HTX nông nghiệp vẫn gầy còm
15:40 - 03/03/2016
Sau gần 3 năm thực hiện Luật Hợp tác xã (HTX), hiện mới chỉ có hơn 18% (trong tổng số hơn 1 vạn HTX nông nghiệp) của cả nước đăng ký chuyển sang hoạt động theo Luật.
 

Bộ mặt chung về HTX của lĩnh vực nông nghiệp vẫn đang nhỏ, yếu, kém hiệu quả và tồn tại nhiều bất cập.

Báo cáo tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Luật HTX năm 2012 thuộc lĩnh vực nông nghiệp do Bộ NN-PTNT tổ chức hôm qua (2/3) cho thấy: Đến hết năm 2015, cả nước đang có hơn 1 vạn HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, chiếm 55,5% tổng số HTX trong cả nước. Trong đó, vùng ĐBSH chiếm 34% số lượng HTX, Bắc Trung bộ 19,7%, Đông Bắc bộ 16,9% và ĐBSCL 11,2%.

Trên phạm vi cả nước, số lượng HTX nông nghiệp thành lập mới mỗi năm khá cao (khoảng 800 HTX/năm), song số HTX giải thể vì hoạt động kém hiệu quả cũng rất lớn (khoảng 550 HTX/năm), nên về tổng số HTX nông nghiệp tăng trung bình chỉ khoảng 250 HTX/năm, không tăng nhiều hơn so với trước khi Luật HTX năm 2012 ra đời.

Về quy mô, giá trị SX-KD bình quân mỗi HTX nông nghiệp hiện chỉ khoảng 1 tỷ đồng/HTX/năm, lợi nhuận bình quân khoảng 200 triệu đồng/HTX/năm, tương đương với thu nhập bình quân của các thành viên và người lao động ước đạt chỉ đạt khoảng 1 triệu đồng/người/tháng. Mức vốn trung bình của các HTX đều rất thấp và chủ yếu là vốn tài sản cố định đã sử dụng lâu năm như nhà xưởng, mương máng, trạm bơm, máy móc và thiết bị phục vụ SX nông nghiệp khác nhưng đã xuống cấp, lạc hậu.

Nhìn chung, các HTX nông nghiệp đều thiếu vốn SX-KD, trong khi việc tiếp cận các nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng vô cùng khó khăn do không có tài sản thế chấp, hoạt động SX-KD rủi ro cao, chưa xây dựng được các phương án SX-KD…

Tại hội nghị hôm qua, đa số các ý kiến từ các HTX của các địa phương đều tập trung về vấn đề khó khăn về nguồn vốn. Ông Nguyễn Công Thừa, GĐ HTX Dịch vụ Nông nghiệp Anh Đào (TP Đà Lạt, Lâm Đồng) than: Do nguồn vốn từ các xã viên đóng góp rất bé nên các HTX nói chung đều có nhu cầu phải vay vốn. Chính sách ưu đãi, vay vốn cho các HTX đã có quy định HTX có thể vay tối đa 500 triệu đồng không cần thế chấp tài sản, nhưng khi gõ cửa khắp lượt các ngân hàng vẫn chẳng ai cho vay vốn. Trong khi đó, chỉ cần đưa sổ đỏ của ông giám đốc HTX lên thôi, ngân hàng cho vay tức thì.

Cú sốc phải lăn ra cạnh tranh trong cơ chế thị trường khiến tiến độ các HTX nông nghiệp đăng ký lại để hoạt động theo Luật HTX đang rất chậm trễ. Theo Cục Kinh tế Hợp tác và PTNT, từ khi Luật HTX có hiệu lực (1/7/2013) đến nay, mới có 4/19 liên hiệp HTX hoạt động theo Luật HTX, trong đó có 3 liên hiệp HTX mới thành lập, còn 15 liên hiệp HTX hiện vẫn chưa tổ chức lại hoạt động theo Luật.

Sau khi có Luật HTX năm 2012, Nghị định số 193/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ về thi hành Luật HTX được ban hành, tuy nhiên qua hơn 2 năm thực hiện, hiệ mới chỉ có 24/63 tỉnh/thành có văn bản chỉ đạo triển khai Luật HTX; 38/63 tỉnh/thành có kế hoạch hoặc văn bản chỉ đạo HTX tổ chức lại hoạt động theo Luật; 25/63 tỉnh/thành có văn bản hướng dẫn chỉ đạo HTX tổ chức lại hoạt động theo Luật… Những con số này cho thấy việc triển khai Luật HTX trên thực tế là vô cùng chậm trễ, thiếu quyết liệt ở các tỉnh.

Cụ thể, hiện mới có khoảng hơn 2.000 HTX cũ đăng ký lại hoạt động theo Luật, chiếm gần 19% số HTX cả nước. Ngoài 480 HTX đã giải thể do hoạt động không hiệu quả, ước còn hơn 1.000 HTX đang hoạt động không hiệu quả, phải ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng nhưng vẫn chưa được giải thể (chiếm gần 10% số HTX cả nước).

“Tiến độ đăng ký lại hoạt động HTX rất chậm, năm 2014 là 7,3% và tăng lên 18,87% hiện nay. Phần lớn các HTX nông nghiệp hiện nay về cơ bản phương thức hoạt động vẫn chưa có sự thay đổi. Như vậy, chắc chắn đến ngày 1/7/2016, rất khó có thể hoàn thành việc đăng ký lại HTX theo yêu cầu của Luật", ông Lê Đức Thịnh, Phó cục trưởng Cục Kinh tế Hợp tác và PTNT đánh giá. 

