Điển hình như Công ty TNHH Thực phẩm thủy sản Minh Bạch là một trong những đơn vị xuất khẩu thủy sản chủ yếu cho thị trường Nhật Bản, chiếm gần 60% lượng hàng xuất khẩu. Ông Hồ Văn Bạch, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Minh Bạch cho rằng: “Thị trường Nhật Bản xuất hàng rất an toàn và sức tiêu thụ rất mạnh. Tuy nhiên, thị trường này rất khắt khe về vệ sinh an toàn thực phẩm. Vì vậy, cái khó ở thị trường này là chất lượng hàng thủy sản phải đảm bảo và vượt trội hơn so với các thị trường khác”.

Để ứng phó với sự biến động giảm về thị trường truyền thống EU, Mỹ... nhiều doanh nghiệp đã đẩy mạnh công tác tiếp thị và đưa sản phẩm giới thiệu ở nhiều thị trường thuộc châu Á và đẩy mạnh xuất khẩu ở thị trường các nước như Hàn Quốc, Trung Quốc… 

Năm 2016, cùng với việc đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu về đào tạo nghề, đầu tư công nghệ sản xuất mới, Sở Công Thương Bạc Liêu còn kết hợp với ngành nông nghiệp phát triển vùng nguyên liệu đảm bảo nguồn cung cho chế biến; đồng thời kết hợp với ngành điện ưu tiên cho các doanh nghiệp xuất khẩu không để xảy ra tình trạng mất điện làm ảnh hưởng đến sản xuất.

Theo các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, thắng lợi của xuất khẩu trong năm 2015 chính là nhờ vào đa dạng hóa thị trường, ngoài thị trường xuất khẩu, các doanh nghiệp còn quan tâm đến thị trường tiêu thụ nội địa. Tổng giá trị hàng hóa từ thị trường nội địa tuy chỉ chiếm từ 10 - 20% giá trị hàng hóa xuất khẩu, nhưng đây thật sự là tín hiệu đáng mừng khi các doanh nghiệp bắt đầu quan tâm đến thị trường tiêu thụ trong nước. Đặc biệt là xây dựng kế hoạch sản xuất các mặt hàng giá trị gia tăng từ nhiều loại thức ăn nhanh để cung cấp cho các siêu thị lớn trong và ngoài tỉnh. Những bài học kinh nghiệm này sẽ được phát huy trong năm 2016.

Mặc dù vậy, bài toán thị trường cũng chỉ mới tháo gỡ được 50% khó khăn, còn lại 50% vẫn là nỗi ám ảnh của các doanh nghiệp khi thiếu nguồn tôm nguyên liệu. Hiện mỗi tuần, thị trường tôm nguyên liệu chỉ cung ứng cho các nhà máy từ 500 - 750 tấn, trong khi nhu cầu cần từ 800 - 1.000 tấn, số lượng còn lại đều phải nhập từ các tỉnh hoặc phải chế biến các loại thủy sản khác ngoài con tôm. 

Vào thời điểm này, nhiều nhà máy cũng phải hoạt động cầm chừng hay phải tạm nghỉ vì không có tôm nguyên liệu để chế biến. Ngoài áp lực này, doanh nghiệp xuất khẩu còn phải đối mặt với hàng loạt khó khăn khác như lãi suất ngân hàng, phí lưu kho cao. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng đã có nhiều cố gắng bám thị trường và đã chế biến xuất khẩu được trên 2.100 tấn thuỷ sản; trong đó có 2.000 tấn tôm./ 

Cao Thăng/TTXVN