Trong quá trình tái cơ cấu ngành, doanh nghiệp (DN) được xác định giữ vai trò đầu tàu đưa ngành nông nghiệp hội nhập cùng kinh tế thế giới. Tuy nhiên, trước sức ép cạnh tranh cùng với lực còn yếu của DN trong nước, vai trò chính sách của Nhà nước càng đóng vai trò quan trọng trong việc tạo động lực và môi trường thuận lợi cho DN tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Số lượng doanh nghiệp nông lâm thuỷ sản có xu hướng giảm
Theo điều tra của Tổng cục Thống kê, giai đoạn 2010-2014, tốc độ tăng trưởng doanh nghiệp nông lâm thủy sản (NLTS) đạt mức bình quân 10,6%/năm, thấp hơn so với mức tăng trưởng DN nói chung 10,9%/năm. Đồng thời, tỷ trọng DN NLTS so với DN cả nước cũng giảm đi, từ mức 1,61% năm 2007 xuống 1,01% năm 2010 và chỉ còn 0,96% năm 2014.
Nếu tính thêm các ngành chế biến NLTS với khoảng 7.000 DN thì số DN đang tham gia sản xuất, chế biến, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 2,7% tổng số DN đang hoạt động tại Việt Nam. Đồng thời, số lượng DN chế biến NLTS có mức độ tăng trưởng khá chậm trong thời gian qua.
Bên cạnh đó, số lượng DN trong ngành chế biến lương thực thực phẩm chỉ đạt mức tăng trưởng khoảng 5,2%/năm trong giai đoạn 2010-2014, dẫn đến tỷ trọng của ngành này trong tổng số DN giảm từ 1,79% năm 2010 xuống còn 1,56% năm 2014. Tăng trưởng số lượng DN trong ngành chế biến thủy sản cũng chỉ ở mức rất thấp với khoảng 2,2%/năm giai đoạn 2010-2014. Số lượng DN tăng trưởng nhanh chủ yếu tập trung ở khâu phân phối, với khoảng 18.000 DN năm 2014, mức tăng trưởng trung bình 17,6%/năm giai đoạn 2010-2014, chiếm 4,7% trong toàn bộ khu vực doanh nghiệp.
Nhìn chung, số lượng DN NLTS còn ít, có xu hướng giảm đi trong thời gian gần đây. Điều này đặt ra vấn đề cần có chính sách thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp nông thôn khi Việt Nam là nước có nhiều tiềm năng phát triển ngành nông nghiệp với nhiều sản phẩm xuất khẩu đứng đầu thế giới.
Nguồn vốn đầu tư cho nông nghiệp chưa tương xứng
Theo một số DN, các khó khăn của DN hiện nay đang gặp phải là việc phải đối mặt với rủi ro thị trường cao, sức ép cạnh tranh lớn. Việc đầu tư chế biến sản phẩm tinh đem lại nguồn lợi lớn nhưng cũng đòi hỏi nguồn vốn lớn; đồng thời đầu tư phát triển theo chiều sâu vẫn chưa được chú trọng và quan tâm. Vẫn còn nhiều DN chưa mạnh dạn đầu tư, đặc biệt với những doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư phát triển thì có hiện tượng các công ty nước ngoài vào đàm phán và trả giá cao để mua.
Bên cạnh đó, theo bà Thái Hương – Chủ tịch Tập đoàn TH True Milk, hiện nay, một số sản phẩm đảm bảo chất lượng khi đưa ra thị trường vẫn chưa được công bố là sản phẩm đạt chuẩn. Đây là vấn đề khó khăn khi bản chất của hội nhập là chợ thương mại, nếu không xây dựng được bộ quy chuẩn chính sách về sản phẩm, doanh nghiệp trong nước sẽ đón đầu nhiều bất lợi do thói quen ưa chuộng sản phẩm ngoại của người dân.
Theo đại diện ngân hàng BIDV, còn nhiều bất cập trong chính sách hỗ trợ cho đầu tư vào nông nghiệp nông thôn. Trong đó, chúng ta mới chỉ chủ yếu hỗ trợ về xúc tiến thương mại mà chưa có những hỗ trợ thực chất mang bước tiến liên quan đến thuế, vốn, đất, bảo hiểm, đặc biệt trong khoa học công nghệ, trình độ kỹ năng. Thêm nữa là vấn đề nguồn vốn, đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước chưa tương xứng với vai trò của nông nghiệp, vốn đầu tư cho nông nghiệp chỉ chiếm 6% trong tổng mức đầu tư kinh tế xã hội hàng năm, trong khi đó đóng góp của ngành nông nghiệp trong năm 2015 vừa qua chiếm 17% trong nền kinh tế.
Song song với đó là nguồn vốn ODA, hiện nay tích lũy lũy kế chỉ đạt khoảng 5,5 tỷ USD, chiếm 7% trong tổng số vốn ODA vào Việt Nam. Nguồn vốn FDI đầu tư cho nông nghiệp nông thôn, lũy kế hiện nay 3,72 tỷ USD, chỉ chiếm 1,5% tổng vốn FDI vào Việt Nam. Điều đó cho thấy doanh nghiệp FDI chưa mặn mà đầu tư vào ngành nông nghiệp nông thôn.
DN rất cần cơ chế minh bạch
Theo Chủ tịch Tập đoàn TH True Milk Thái Hương, DN rất cần đến tính minh bạch trong các hoạt động về chính sách, cung cấp thông tin thủ tục hành chính,…để tạo điều kiện cho hoạt động của DN được dễ dàng. Đồng thời cần đưa ra được các bộ quy chuẩn rõ ràng về tiêu chuẩn của các sản phẩm để người tiêu dùng được hưởng lợi, những người sản xuất chân chính không phải vất vả. Các cơ chế chính sách cần thực sự đủ lực và thu hút các doanh nghiệp có đủ tâm, trí, tài đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Qua đó, tạo điều kiện cho các doanh nhân, doanh nghiệp được cống hiến cho xã hội và đưa người nông dân song hành cùng khoa học công nghệ cao trong nông nghiệp.
Theo ngân hàng BIDV, rất cần đến việc quy hoạch trong sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh quyết liệt hơn việc ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp, đồng thời vai trò của các viện nghiên cứu, hiệp hội cần thực chất hơn, giải quyết được các vấn đề về nguồn nước, giống, phân bón. Đồng thời, thực hiện luân chuyển cán bộ để có thể có được nguồn lực am hiểu về xây dựng và thực thi chính sách.
Để tạo điều kiện cho DN hoạt động, đại diện Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn cho rằng, rất cần có chính sách ưu đãi cho DN đối với diện tích đất xây dựng cơ sở hạ tầng chế biến nông nghiệp như: đất cho phơi sấy, đất xây dựng cơ sở chế biến, đất kho chứa,…Bên cạnh đó, tăng cường khả năng tập trung ruộng đất của người dân và tổ chức kinh tế thông qua cơ chế tín dụng ưu đãi cho việc thuê và mua đất và cho phép sử dụng đất nông nghiệp linh hoạt. Xây dựng chính sách thúc đẩy phát triển các tổ chức cung cấp dịch vụ hỗ trợ về thủ tục, luật pháp cho các DN nông nghiệp. Phối hợp với các hiệp hội DN đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp cho DN đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp./.