Lúa, Tôm ĐBSCL: Gồng mình chống hạn hán, xâm nhập mặn
16:45 - 26/02/2016
(TNNN) - Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, năm nay, do nhiệt độ trung bình ở các tỉnh phía nam cao hơn trung bình nhiều năm từ 1-1,5oC, lượng mưa thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 30-50%, vì vậy, khả năng xâm nhập mặn vùng cửa sông Nam Bộ sẽ ở mức kỷ lục.
Hạn hán, xâm nhập mặn đã ảnh hưởng nhiều đến chất lượng nuôi trồng tôm - lúa tại các tỉnh đồng bằng SCL. Ảnh minh họa

Ngay từ tháng 2, mặn đã duy trì ở mức cao và nghiêm trọng. Trên sông Tiền, sông Hậu, độ mặn là trên 45 phần nghìn, có thể xâm nhập sâu tới 70 km tính từ cửa sông, thậm chí có nơi lên đến 85 km. Độ mặn sẽ tăng cao, kéo dài đến đầu tháng 5. Nếu không có mưa, tình trạng xâm nhập mặn sẽ kéo dài tới tháng 6, thậm chí qua tháng 7.


Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam dự báo, nguy cơ xâm nhập mặn không chỉ đe dọa 300.000 ha lúa Đông Xuân, mà còn ảnh hưởng đến các vườn cây ăn trái tại nhiều tỉnh khu vực ĐBSCL. Hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra với quy mô lớn đã khiến người dân ở vùng ĐBSCL thiệt hại nặng nề trong trồng trọt, sản xuất… Đến thời điểm này, tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn đã gây thiệt hại khoảng 150.000 tỉ đồng cho các tỉnh ĐBSCL.


Nhiều ngày qua, thời tiết ở các tỉnh ĐBSCL nắng như đổ lửa khiến những hộ trồng lúa trên đất nuôi tôm đứng ngồi không yên, vì lúa khô héo và chết dần. Vùng Quản Lộ - Phụng Hiệp (nằm trong dự án Ngọt hóa bán đảo Cà Mau) có diện tích đất tự nhiên và đất sản xuất hơn 300.000ha. Thời gian qua, dù đã được Chính phủ đầu tư xây dựng thủy lợi, nạo vét hơn 1.000km kênh trục lớn và xây hàng trăm cống, đập phân chia mặn - ngọt; nhưng nhìn chung, hệ thống thủy lợi vẫn chưa được khép kín nên cứ tới mùa khô lại bị nước mặn xâm nhập. 


Tại các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu nhiều cánh đồng lúa không xanh màu như các năm trước; thay vào đó, nhiều cọng lúa đã héo vàng, có ruộng khô nước, lúa chết đứng...


Tại Kiên Giang, tình hình lúa tôm còn thảm hơn. UBND xã Vĩnh Phong, huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang) cho biết: “Vụ này người dân trong xã sản xuất hơn 3.200ha lúa mùa trên đất tôm. Khi lúa được 30 ngày tuổi trở đi, gặp hạn nặng và mặn về sớm, không có mưa trái mùa nên lúa khô héo đầy đồng. Có hộ thấy lúa chết hết nên nóng lòng mua giống về sạ lại lần 2, rồi lần 3… nhưng lúa vẫn chết, bởi độ mặn bên ngoài quá cao, 7 – 8%. Khảo sát mới nhất cho thấy, diện tích lúa thiệt hại đã gần 100%”. Theo Phòng NN-PTNT huyện Vĩnh Thuận, toàn huyện xuống giống 15.800ha lúa mùa thì đến nay đã khoảng 9.500ha bị thiệt hại; trong đó 3.500ha mất trắng, con số cao nhất từ trước tới nay.


Các huyện Trần Đề, Mỹ Xuyên, Long Phú, Kế Sách của tỉnh Sóc Trăng là những địa phương có diện tích lúa bị nhiễm mặn nhiều nhất, với hàng chục nghìn ha bị ảnh hưởng, trong đó có gần 1.000 ha bị thiệt hại hoàn toàn.Trước tình hình trên, chính phủ đã ưu tiên nguồn vốn cho các tỉnh ĐBSCL chống hạn, xâm nhập mặn, trong đó những nơi cần thiết thì xây dựng ngay trạm cấp nước, khoan giếng… để giải quyết nguồn nước cho dân.


Cùng với Chính phủ, các bộ, ngành và các địa phương phải vào cuộc quyết liệt, xem công tác phòng, chống hạn, xâm nhập mặn là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Sở NN-PTNT đề xuất UBND tỉnh Cà Mau xem xét công bố thiên tai. Vì chỉ khi UBND tỉnh công bố thiên tai thì người dân mới đủ điều kiện được hỗ trợ, nhằm giúp bà con bớt khó khăn phần nào trong vụ lúa thất bát này.


Ông Trần Quang Củi, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang cũng cho biết, đang yêu cầu các huyện thống kê chính xác diện tích lúa mùa bị thiệt hại, mức độ ra sao, khu vực nào nhiều… để báo cáo cụ thể với UBND tỉnh đề xuất việc công bố thiên tai, sau đó mới có chính sách cấp thiết hỗ trợ nông dân. Về lâu dài, tỉnh sẽ quy hoạch lại vùng sản xuất lúa mùa trên đất nuôi tôm hợp lý hơn. Bên cạnh đó, đẩy nhanh hơn tiến độ xây dựng hệ thống thủy lợi và hàng chục cống ngăn mặn tại các huyện Vĩnh Thuận, An Minh, An Biên… nhằm đảm bảo việc ngăn mặn và chủ động nước ngọt. Khi hệ thống thủy lợi hoàn chỉnh và việc sản xuất lúa mùa không còn phụ thuộc vào nước mưa, mới mong tránh được thiệt hại do thời tiết diễn biến ngày càng phức tạp. Đồng thời chỉ đạo đóng hệ thống cống ven biển Tây; đắp 82 đập ngăn mặn kinh phí gần 20 tỉ đồng, tiến hành nạo vét kênh mương.


UBND tỉnh Cà Mau cũng đang lên kế hoạch phòng chống hạn, xâm nhập mặn với từng vùng cụ thể. Trong đó, chú trọng củng cố bờ bao ngăn mặn, giữ ngọt. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ nạo vét các kênh trục, kênh tạo nguồn để kịp thời ngăn mặn, trữ nước, cấp thoát nước phục vụ sản xuất trong mùa khô nhằm giảm bớt thiệt hại...


Tiền Giang đã chủ động sử dụng nguồn ngân sách hơn 4 tỉ đồng, đầu tư 16 thuyền với 32 máy bơm, công suất mỗi máy 1.000 m3/giờ để bơm nước ngọt bổ cập vùng dự án ngọt hóa Gò Công; mua máy bơm và xây dựng trạm bơm dã chiến chống hạn, cứu lúa.


Còn tại Sóc Trăng, những ngày này, ngành nông nghiệp đang bám sát đồng ruộng, theo dõi chặt chẽ diễn biến xâm nhập mặn, thường xuyên kiểm tra độ mặn ở các cống, trong hệ thống kênh, rạch để kịp thời hướng dẫn nông dân xử lý mặn cứu lúa, chủ động lấy nước bơm tưới ruộng đồng; đồng thời tích cực chỉ đạo khoanh lại các vùng đã bị ảnh hưởng.
 
Thúy Ngà
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo