Giọt đắng lắng sâu niềm hy vọng
10:03 - 19/02/2016
Chúng tôi đến xã Ea Kiết, huyện Cư M’gar – TP. Buôn Ma Thuột (tỉnh Đăk Lăk) vào đúng thời điểm thu hoạch cà phê rộ nhất, trước mắt chúng tôi là những rẫy cà phê bạt ngàn với hàng chùm hạt trĩu nặng trên cành, đỏ rực cả khu vườn. Tại đây, bà con đang hối hả thu hái cà phê chất lượng cao theo đúng tiêu chí cà phê sạch quốc tế…

Đánh thức vườn cà phê già cỗi

Theo chân Dự án hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu (EU-MUTRAP), chúng tôi đến huyện Cư M’gar – xứ sở của cà phê. Bước vào khu vườn rộng 1,8 ha của gia đình chị Nguyễn Thị Hiếu (thôn 5, xã Ea Kiết), chúng tôi choáng ngợp trước không khí rộn ràng thu hoạch cà phê. Đây cũng là một trong những hộ gia nhập vào Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp- Dịch vụ công bằng Ea Kiết từ những ngày đầu tiên- một trong những HTX hiếm hoi của ngành cà phê thu hút người nông dân trồng cà phê theo tiêu chí thương mại công bằng của FLO (Fair Trade labelling organization) đem lại hiệu quả cao.

Chị Hiếu kể rằng, vườn cà phê của gia đình chị được trồng từ năm 1996. Mặc dù chăm bón thường xuyên nhưng do vườn cây đã già cỗi, cùng với bất lợi của thời tiết nên năng suất giảm đáng kể. Nhưng vì cả cuộc đời gắn bó với cây cà phê nên gia đình chị quyết tâm thay chất cho vườn cà phê của mình.

Chúng tôi đến vườn cà phê nhà ông Phan Văn Báu. Ông thổ lộ, 10 năm trước, khi cây cà phê còn sung sức, gia đình ông mỗi năm thu được xấp xỉ 10 tấn cà phê nhân xô/mùa. Những năm gần đây, do cây cà phê trong vườn đã già cỗi nên sản lượng đã giảm xuống, chỉ còn chừng gần 5 tấn/mùa. Thế nhưng, từ khi tham gia vào HTX, ông Báu được hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm trồng cà phê mới giúp cải thiện năng suất, chất lượng.

Ông Nguyễn Văn Phúc- Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp- Dịch vụ công bằng Ea Kiết- cho hay, từ khi tham gia sản xuất tiêu chí thương mại công bằng của FLO dưới sự hỗ trợ của Dự án EU- Mutrap, người trồng cà phê đã hiểu và ý thức hơn nhiều về công việc của họ. Hiện HTX có 97 thành viên tham gia với diện tích 183,3 ha. Trong đó, có khoảng 100 ha cà phê được FLO khảo sát và cấp chứng nhận thương mại công bằng.

“Cánh đồng vàng” trên cao nguyên

Người dân ở HTX này nói rằng, ở đây, rất nhiều gia đình đã truyền đến đời thứ 3 cho con cháu những rẫy cà phê. Có người đã kinh qua nhiều kế sinh nhai nhưng rồi cuối cùng trụ lại với cây cà phê. Đất không phụ lòng người, nhờ áp dụng tốt các biện pháp khoa học kỹ thuật, mỗi năm tại HTX, tổng sản lượng cà phê đạt 722 tấn/năm, năng suất đạt gần 4 tấn cà phê nhân/ha, với tổng doanh thu đạt khoảng 37 tỷ đồng. Trung bình 1 ha cà phê có thể mang về cho người nông dân thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm.

Ông Phúc cho biết, nhờ sản xuất cà phê chất lượng cao nên lợi nhuận hàng năm của bà con tăng thêm 25-30 triệu đồng/hộ so với những hộ không tham gia vào HTX. Năng suất vườn cây đã tăng từ 10-15%, trong khi, chi phí sản xuất lại giảm. So với thị trường cà phê nhân xô thì giá sản phẩm của HTX luôn cao hơn các nơi khác từ 2.000-3.000 đồng/kg, đối với cà phê chế biến ướt giá bán cao hơn thị trường 6.000 đồng/kg. “Cà phê chất lượng cao Ea Kiết được mệnh danh là cà phê Robusta đắt giá nhất Việt Nam. Niên vụ vừa qua, sản phẩm cà phê nhân xô của HTX được bán với giá là 2.700 USD/tấn, trong khi, giá cà phê trên thị trường chỉ xê dịch ở mức 1.700 USD/tấn”- ông Phúc tự hào chia sẻ.

Danh tiếng vang xa, chất lượng cà phê tại vùng Ea Kiết đã được nhiều công ty xuất khẩu cà phê hàng đầu tìm đến. Theo ông Phạm Ngọc Bằng- Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Đak Man Việt Nam, hiện tại Đak Man là một trong những công ty xuất khẩu cà phê đạt tiêu chuẩn chất lượng vào thị trường EU với giá cao, có được thành công này là do công ty đã nỗ lực kiếm được nguồn cà phê chất lượng bền vững tại Ea Kiết. Tất cả sản phẩm cà phê do Đak Man thu mua đều có chứng nhận thương mại công bằng.

Trở về Hà Nội, chúng tôi có cơ hội làm việc với Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam, đại diện Hiệp hội chia sẻ, mô hình HTX Nông nghiệp- Dịch vụ công bằng Ea Kiết là một mô hình hướng tới cà phê chất lượng, tuân thủ các tiêu chuẩn canh tác cà phê tiên tiến của thế giới, nhằm gia tăng giá trị của sản phẩm cà phê và nâng cao kiến thức thương mại cho nông dân. Vượt qua những khó khăn ban đầu để đến bây giờ, vùng cà phê của HTX đã thực sự là những cánh đồng vàng trên cao nguyên ngút ngàn.

Hai ngày lưu lại huyện Cư M’gar, TP. Buôn Mê Thuột, ghé thăm một số vườn cà phê, được gặp gỡ, trò chuyện với các chuyên gia cà phê, với bà con nông dân nơi đây để rồi sau chuyến đi, mỗi người trong đoàn chúng tôi như ngộ ra một điều “chỉ có tình yêu mới khiến người ta gắn bó với cây cà phê lâu đến thế”. Và dường như, chúng tôi cũng yêu cà phê, trân trọng ly cà phê đang cầm trên tay hơn, bởi đó là kết tinh của một tình yêu lớn dành cho hạt cà phê.


Nguồn: Báo Công Thương
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo