Cần nâng cao chất lượng con giống để phát triển đàn gia súc
09:38 - 02/03/2016
Phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc trong mùa đông ở các tỉnh miền Bắc là nhiệm vụ quan trọng của ngành chăn nuôi, đảm bảo giữ số lượng đàn và giảm thiểu thiệt hại về tài sản sản xuất cho bà con nông dân. Tuy nhiên, đứng trước diễn biến thời tiết khắc nghiệt, đặc biệt trong đợt rét đậm, rét hại vừa qua, công tác này cần được quan tâm hơn nữa.

Cục trưởng Cục Chăn nuôi Hoàng Thanh Vân
Xung quanh vấn đề này, Cục trưởng Cục Chăn nuôi Hoàng Thanh Vân, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có cuộc trao đổi với báo chí.

 

Phóng viên (PV): Thưa Cục trưởng, đợt rét đậm, rét hại vừa qua gây nhiều thiệt hại về đàn gia súc cho bà con nông dân, đặc biệt ở các tỉnh vùng núi. Xin Cục trưởng cho biết giải pháp nào để khắc phục thực trạng trên, khôi phục, phát triển lại đàn gia súc?

Cục trưởng Hoàng Thanh Vân: Về giải pháp trước mắt, bà con nông dân nên tích cực gieo trồng các cây, có thể là giống của địa phương, những cây có thời gian ngắn nhất để cho cây, lá, hoa làm thức ăn cho gia súc. Tuy nhiên, về giải pháp lâu dài, chúng ta nên chú trọng đến ba giải pháp. Thứ nhất là nâng cao số lượng và chất lượng đàn gia súc, trong đó, để thực hiện mục tiêu về số lượng, chúng ta dùng những giải pháp từ thụ tinh nhân tạo cho đến dùng con đực giống để cho thụ tinh, sinh sản tại chỗ. Bên cạnh đó, để nâng tầm vóc đàn gia súc lên, chúng ta tăng cường công tác nhập ngoại. Theo chỉ đạo của Chính phủ, Cục Chăn nuôi sẽ phối hợp với các tỉnh khác nhập từ 30-50 con đực giống từ Mianma, Thái Lan, Ấn độ, Úc để tăng cường năng lực sinh sản cho đàn gia súc.

Song song với đó, Chính phủ cho phép xây dựng đề án phát triển chăn nuôi trung du miền núi phía Bắc. Đây là dự án có thời gian dài từ 5 – 10 năm, nếu dự án được thực hiện thì đây là bài toán căn bản để chúng ta có thể phát triển chăn nuôi ở phía Bắc tốt nhất trong 5-7 năm.

Thứ hai là chúng ta cần giải quyết bài toán về quy hoạch, điều này tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thực hiện kế hoạch đầu tư. Đặc biệt quy hoạch về giống và vùng thức ăn tạo điều kiện cho nông dân có điều kiện phát triển chăn nuôi. Thứ ba là vấn đề nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và bà con chăn nuôi, gắn với đó là công tác tuyên truyền, đặc biệt là tuyên truyền về kỹ thuật. Chú trọng công tác tuyên truyền để bà con nông dân ở các bản làng cần phát huy tính tự chủ, biến những vấn đề khó khăn thành đơn giản để thực hiện tốt hơn việc chăn nuôi đàn gia súc.

PV: Việc quy hoạch vùng là một trong những giải pháp giúp bà con nông dân phát huy được tính hiệu quả trong chăn nuôi. Tuy nhiên, hiện nay sản xuất của bà con vùng núi vẫn chủ yếu là chăn nuôi manh mún, tự phát. Vậy việc thực hiện quy hoạch có gặp khó khăn gì, thưa Cục trưởng?

Cục trưởng Hoàng Thanh Vân: Với miền núi, hiện nay công tác quy hoạch quan trọng nhất là quy hoạch vùng và đối tượng. Trong đó, quy hoạch vùng có ý nghĩa rất quan trọng. Một là, quy hoạch để phát triển chăn nuôi sản xuất lớn. Thứ hai, quy hoạch vùng chăn nuôi trọng điểm để những huyện bản, làng, xã có chăn nuôi lợi thế có thể tăng số lượng đàn lên. Quy hoạch cũng giúp xác định vùng này có thể phát triển chăn nuôi trâu, vùng khác phát triển mạnh chăn nuôi dê, bò theo lợi thế. Tuy nhiên, việc quy hoạch vùng chăn nuôi gặp những khó khăn nhất định do địa hình các vùng miền núi phức tạp. Vì vậy, muốn có quy hoạch vùng theo đảm bảo định hướng phát triển thì rất cần đến công tác rà soát lại và thống nhất với các địa phương và người dân, để đảm bảo công tác quy hoạch đảm bảo và hiệu quả hơn.

PV: Như Cục trưởng đề cập, một trong những giải pháp lâu dài để phát triển đàn gia súc ở miền núi phía Bắc là chú trọng tới công tác giống. Vậy xin Cục trưởng cho biết hiện nay, công tác này đang được thực hiện như thế nào?  

Cục trưởng Hoàng Thanh Vân: Hiện nay, có thể nhìn nhận, đàn gia súc ở các tỉnh phía Bắc nguy cơ cận giống rất cao. Nhiều năm nay đàn gia súc chưa phát triển khá lên được. Bởi vậy, bây giờ cần tập trung giải quyết vấn đề về giống, trước tiên, phải làm tốt công tác lai tạo, trong đó lai tạo cần tính đến 2 hướng: lai tạo giống thuần trong chăn nuôi; ứng dụng khoa học công nghệ thụ tinh nhân tạo, nuôi cấy phôi. Tuy nhiên để thực hiện cách này cần có bước tập huấn, rút kinh nghiệm từ các tỉnh để chúng ta triển khai. Như vậy, cũng phải cần đến nhiều năm mới có thể nâng tầm vóc của đàn gia súc lên cao.

PV: Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho bà con chăn nuôi để phòng đói, rét cho đàn gia súc là giải pháp rất quan trọng. Vậy, Cục Chăn nuôi có giải pháp gì để nâng cao hơn nữa công tác này?

Cục trưởng Hoàng Thanh Vân: Đợt rét đậm, rét hại vừa qua, theo nhìn nhận chung chính quyền các cấp và bà con chăn nuôi đã vào cuộc để phòng chống đói, rét cho đàn gia súc rất tích cực. Tuy nhiên, do thời tiết diễn biến đột biến đặc biệt nên trâu bò vẫn chết rét. Vì vậy, để nâng cao hơn nữa công tác tuyên truyền, chúng ta cần chuyển những mô phạm, những vấn đề mang tính kỹ thuật chăn nuôi khó hiểu thành dễ hiểu cho người dân. Công tác tuyên truyền cần chỉ rõ cho người chăn nuôi để chống đói cho gia súc nghĩa là có thức ăn gì cho trâu bò ăn được là chống đói, cái gì che được là chống rét và có thể dùng nhiều biện pháp khác nhau, bởi vậy chúng ta cần đa dạng hóa công tác tuyên truyền./.

PV: Xin cảm ơn Cục trưởng!./.

Nguồn: ĐCSVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo