Thời gian qua, các tỉnh, thành phố ở khu vực phía Nam đã tập trung hỗ trợ tìm đầu ra cho nông sản và hình thành vùng chuyên canh sản xuất công nghệ cao trong chăn nuôi và trồng trọt.
Trong các mùa vụ vừa qua, người nông dân khu vực phía Nam đã gặp rất nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm, từ những mặt hàng nông sản thuần túy như lúa gạo, thịt gia súc, gia cầm, thủy sản... đến những sản phẩm đặc trưng của mỗi địa phương đều gặp bất lợi trong khâu tiêu thụ. Khi các mặt hàng nông sản sản xuất trên diện tích nhỏ, số lượng ít, thương lái đến đặt mua, giá cả và lợi nhuận được người nông dân chấp nhận với tâm lý hào hứng, phấn khởi. Tuy nhiên, sau một thời gian, người nông dân thấy có hiệu quả kinh tế, đã quay ra sản xuất đồng loạt, đại trà, khi thu hoạch, đã bị các thương lái ép giá, khiến họ phải chịu nhiều thiệt thòi. Điển hình như phong trào trồng khoai lang tím, hành tím, dưa hấu, thanh long… ở Đồng bằng sông Cửu Long mới đây.
Trước thực trạng này, các địa phương đã chủ động tìm ra các giải pháp hữu hiệu để giúp người nông dân thoát khỏi tình trạng được mùa rớt giá, hay được giá mất mùa, cùng với tình trạng luôn luôn bị thương lái chèn ép giá.
Long An là một địa phương với nhiều loại nông sản nổi tiếng như: Chanh không hạt, thanh long, dứa, rau củ quả sạch... Tuy nhiên, những sản phẩm này vẫn chưa có thị trường tiêu thụ ổn định với số lượng nhiều, thậm chí nhiều mặt hàng rau sạch vẫn chưa có thương hiệu. Nguyên nhân do quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, năng suất và chất lượng sản phẩm chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Trước thực trạng này, Sở Công Thương tỉnh Long An đã tập trung hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp tìm đầu ra cho nông sản bằng các hoạt động thiết thực như: Thực hiện liên kết với các hiệp hội nhằm tranh thủ sự hỗ trợ, tìm giải pháp tối ưu trong việc khai thác, tìm thị trường cho sản phẩm; tăng cường liên kết "4 nhà" (Nhà nước, nhà sản xuất, nhà khoa học, nhà kinh doanh) trong việc xây dựng quy hoạch tổng thể vùng sản xuất, vùng nguyên liệu; khuyến khích đưa công nghệ mới vào khâu thu hoạch và bảo quản sau thu hoạch; tận dụng nguyên liệu tại chỗ, lao động địa phương, kết hợp với du lịch để quảng bá sản phẩm.
Ông Trần Thanh Minh - Giám đốc Hợp tác xã Rau an toàn Phước Hiệp, xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc (tỉnh Long An) cho biết: Trước đây, chúng tôi sản xuất và tự tìm thị trường tiêu thụ. Nhưng từ khi Sở Công Thương phối hợp Liên minh Hợp tác xã Long An tổ chức các hoạt động giao lưu, giới thiệu sản phẩm, chúng tôi đã ký được những hợp đồng thu mua nông sản với số lượng ổn định. Điều đó khiến người nông dân rất phấn khởi.
Để giải quyết vấn đề đầu ra cho nông sản, các địa phương của Long An hình thành một số mô hình tập trung chuyên canh lúa, cây ăn trái và thủy sản, tạo ra khối lượng hàng hóa lớn, tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Mối quan hệ giữa doanh nghiệp với hợp tác xã, người nông dân thực hiện thông qua các mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ khép kín từ cung ứng vật tư - tiêu thụ nông sản - chế biến và xuất khẩu. Phát triển các mô hình cây ăn trái theo hướng VietGAP; chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, nuôi trồng thủy sản theo hướng an toàn, các đơn vị sản xuất, kinh doanh đã chú ý đến xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại,...
Từ năm 2009, Sở Công Thương Long An đã hỗ trợ các hợp tác xã duy trì mặt bằng kinh doanh tại chợ đầu mối Bình Điền, thành phố Hồ Chí Minh nhằm giúp các hợp tác xã có nơi kinh doanh ổn định. Từ năm 2013 đến nay, Sở cũng tăng cường hoạt động tham gia kết nối giao thương với thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương khác; mời các doanh nghiệp có thương hiệu trong lĩnh vực sản xuất nông sản như: Ba Huân, San Hà, Vissan và các hợp tác xã rau an toàn, cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản tham gia, từ đó, nhiều đơn vị ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, thông qua sàn giao dịch thương mại của tỉnh do Sở chủ trì, các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia sẽ giới thiệu được những sản phẩm của mình ra thị trường và có dịp tiếp cận thêm nhiều khách hàng mới.
Với Đồng Nai, một địa phương được đánh giá cao về chất lượng nông sản, đã xuất khẩu tốt vào các thị trường khó tính, như: Sầu riêng Dona vào thị trường Mỹ, xoài Suối Lớn, chocolate Trọng Đức vào thị trường Nhật Bản…, hiện tỉnh đã bắt đầu hình thành được những vùng chuyên canh cho những cây chủ lực, như: Hồ tiêu, xoài, ca cao, cây ăn trái... đáp ứng yêu cầu về sản lượng. Đến nay, đã có 11 nhãn hàng nông sản được đăng ký bảo hộ, như: Bưởi Tân Triều, sầu riêng Long Khánh, tiêu Xuân Lộc...
Điển hình cho hợp tác xã làm tốt trong việc xây dựng thương hiệu để bán hàng là Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Xuân Thanh, thị xã Long Khánh. Đây là đơn vị đã đăng ký nhãn hiệu hàng hóa chôm chôm và sầu riêng Long Khánh. Đây cũng là hợp tác xã đầu tiên của Đồng Nai ký được hợp đồng cung cấp sầu riêng, chôm chôm vào hệ thống Siêu thị Aeon do Nhật Bản đầu tư. Tỉnh Đồng Nai cũng đang tiếp tục hỗ trợ cho nhiều đơn vị khác tham gia đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ cho các mặt hàng nông sản khác, như: Rau Thống Nhất; hồ tiêu, mãng cầu xiêm Cẩm Mỹ; thanh long ruột đỏ Hưng Thịnh, huyện Trảng Bom... Theo đó, các mô hình sản xuất VietGAP, GlobalGAP ở xứ bưởi Tân Triều, huyện Vĩnh Cửu, vùng chuyên canh trái cây thị xã Long Khánh hay vùng hồ tiêu huyện Cẩm Mỹ... đang được nhân rộng cũng vì mục tiêu xây dựng uy tín cho nông sản Đồng Nai bằng uy tín chất lượng.
Tại Hội thảo giới thiệu đề án xây dựng thương hiệu cho sản phẩm xoài Đồng Nai với sự tham gia của đông đảo nông dân trồng xoài Đồng Nai, diễn ra ở huyện Xuân Lộc mới đây, Tiến sỹ Nishikawa Koya - Chủ tịch Ủy ban Nghiên cứu chiến lược nông-lâm-ngư nghiệp Nhật Bản cho biết: Nhật Bản mở cửa cho trái xoài Đồng Nai là cơ hội lớn để đẩy mạnh xuất khẩu trái xoài và các loại nông sản khác của tỉnh. Trái xoài Đồng Nai nói riêng và nhiều loại trái cây, nông sản khác có những lợi thế về sản lượng lớn, giá rẻ, vị ngon hơn hẳn so với các vùng sản xuất khác nên việc triển khai mở thị trường tại các nước, trong đó có Nhật Bản là khả thi. Nhưng để trái xoài và nông sản Đồng Nai sớm có mặt tại thị trường Nhật Bản, địa phương cần có chiến lược lâu dài xây dựng thương hiệu bằng uy tín, chất lượng.
Không chỉ mở hướng xuất khẩu trái cây như ở Đồng Nai, tỉnh Tiền Giang còn tổ chức liên kết đa dạng hóa kênh tiêu thụ nông sản với các địa phương trong nước. Theo đó, tỉnh Tiền Giang đã ký thỏa thuận với thành phố Hà Nội về hợp tác phát triển kinh tế - xã hội hai địa phương, nhằm giải quyết đầu ra cho nông sản chủ lực của Tiền Giang. Đây được xem là cơ hội để trao đổi hàng hóa, thúc đẩy hợp tác giữa doanh nghiệp hai địa phương, hỗ trợ nhau trong công tác xúc tiến thương mại cho lĩnh vực nông nghiệp; đồng thời, cũng là giải pháp hỗ trợ nông dân tỉnh Tiền Giang tìm đầu ra ổn định cho hàng nông sản tại các thị trường miền Bắc trong tương lai…
Tỉnh Tiền Giang và thành phố Hà Nội đã ký kết Chương trình hợp tác với 4 nội dung là: Trao đổi kinh nghiệm về công tác quản lý Nhà nước lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng các đề án, chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất nông ngư nghiệp; trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm triển khai các mô hình sản xuất thế mạnh, mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; phối hợp công tác quản lý chất lượng để việc sản xuất cũng như tiêu thụ nông sản phẩm được thuận lợi, đáp ứng yêu chất lượng của thị trường Hà Nội; phối hợp tham mưu cho lãnh đạo tỉnh, thành phố ban hành các cơ chế chính sách đặc thù hỗ trợ cho doanh nghiệp liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ tuyên truyền quảng bá các loại sản phẩm chủ lực của Tiền Giang.
Theo một thống kê mới đây của ngành chức năng tỉnh Tiền Giang, hằng năm, các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác trong tỉnh đã cung ứng khoảng 3,5 đến 4 tấn trái cây các loại, gồm: Cam sành, chôm chôm nhãn, bưởi da xanh, dứa... theo đặt hàng của Tổng Công ty Thương mại Hà Nội. Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ Mỹ Lương, huyện Cái Bè còn đặt chi nhánh giao dịch, cung ứng nông sản tại Hà Nội nhằm tăng cường xúc tiến thương mại vào thị trường lớn này. Việc ký kết hợp tác giữa Tiền Giang và Hà Nội trong tiêu thụ nông sản là cơ hội lớn cho các hợp tác xã thương mại dịch vụ và doanh nghiệp Tiền Giang mở rộng thị trường. Điều này đồng nghĩa với việc người nông dân khi sản xuất ra sản phẩm sẽ yên tâm vì đầu ra có thị trường ổn định và bền vững./.
K.V