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát: Không xây dựng được HTX, không thể có NTM và Tái cơ cấu nông nghiệp

Luật HTX năm 2012 đã tạo hành lang pháp lí để HTX hoạt động phát huy hiệu quả hơn. Thời gian qua, một số tỉnh cũng đã chuyển đổi HTX nông nghiệp sang hoạt động theo Luật, và thực tế đã phát huy hiệu quả SX-KD cao hơn trước. Trong đó, kinh nghiệm cho thấy các HTX phát triển mạnh mẽ là các HTX có mối liên kết SX-KD theo chuỗi, có sự gắn kết với DN. Mặc dù vậy, qua 3 năm thực hiện Luật HTX, nhìn chung 80% số HTX nông nghiệp đến nay vẫn đang thuộc diện yếu kém. Một số tỉnh đã đăng ký chuyển đổi HTX hoạt động theo Luật nhưng vẫn còn hình thức…

HTX nói chung, HTX nông nghiệp nói riêng đã được Trung ương Đảng, Chính phủ nhiều lần xác định là trụ cột quan trọng, là nền tảng kinh tế định hướng XHCN. Nhưng thực tế nhiều năm qua, dù năm nào chúng ta cũng tổng kết, cũng chỉ đạo nhưng chuyển biển vẫn ì ạch. Vì sao vậy? Tôi cho rằng có một số nguyên nhân cơ bản:

Một là vẫn còn có sự lúng túng trong nhận thức của cán bộ, nông dân, nhất là ở miền Bắc về HTX nông nghiệp. Đâu đó vẫn còn hơi hướng của HTX kiểu cũ. Một số địa phương chưa thật sự quyết liệt, hoặc quan tâm chưa đủ tầm.

18-34-53_hi
Cần tăng cường thêm nhiều HTX tại ĐBSCL (Trong ảnh: Bộ trưởng Cao Đức Phát thăm NM xay xát của HTX Tân Cường, Tam Nông, Đồng Tháp)

Hai là nguồn lực cho HTX vẫn còn thiếu và yếu. Các HTX chuyển sang mô hình hoạt động mới nhưng vẫn tự lực, tự bơi là chính. Trong khi đó, bộ máy con người để triển khai chính sách cho HTX còn thiếu, yếu trầm trọng.

Về giải pháp cho 5 năm tới, cần giúp hơn 10 nghìn HTX nông nghiệp hiện có hoạt động hiệu quả hơn, kết hợp phát triển thêm các HTX, tổ hợp tác mới. Để làm được điều này, trước hết phải tập trung thực hiện quyết liệt một số giải pháp sau:

Một là, các địa phương phải thiết kế, có kế hoạch tuyên truyền bài bản để nông dân, cán bộ hiểu sâu về lợi ích và bản chất HTX. Bởi 90% nông dân hiện nay không biết gì về bản chất HTX cũng như Luật HTX. Theo đó, cần lấy ngay chính các mô hình HTX nông nghiệp trong nước có hiệu quả làm nòng cốt truyền thông. Mỗi tỉnh phải có ít nhất 3-5 mô hình HTX hiệu quả tiêu biểu, ưu tiên các HTX hoạt động có liên kết chuỗi với DN để nông dân học hỏi, lấy đó làm điểm tựa để nhân rộng.

Hai là, mỗi tỉnh phải xây rà soát, xây dựng kế hoạch cụ thể cho việc đăng ký chuyển đổi, đổi mới HTX theo Luật. Tham mưu cho HĐND, UBND tỉnh thành lập các Tổ liên ngành rà soát tới từng HTX một, giúp họ xem phải làm gì, làm thế nào để chuyển sang HTX kiểu mới và hoạt động SX-KD thế nào cho hiệu quả hơn, nhất là phải để họ hiểu thế nào là HTX, HTX khác DN thế nào. Về vấn đề này, đề nghị các tỉnh phải hoàn thành việc đăng ký chuyển đổi toàn bộ các HTX hiện còn chưa chuyển đổi trước tháng 7/2016 theo như Luật HTX năm 2012 đã quy định. Đối với hơn 1.200 HTX yếu kém, hoạt động cầm chừng, kiên quyết giải thể hoặc chuyển sang tổ hợp tác.

Về chính sách cho HTX, Bộ NN-PTNT đồng ý và quán triệt sẽ ban hành nghị định riêng về HTX trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó sẽ nói rõ với dân từng khía cạnh một về bản chất HTX nông nghiệp, chính sách cho HTX…

Đối với vấn đề nhân lực, các tỉnh cần xây dựng kế hoạch đào tạo cho đội ngũ cán bộ, trong đào tạo cần để ý tránh đưa tư tưởng HTX kiểu cũ vào giảng dạy. Đề nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục nghiên cứu, chỉ đạo hệ thống có cơ chế, chính sách để các HTX được vay vốn dễ dàng hơn, nhiều hơn; Bộ TN-MT sớm nghiên cứu cơ chế hỗ trợ về đất đai, hạ tầng cho các HTX nông nghiệp; Cục Kinh tế Hợp tác (Bộ NN-PTNT) sớm nghiên cứu, ban hành Bộ tiêu chí đánh giá, xếp hạng năng lực HTX…

Quan điểm của Bộ NN-PTNT, đó là HTX là chỗ dựa cơ bản cho xây dựng NTM và Tái cơ cấu nông nghiệp. Nếu không xây dựng thành công HTX, sẽ không tài nào làm được NTM và Tái cơ cấu.

LÊ BỀN-QUỲNH TRANG
Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo