp phòng chống cháy rừng trong mùa khô. Thời gian qua, tỉnh cũng xây dựng kế hoạch phòng chống cháy rừng, phòng chống khô hạn và xâm nhập mặn, kế hoạch kinh phí có tăng rất nhiều so với các năm trước. Trong đó, có phần kinh phí nạo vét các kênh mương phục vụ tưới tiêu cho cây trồng.

Hiện nay, các kênh đã bị bồi lắng làm cạn nguồn nước phục vụ nông nghiệp. Vấn đề tiếp theo là hỗ trợ kinh phí cho các hộ nông dân sử dụng điện, song song đó tăng cường hỗ trợ các hồ chứa nước ở vùng cao ở Bảy Núi để đề phòng vấn đề phòng chống cháy rừng và phục vụ nước sinh hoạt của người dân.

Lo ngại nhất là khô hạn kéo dài và xâm nhập mặn, từ vùng biển Kiên Giang sẽ lấn sâu vào nội đồng làm ảnh hưởng từ 10.000 - 15.000 ha lúa của các huyện Tri Tôn và Thoại Sơn giảm năng suất. Vấn đề này tỉnh có giải pháp xây các đập tạm ngăn mặn xâm nhập để bảo vệ lúa ĐX sắp thu hoạch.
 

An Giang có những giải pháp nào phòng chống hạn, mặn hiệu quả?

Trước tình hình khô hạn và xâm nhập mặn, tỉnh có đưa 2 giải pháp đó là công trình và phi công trình. Giải pháp phi công trình là phải thực hiện chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, giảm bớt diện tích lúa HT và tăng cường chuyển sang cây trồng cạn (hoa màu) để giảm việc sử dụng nước. Giải pháp công trình là cần xây hồ trữ nước ở vùng núi và cả đồng bằng để tận dụng tích nước trong những tháng mùa mưa. Bên cạnh đó, khuyến cáo sử dụng tưới tiết kiệm nước trong SX nông nghiệp vừa mang lại hiệu quả mà giảm chi phí. Đó là các giải pháp cấp bách để phòng phòng chống khô hạn.

An Giang khẩn cấp chống hạn, mặn bảo vệ SX nông nghiệp

Về giải pháp chống xâm nhập mặn, cần đầu tư xây dựng các cống ngăn mặn. Đối với các tình huống khẩn cấp cần xây dựng thêm các cống đập ngăn mặn tạm. Đồng thời, bố trí cảnh báo quan trắc tình hình xâm nhập mặn trên các tuyến kênh nội đồng để người dân kịp thời chủ động bơm tưới.

 

Tỉnh cần bao nhiêu kinh phí để phòng chống hạn, mặn, thưa ông?

Việc khẩn cấp trong năm nay là nạo vét các tuyến kênh cấp 3 phục vụ lấy nước nội đồng, xây đập tạm và các hồ chứa nước... cần kinh phí 180 tỷ đồng. Còn về căn cơ về lâu dài, tỉnh có đề xuất đề án với trung ương xây dựng thủy lợi vùng cao cho hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên để đối phó với biến đổi khí hậu với kinh phí khoảng 1.400 tỷ đồng. Các huyện ở phía đồng bằng tương đối ổn, vì trước đây được tổ chức phi Chính phủ nước ngoài đầu tư xây dựng hệ thống kiểm soát lũ Bắc Vàm Nao phục vụ tốt cho vùng chuyên canh lúa nếp và hoa màu. Để thích nghi với biến đổi khí hậu, biện pháp trước mắt cần phải đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu cây trồng cho phù hợp mà vẫn đảm bảo năng suất và lợi nhuận cho người SX.

Xin cảm ơn ông!

Lê Hoàng Vũ
Nguồn: Theo NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo