Giải pháp kỹ thuật nhằm hạ giá thành sản xuất lúa được các địa phương áp dụng nhiều là: "3 giảm 3 tăng", "1 phải 5 giảm", xây dựng cánh đồng lớn (CĐL), đẩy mạnh cơ giới hóa...
|
Hạ giá thành nhằm tăng cao tính cạnh tranh của lúa gạo trên thị trường, nâng cao thu nhập cho người trồng lúa |
Các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL những năm qua đã đẩy mạnh ứng dụng chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn người dân sản xuất theo phương pháp tiết giảm đầu vào, chuyển đổi cơ cấu giống, nâng cao năng suất, chất lượng nhằm hạ giá thành sản xuất. Nhiều địa phương đã giảm được chi phí đến 25% so với trước đây.
Giải pháp kỹ thuật nhằm hạ giá thành sản xuất lúa được các địa phương áp dụng nhiều là: "3 giảm 3 tăng", "1 phải 5 giảm", xây dựng cánh đồng lớn (CĐL); đẩy mạnh cơ giới hóa khâu làm đất, bơm tưới, quản lý dịch hại, thu hoạch và phơi sấy.
Ông Hoàng Trung Kiên, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang cho biết, tỉnh có 3 vùng sinh thái khác nhau gồm Tây sông Hậu, Tứ giác Long Xuyên và U Minh Thượng. Có vùng phù sa nước ngọt nhưng cũng có vùng làm lúa lệ thuộc hoàn toàn vào nước trời, năng suất thấp, chi phí cao. Nhưng nhờ triển khai nhiều giải pháp khoa học kỹ thuật nên giá thành sản xuất lúa của tỉnh những năm qua luôn thấp hơn so với mức trung bình của các tỉnh, thành ĐBSCL do Bộ Tài chính công bố.
Có được điều này là nhờ ngành nông nghiệp những năm qua liên tục triển khai và chuyển giao cho nông dân các mô hình sản xuất lúa tiên tiến, giảm chi phí, tăng năng suất và hiệu quả kinh tế. Trong đó, các mô hình như "3 giảm 3 tăng", "1 phải 5 giảm" được triển khai rộng khắp ở các địa phương. Riêng mô hình CĐL, mỗi mùa vụ Trung tâm đều hỗ trợ nông dân xây dựng hàng chục cánh đồng với tổng diện tích từ 1.500 - 2.000 ha/vụ.
“CĐL tại Kiên Giang sản xuất lúa theo hướng VietGAP, ứng dụng biện pháp tưới tiết kiệm nhằm giảm phát khí thải nhà kính nên nông dân được tập huấn rất kỹ. Vì vậy, mỗi cánh đồng đều được triển khai liên tục 3 vụ, khi nông dân nắm vững kỹ thuật sẽ được chuyển giao lại cho địa phương tiếp tục thực hiện.
Nhờ đó mà đến nay diện tích CĐL của tỉnh lên đến hàng chục ngàn ha. Tính toán, chi phí trong CĐL luôn thấp hơn so với cách làm truyền thống, giá thành thấp hơn từ 100 - 150 đ/kg, lợi nhuận của nông dân tăng lên đáng kể”, ông Kiên chia sẻ.
Riêng tại Hậu Giang, vụ lúa ĐX này có giá thành sản xuất thấp nhất khu vực ĐBSCL. Theo ông Nguyễn Văn Đồng, GĐ Sở NN-PTNT Hậu Giang, thì số liệu tính toán cho thấy giá thành sản xuất vụ lúa ĐX 2015-2016 của tỉnh giảm đến 25% so với trước đây.
Cụ thể, khâu đầu tư cơ giới hóa sản xuất giảm 15% chi phí; áp dụng kỹ thuật canh tác "3 giảm 3 tăng", "1 phải 5 giảm" và quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) giảm được 10%; kiện toàn hệ thống thủy lợi, thủy nông nội đồng là 5%...