Khi có được nguồn vốn, tỉnh sẽ đầu tư hàng loạt hệ thống cống, đập, đê bao ngăn mặn; nạo vét kênh mương nội đồng trữ nước ngọt; đầu tư khoan các giếng nước ngầm phục vụ nước sinh hoạt cho người dân.
|
Đầu tư nạo vét kênh thủy lợi, thủy nông nội đồng tại huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang |
Sở NN-PTNT Hậu Giang cho biết, để ứng phó thực trạng xâm nhập mặn đang diễn ra nghiêm trọng trên địa bàn, tỉnh Hậu Giang đang cần nguồn vốn khoảng 100 tỷ đồng cho việc đầu tư cấp bách các dự án công trình, phi công trình mới có khả năng bảo vệ an toàn diện tích sản xuất, đời sống của người dân trong mùa khô này. Tuy nhiên, đây là nguồn kinh phí quá lớn đối với tỉnh nghèo Hậu Giang.
Khi có được nguồn vốn, tỉnh sẽ đầu tư hàng loạt hệ thống cống, đập, đê bao ngăn mặn; nạo vét kênh mương nội đồng trữ nước ngọt; đầu tư khoan các giếng nước ngầm phục vụ nước sinh hoạt cho người dân. Theo đó, tỉnh chia ra 3 vùng chống mặn, theo nguyên tắc lấy nội đồng làm trọng tâm.
Cụ thể, đối với vùng ven sông Hậu gồm các huyện Châu Thành, thị xã Ngã Bảy, Châu Thành A, giải pháp là tận dụng hệ thống cống có sẵn đóng mở theo triều cường để ngăn mặn không cho nước vào đồng; đồng thời đầu tư xây dựng mới một số đập thời vụ và nạo vét kênh mương nội đồng để trữ nước ngọt.
Riêng vùng giáp biển Tây và biển Đông, gồm các huyện Phụng Hiệp, thị xã Long Mỹ là vùng trũng không tiêu thoát được mặn, cần đắp các đập thời vụ và các đập lớn để ngăn mặn từ xa. Trước mắt, sẽ đầu tư đắp hai đập ở hai đầu kênh Hậu Giang 3 và các đập thời vụ phía kênh Lái Hiếu và kênh Quản lộ Phụng Hiệp.
Vùng 3 giáp biển Tây gồm: thành phố Vị Thanh, huyện Long Mỹ, huyện Vị Thủy, cần dựa vào tuyến đê bao ngăn mặn Long Mỹ - Vị Thanh sẽ tiếp tục đầu tư đắp đập thời vụ, nạo vét kênh mương nội đồng trữ nước ngọt.
Về giải pháp phi công trình, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong cả hệ thống chính trị và nhân dân hiểu rõ tác hại mặn xâm nhập; tăng cường công tác quan trắc độ mặn, phát hiện sớm nồng độ mặn và địa bàn xâm nhập mặn để thông tin cho người dân biết ứng phó kịp thời. Điều chỉnh lịch thời vụ, tổ chức tọa đàm, hội thảo, chuyển đổi cây trồng thích ứng với thiên tai bất lợi, biến đổi khí hậu hiện nay.
Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang cho biết, nhiều khả năng, năm nay mặn xâm nhập sâu vào đất liền cách cửa sông lớn từ 60 - 70km. Trong khi, tỉnh Hậu Giang cách cửa biển Trần Đề (Sóc Trăng) 65 km và cách cửa biển Rạch Giá (Kiên Giang) 45km, nên Hậu Giang nằm trọn trong vùng bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn. Đặc biệt, đợt triều cường đầu tháng 2 vừa qua, nhiều tuyến sông ở tỉnh này nồng độ mặn lên đến 12 phần nghìn, trong nội đồng 3 phần nghìn, đã làm ảnh hưởng hơn 1.000 ha lúa đông xuân.
Dự báo, đợt triều cường 30 tháng Giêng tới (nhằm ngày 8/3), mặn sẽ xâm nhập sâu vào nội đồng, độ mặn tăng cao, đe dọa toàn bộ diện tích sản xuất ở Hậu Giang.