Năm 2015, tình hình kinh tế thế giới phục hồi chậm, phần lớn giá cả nguyên, nhiên vật liệu đều trong vòng xoáy giảm giá, trong đó gồm nguyên, nhiên vật liệu phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đồng thời với diễn biến khó lường của thị trường tiền tệ đã tác động mạnh đến xuất khẩu nông lâm thủy sản Việt Nam. Bên cạnh đó, các nước ngày càng tăng cường sử dụng các rào cản kỹ thuật nhằm bảo hộ sản xuất trong nước đã khiến cho thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản gặp nhiều khó khăn, nhu cầu và giá cả các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam suy giảm.

 

Năm 2015, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 30,45 tỷ USD, tăng 0,2% so với năm 2014. Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính đạt 14,04 tỷ USD, giảm 1,9% so với năm 2014, giảm mạnh nhất ở các mặt hàng như cà phê (24,8%), cao su (13,9%), chè (6,6%) và gạo (4,5%); Giá trị xuất khẩu thủy sản năm 2015 đạt 6,57 tỷ USD, giảm 16% so với năm 2014, giảm mạnh nhất ở 3 thị trường nhập khẩu lớn nhất là Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc với mức giảm lần lượt là 23,4%, 13,4% và 12,2%. Trong khi đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng lâm sản chính năm 2015 đạt 7,23 tỷ USD, tăng 10,2% so với năm 2014.

Năm 2016, xuất khẩu nông lâm thủy sản dự báo sẽ có nhiều triển vọng do nhu cầu thị trường tăng và cơ hội được hưởng ưu đãi lớn về thuế, sức cạnh tranh tăng từ các Hiệp định thương mại tự do vừa kết thúc đàm phán. Bên cạnh đó, ngoài các mặt hàng đang gặp khó khăn, vẫn có những mặt hàng có cơ hội tăng trưởng xuất khẩu trong năm 2016 như: hạt điều, hạt tiêu, gỗ, sắn và rau quả.

Cụ thể, một trong những thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam là Hoa Kỳ được dự báo khả quan nhất cho năm 2016 với nhu cầu của thị trường nội địa Hoa Kỳ sẽ tăng mạnh và tiếp tục có cầu ổn định đối với hàng hóa của Việt Nam; đồng thời là thị trường không quá khó tính và chưa yêu cầu cao về an toàn thực phẩm và chất lượng. Việc tận dụng những ưu đãi từ Hiệp định đối tác chiến lược kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng sẽ là lợi thế cho nông sản Việt Nam trong thời gian tới. Nhiều năm qua, các mặt hàng như gỗ và sản phẩm của gỗ, hàng thủy sản là những mặt hàng chủ lực, đóng góp tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ. Ngoài ra, Hoa Kỳ thường là thị trường dẫn đầu về nhập khẩu các mặt hàng nông sản khác của Việt Nam như: hạt điều, hạt tiêu, cà phê và sản phẩm mây tre, cói thảm. Đây cũng là thị trường tiêu thụ lớn cao su, chè và rau quả Việt Nam.

Tuy nhiên, sức hấp dẫn của thị trường Hoa Kỳ cũng đồng nghĩa với việc cạnh tranh xuất khẩu vào thị trường này rất quyết liệt, đặc biệt những đối thủ cạnh tranh lớn của Việt Nam như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia – những nước tương đồng với Việt Nam về các mặt hàng xuất khẩu. Thêm vào đó, những rào cản về kỹ thuật và thương mại cũng là khó khăn không nhỏ đối với các doanh nghiệp Việt Nam gần đây như: thuế chống bán phá giá tăng cao đối với cá tra, các yêu cầu của Chương trình thanh tra cá da trơn.

Bên cạnh đó, ở thị trường Châu Âu - thị trường nhập khẩu có sức mua lớn và đa dạng, năm 2016, tuy các nước EU đều có dự báo kinh tế tăng trưởng thấp, nhưng dự báo nhu cầu nhập khẩu chung cho cả EU sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức 5 - 6% trong hai năm tới. Hiệp định thương mại tự do với EU mở ra cơ hội cho ngành nông nghiệp Việt Nam khi 90% hàng hóa vào thị trường này được hưởng mức thuế suất 0%. Dù vậy, khó khăn lớn nhất được đánh giá ở thị trường này là những rào cản phi thuế quan như chất lượng, an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ. Một số ngành hàng như: chè, rau quả, thủy sản vẫn vấp phải tồn dư thuốc bảo vệ thực vật khá cao; gỗ phải đáp ứng sự minh bạch về nguồn gốc...

Đặc biệt trên thị trường ASEAN, năm 2016 là năm ASEAN sẽ tiến tới một khu vực thị trường chung với việc tự do hóa lưu chuyển hàng hóa trong khu vực với mức thuế 0%. Việc thuế nhập khẩu được cắt giảm hoàn toàn tạo điều kiện cho hàng hóa của các nước trong khu vực dễ xâm nhập vào thị trường lẫn nhau. Điều này cũng đặt ra không ít thách thức khi cạnh tranh trên thị trường hàng chế biến sẽ rất mạnh mẽ không chỉ trên thị trường xuất khẩu trong ASEAN mà ngay tại chính thị trường nội địa.

Nhằm  đẩy mạnh công tác thị trường nước ngoài, xúc tiến thương mại đối với các mặt hàng nông lâm thủy sản, việc phối hợp giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và Bộ Công Thương (hệ thống Thương vụ tại nước ngoài) là công tác quan trọng. Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, công tác phối hợp giữa Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương cần chú ý đến các hoạt động như: Tăng cường phối hợp, đảm bảo việc giải quyết kịp thời các rào cản kỹ thuật, các tranh chấp phát sinh trong thương mại nông, lâm thuỷ sản; Thúc đẩy quan hệ, khâu nối xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản; Tạo ra mạng lưới thông tin về nông lâm thuỷ sản thông suốt, kết nối giữa các thị trường với Việt Nam phục vụ các doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản; Góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh nông nghiệp Việt Nam trong cộng đồng quốc tế.

Bên cạnh đó, cùng phối hợp tổ chức các sự kiện, diễn đàn xúc tiến thương mại các mặt hàng nông lâm, thủy sản và xúc tiến đầu tư vào ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn; phối hợp chặt chẽ trong việc thực hiện tốt vai trò thông báo về thực hiện các cam kết hội nhập trong lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam với các đối tác song phương và đa phương. Thúc đẩy thực hiện các thoả thuận hợp tác, các điều ước quốc tế về hợp tác trong nông nghiệp, nông thôn đã ký kết giữa Việt Nam và các nước. Tăng cường sự phối hợp giữa hai Bộ trong việc tiếp tục thúc đẩy mở cửa thị trường nông lâm thủy sản của Việt Nam ra quốc tế nhằm đa dạng hóa thị trường, giữ vững và phát triển thị trường khó tính, chú trọng các thị trường tiềm năng, dễ tính như các nước Trung Đông (UAE, Ả rập Xê út, Iran..), các nước Châu Phi, khai thác hiệu quả các thị trường truyền thống như ASEAN, EU./.

Bùi Thủy