Cần đột phá cải cách thể chế để xuất khẩu nông sản “hái quả ngọt”
09:18 - 01/03/2016
Để xuất khẩu nông sản Việt hưởng lợi thực sự từ TPP và FTAs, các chuyên gia cho rằng cần nhiều giải pháp đột phá, trong đó cải cách thể chế dẫn đầu.
 

Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã chính thức được ký kết (4/2/2016) và nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) khác được đánh giá  mở ra nhiều cơ hội lớn cho xuất khẩu nông sản Việt Nam. Nhưng với năng lực hiện tại của ngành, nhiều chuyên gia đánh giá, xuất khẩu nông sản Việt mới chỉ đang với tay để chạm vào những cơ hội đó. Để “hái” được“quả ngọt” từ TPP và FTA, còn rất nhiều việc phải làm.

Nông sản Việt còn kém nhiều mặt

Theo tổng kết của PGS.TS. Ngô Thị Tuyết Mai, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, Trong những năm gần đây, cùng với xu thế hội nhập quốc tế, tăng trưởng xuất khẩu hàng nông sản đã phản ánh nền nông nghiệp Việt Nam đang chuyển sang nền sản xuất hàng hóa hướng về xuất khẩu (như biểu đồ dưới).

Số liệu cho thấy, giá trị xuất khẩu hàng nông sản Việt Nam đã tăng liên tục, từ 25 tỷ USD năm 2011, tăng lên đến 27,764 tỷ USD năm 2013 và tiếp tục tăng đến 30,1 tỷ USD năm 2015 (giảm nhẹ 0,8% so với năm 2014). Giá trị xuất khẩu hàng nông sản luôn chiếm khoảng 20-27% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước trong giai đoạn 2001-2015.

Về cơ cấu xuất khẩu, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính của Việt Nam luôn giữ vị trí dẫn đầu, đạt khoảng 13-15 tỷ USD, chiếm khoảng 50% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam (Biểu đồ 2).

can dot pha cai cach the che de xuat khau nong san
 
Nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam hiện đứng vị trí cao trên thị trường thế giới trong nhiều năm trở lại đây (Hạt điều, tiêu đen - đứng thứ nhất thế giới cả về khối lượng và giá trị; cà phê nhân và sắn lát khô - đứng vị trí thứ 2 và 2; gạo - đứng vị trí thứ 3 và 4; cao su - đứng vị trí thứ 4 và 4; chè - đứng vị trí thứ 5 và 7). Điểm chú ý là trong số 10 mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của cả nước năm 2015 thì có tới 4 mặt hàng nông sản (hàng thủy sản, gỗ và sản phẩm đồ gỗ, cà phê và gạo).

Tuy nhiên, theo PGS.TS. Ngô Thị Tuyết Mai, “thị trường xuất khẩu hàng nông sản Việt Nam chủ yếu tập trung tại các nước trong khu vực, trong khi thị trường các nước TPP có tiềm năng lớn chưa thực sự được chú trọng, mới chiếm khoảng 11% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam. Hơn nữa, chất lượng hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam tuy có được cải thiện trong những năm gần đây, nhưng vẫn còn ở mức thấp so với đối thủ cạnh tranh.

 
 

 

Còn theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hiện gần 90% hàng nông sản của Việt Nam xuất khẩu dưới dạng thô, sơ chế, mang thương hiệu nước ngoài. Do đó, khi xuất khẩu hàng nông sản, phần giá trị gia tăng thấp và dễ gặp rủi ro trong hoạt động kinh doanh do giá cả sản phẩm thô trên thị trường thế giới đang có xu hướng giảm mạnh và thường xuyên biến động với biên độ cao. Một số mặt hàng nông sản của ta tuy đang được xếp ở vị trí cao trên thị trường thế giới nhưng do chất lượng thấp nên thường bán với giá thấp hơn giá thế giới.

Thực tiễn cho thấy, năm 2015, một số mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của nước ta như cà phê, ca cao, gạo… có xu hướng giảm cả về lượng và kim ngạch. Đánh giá về thực trạng này, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cho rằng, do một phần ảnh hưởng từ suy giảm tổng cầu thị trường thế giới. Song có thực tế hơi buồn là lâu nay giá nông sản xuất khẩu của ta còn luôn thấp hơn so với sản phẩm cùng loại của nhiều quốc gia khác. Nguyên nhân chính, theo ông Tuấn, do kém lợi thế về chất sản phẩm, hệ thống chế biến và xuất khẩu….

