Gần 11.000 tỷ đồng là tổng mức đầu tư cho các dự án cấp điện nông thôn ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo tại 19 tỉnh, thành phố. Mục tiêu đến năm 2020, hầu hết hộ dân nông thôn sẽ được sử dụng điện.
|
Công nhân điện lực đang cấp điện tại xã Cự Võ, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị. Ảnh: Huy Hùng |
Gần 11.000 tỷ đồng là tổng mức đầu tư cho các dự án cấp điện nông thôn ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo tại 19 tỉnh, thành phố. Mục tiêu đến năm 2020, hầu hết hộ dân nông thôn sẽ được sử dụng điện.
Bộ Công Thương đã phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia giai đoạn 2015 – 2020 cho 19 tỉnh, thành phố trên cả nước, bao gồm cả 2 dự án cấp điện cho huyện đảo Bạch Long Vỹ (TP.Hải Phòng) và các xã đảo thuộc tỉnh Kiên Giang.
Mục tiêu tổng quát của các dự án là phát triển lưới điện trung, hạ áp cung cấp điện lưới quốc gia cho đồng bào tại các thôn, bản, ấp chưa có điện; cấp điện cho các hộ dân chưa được cấp điện chính thức, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, từng bước nâng cao trình độ dân trí cho đồng bào dân tộc vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo đảm bảo an ninh, ổn định chính trị - xã hội trên địa bàn. Bên cạnh đó, một số dự án còn được thực hiện nhằm cung cấp điện cho các trạm bơm có quy mô vừa và nhỏ tại một số địa phương.
Theo đó, cơ quan chủ quản là Bộ Công Thương, cơ quan điều phối dự án là Tập đoàn Điện lực Việt Nam với các chủ đầu tư là Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc (EVNNPC), Tổng Công ty Điện lực Miền Trung (EVNCPC) và Tổng Công ty Điện lực Miền Nam (EVNSPC). Thời gian thực hiện dự án từ năm 2015 đến hết năm 2020. Trong tổng mức đầu tư gần 11.000 tỷ đồng, có 85% từ ngân sách trung ương (cấp trực tiếp hoặc cấp từ ODA, vốn ưu đãi khác) và 15% do chủ đầu tư thu xếp phù hợp với kế hoạch cấp vốn từ ngân sách trung ương.
Với sự nỗ lực, chủ động của EVN cũng như những kết quả đạt được đến thời điểm này, EVN sẽ đảm bảo được mục tiêu đến năm 2020, hầu hết các hộ dân nông thôn cả nước được sử dụng điện.