Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến hết tháng 1/2016, khối lượng xuất khẩu chè ước đạt 9.000 tấn với trị giá 15 triệu USD, giảm 3,2% về khối lượng và giảm 9,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2015.
Trong năm 2015, xuất khẩu chè đã giảm 5,8% về khối lượng và giảm 6,6% về trị giá so với năm 2014.
Giá chè xuất khẩu bình quân năm 2015 đạt 1.708 USD/tấn, giảm 0,9% so với năm 2014. Trong năm 2015, Pakistan vẫn là thị trường xuất khẩu chè lớn nhất của Việt Nam với 38,4% thị phần.
Năm nay, miền Bắc mưa nhiều hơn những năm trước nên rất thuận lợi cho sự sinh trưởng và phát triển của cây chè. Sản lượng chè đông tăng hơn so với mọi năm trong khi nhu cầu của người tiêu dùng không tăng đột biến khiến giá chè ổn định hơn so với những năm trước.
Tại Thái Nguyên, giá một số loại chè trong tháng 1 chỉ nhích nhẹ so với một vài tháng trước. Cụ thể, giá chè cành chất lượng cao tăng 20.000 đồng/kg lên mức 220.000 đồng/kg. Giá chè xanh búp khô (đã sơ chế loại 1) tăng 10.000 đồng/kg lên mức 160.000 đồng/kg. Giá chè xanh búp khô (chưa sơ chế) vẫn ổn định ở mức 130.000 đồng/kg.
Trong khi đó, tại Lâm Đồng, giá chè nguyên liệu lại có phần giảm sau một thời gian dài đứng giá kể từ giữa tháng 8/2015 do giá xuất khẩu thấp. Trong tháng 1, giá chè sản xuất chè xanh loại 1 giảm 1.000 đồng/kg so với tháng 12/2015 xuống còn 8.000 đồng/kg, trong khi chè nguyên liệu sản xuất chè đen loại 1 giảm 500 đồng/kg xuống mức 4.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Hữu Tài, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam cho rằng: Vấn đề nan giải của xuất khẩu chè hiện nay vẫn là chất lượng chưa đảm bảo. Điều này xuất phát từ thực tế hiện nay vẫn chưa có quy hoạch rõ ràng cho vùng nguyên liệu chè.
Cũng theo ông Tài, hiện nay, nhiều nơi chỉ có một vùng nguyên liệu nhưng có nhiều doanh nghiệp trong ngành cùng "tranh nhau" mua. Do vậy, người dân trồng chè không được đầu tư, quan tâm đúng mức. Để cải thiện tình hình chất lượng chè xuất khẩu của Việt Nam, từ đó nâng cao sức cạnh tranh của ngành chè, vấn đề này cần nhanh chóng được giải quyết.