Ông Lưu Đức Khải, Trưởng ban Chính sách phát triển nông thôn (Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương) cho rằng, các FTA, TPP chỉ là cơ hội, điều kiện cần, còn điều kiện đủ là sự chuẩn bị của các tác nhân tham gia vào nông nghiệp. Thực tế cho thấy, là một đất nước nhiệt đới, có lợi thế về nông sản, tuy nhiên các mặt hàng nông sản Việt Nam chủ yếu sơ chế rồi xuất khẩu. Vì thế, dù kim ngạch cao, nhưng giá trị lại tỉ lệ nghịch. Đây là thiệt thòi lớn cho ngành nông nghiệp nước ta.

Vấn đề đặt ra là khi Việt Nam tham gia các FTA, TPP, thị trường bạn hàng có yêu cầu cao về chất lượng hàng hóa, quy tắc xuất xứ sản phẩm khiến nông sản Việt xuất khẩu sẽ vấp nhiều rào cản. Do đó, nếu nước ta không chủ động điều chỉnh sản xuất và chế biến sản phẩm nông sản để xuất khẩu, ắt sẽ vẫn ì ạch, khó bứt phá.

Cần nhiều đột phá, trong đó cải cách thể chế hàng đầu

Để tận dụng những cơ hội và giảm thiểu tác động của các thách thức mà TPP mang lại, theo PGS.TS. Ngô Thị Tuyết Mai, đòi hỏi phải nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và các mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam. Muốn vậy, cần phải: nâng cao chất lượng hàng nông sản xuất khẩu đáp ứng các yêu cầu của các thị trường lớn và tiềm năng như Hoa Kỳ, Nhật Bản.

can dot pha cai cach the che de xuat khau nong san
 
Nhà nước cũng cần tăng cường đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống thông tin về thị trường hàng nông sản do tác động của TPP. Tức là nhà nước cần phải tăng cường đầu tư xây dựng hệ thống thông tin thống kê, phân tích và dự báo giá cả, cung cầu... hàng nông sản để tránh những thiệt hại và giảm bớt những rủi ro không đáng có đối với doanh nghiệp xuất khẩu nông sản và nông dân. Đồng thời, cần đổi mới các hình thức xúc tiến thương mại hàng nông sản gắn với hiệu quả xuất khẩu.

Còn Phó trưởng Ban Chính sách kinh tế vĩ mô, ông Nguyễn Anh Dương, cho rằng Việt Nam phải thay đổi mình, xác định không chỉ đơn vị sản xuất, mà phải gắn với chế biến sau thu hoạch. Do các thị trường này đòi hỏi cao về chất lượng sản phẩm. Cho nên, nước ta cần quan tâm đầu tư công nghệ chế biến, bảo quản sau thu hoạch để sản phẩm được nâng cao chất lượng phù hợp nhu cầu thị trường.

Ông Dương quan ngại, cùng một chuỗi sản phẩm hàng nông sản, nếu người dân cảm thấy phần hưởng lợi không đáng với chi phí bỏ ra thì dần dần họ sẽ chuyển sang các ngành nghề khác. Như thế, Việt Nam sẽ càng mất đi các lợi thế về hàng nông nghiệp. Lúc đó, các FTA, TPP sẽ không mang lại lợi ích cho nông sản, mà ngược lại. Những thách thức đó được lường trước và có cách ứng phó phù hợp sẽ giúp xuất khẩu nông sản của Việt Nam chuyển mình mạnh mẽ trong thời gian tới.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan thì nhấn mạnh giải pháp cụ thể là Nhà nước phải cải cách thể chế, làm cho hệ thống chính sách phù hợp hơn với xu hướng phát triển. Cần xác định lại vai trò của Nhà nước, vì lâu nay trong nhiều lĩnh vực, Nhà nước can thiệp quá nhiều. Do đó bà Lan khuyến nghị, quyền sử dụng đất đai của người dân cần được đảm bảo dài hạn hơn thì doanh nghiệp mới dám đầu tư vào nông nghiệp và làm ăn lâu dài./.

 
Nguồn: KTNT
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo