Tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu Sở NN-PTNT kêu gọi các Cty giống kịp thời cung ứng giống đảm bảo chất lượng, không ép giá cho bà con. Phấn đấu hoàn thành việc khắc phục thiệt hại do rét trước ngày 20/2.
|
Sau khi đi cơ sở ông Lê Đình Sơn, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh phê bình một số huyện, xã chỉ đạo khắc phục thiệt hại do rét chậm trễ |
Mặc dù lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh vào cuộc chỉ đạo quyết liệt nhưng theo khảo sát của NNVN đã có không ít cơ sở “trên bảo dưới không nghe”, chủ quan trước thời tiết rét đậm, rét hại dẫn đến tình trạng hơn 12.000/52.292ha lúa xuân bị chết rét. Nông dân chưa kịp khôi phục thiệt hại do rét đậm nay lại nơm nớp lo đối mặt hạn hán.
Hơn 6.300ha phải gieo cấy lại
Theo báo cáo của Sở NN-PTNT Hà Tĩnh, tính đến ngày 14/2 toàn tỉnh gieo cấy được 52.292/56.362ha lúa (trong đó, diện tích cấy hơn 11.400 ha; gieo thẳng hơn 40.800ha). Tuy nhiên, đợt rét đậm, rét hại lịch sử xảy ra từ ngày 23 - 27/1 đã làm 6.379ha lúa chết trên 50%, phải gieo cấy lại; 5.756ha chết từ 30 - 50%; 242ha mạ xuân muộn bị thiệt hại.
Ông Lê Đình Sơn, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh rất bức xúc: “Có nhiều đồng chí cán bộ cơ sở quan liêu quá. Số liệu nắm không chắc, thậm chí báo cáo lúa không chết nhưng thực tế quá trình đi kiểm tra tôi tin diện tích chết rét lớn hơn con số báo cáo nhiều. Vụ xuân là vụ ăn chắc nên phải làm mạnh nhưng hiện nay thời vụ đã rất muộn trong khi đó nhiều xã khôi phục diện tích bằng cách gieo cấy lại giống 130 - 135 ngày thì không thể kịp thời vụ. Cho nên nói không bỏ hoang diện tích là rất khó”.
Ông Sơn phân tích thêm, việc đưa ra giải pháp chuyển đổi đất ruộng sang trồng các cây trồng khác như ngô, cỏ làm thức ăn cho bò sẽ có nhưng cũng chỉ được một ít diện tích chứ chuyển mấy nghìn ha thì không thể, bởi nó cần phải có quá trình và phụ thuộc thời tiết.
“Hiện nay giống dự trữ mới được gần 90 tấn, nếu gieo thưa cũng chỉ đủ sản xuất 2.500ha. Chắc chắn lượng giống này sẽ không đảm bảo để khắc phục thiệt hại do rét”, ông Lê Đình Sơn nói.
Huyện Thạch Hà có 1.600ha lúa chết rét, tập trung ở các xã Thạch Đài, Phù Việt, Tượng Sơn, Thạch Thắng... Ngay sau khi thống kê sơ bộ mức độ thiệt hại, Thạch Hà kịp thời ban hành chính sách hỗ trợ 50% giá giống (trong đó huyện 25%, xã 25%) cho bà con nông dân để kịp thời gieo cấy lại. Tuy nhiên, theo bà Dương Thị Tam, thôn Nhà Đường, xã Thạch Đài: “Bây giờ có chính sách nhưng cũng không biết tìm mua giống ở đâu”.
Bà Dương Thị Tam tận dụng hết số mạ già chắm dặm 2 sào ruộng bị chết rét
Thiệt hại do đợt rét đậm, rét hại vừa qua gây ra một lần nữa cho thấy việc chấp hành chỉ đạo của tỉnh Hà Tĩnh là hạn chế lúa gieo thẳng ở cơ sở và người nông dân không những chưa triệt để mà còn có phần cố chấp. Ngoài ra, tại các vùng trũng như xã Hà Linh, Phúc Đồng, Phương Mỹ (Hương Khê); Tượng Sơn, Thạch Thắng, Thạch Đài (Thạch Hà); Cổ Đạm, Xuân Viên, Xuân Mỹ (Nghi Xuân) thực hiện tiêu úng quá chậm dẫn đến tỷ lệ lúa rét và chết do ngập úng cao. |
Bà Tam cho hay, gia đình bà có 2/7 sào lúa gieo thẳng bị chết rét trên 70% nhưng vì ngoài đồng còn một ít mạ già nên thay vì bừa cấy lại bà tranh thủ mấy hôm trời nắng ấm ra chắm dặm lại nhằm tiết kiệm chi phí đầu tư.
“Ruộng của tôi còn dặm được chứ như nhà ông Chương, cùng thôn có tới 5 sào phải bừa gieo cấy lại. Ước mỗi sào mất 270.000 đồng tiền bừa lại và tiền giống, tính sơ sơ đợt rét vừa rồi đã “nuốt” của ông Chương hơn 1,3 triệu đồng. Vài ngày trước không mua được giống, sợ phải bỏ ruộng hoang nên ông ấy sang nhà tôi mua lúa N25 về gieo lại rồi”, bà Tam cho biết thêm.
Các bác dùng lúa thịt gieo cấy lại không sợ rủi ro sao? - tôi hỏi. Bà Tam bảo: “Cũng biết lúa N25 thích hợp làm vụ hè thu hơn nhưng vì không mua được giống ngắn ngày khác nên phải làm thôi. Được mùa thì tốt, không được cũng phải chấp nhận chứ biết răng được”.
Ông Trương Quang Anh, Chủ tịch UBND xã Thạch Đài cho hay, toàn xã có 80/440ha (chiếm 20% tổng diện tích gieo cấy) bị chết rét. Trong đó, 30ha phải gieo cấy lại. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay đang gặp phải là nông dân không mua được giống, hầu hết bà con phải sử dụng thóc thịt để gieo cấy, lo ngại ảnh hưởng đến sức chống chịu sâu bệnh và năng suất.
“Trên địa bàn có hai đại lý thì đã hết sạch giống từ trong năm. Bây giờ bà con phải đến các trung tâm giống ở TP Hà Tĩnh mới mua được giống nên nhiều khả năng sẽ còn chậm thời vụ nữa”, ông Anh nói.
Ứng phó không kịp thời, chủ quan
Tại hội nghị trực tuyến bổ cứu khắc phục thiệt hại do rét đậm, rét hại sáng 15/2, ông Lê Đình Sơn khẳng định, con số báo cáo diện tích lúa chết chiếm hơn 20% tổng diện tích gieo cấy toàn tỉnh mới chỉ là sơ bộ, chưa chính xác và đang ở mức tối thiểu. Điều đáng nói ở đây, các cấp cơ sở ứng phó thời tiết hoàn toàn không kịp thời và chủ quan nếu không muốn nói là yếu kém.
Gieo thẳng là một trong những nguyên nhân dẫn đến diện tích lúa chết rét cao
Trước hết, trong khuyến cáo sản xuất trà xuân muộn nêu rõ, hạn chế tối đa gieo thẳng nhưng trên thực tế tỷ lệ gieo thẳng lại chiếm đến hơn 2/3 diện tích. Thứ hai, sau khi rà soát được diện tích bị thiệt hại các địa phương tiếp tục chủ quan, không kịp thời khuyến cáo bà con bắc mạ bổ sung.
“Bây giờ thời vụ đã rất muộn rồi nhưng quan điểm của tỉnh dứt khoát không được bỏ hoang đất ruộng. Ngay sau khi có chủ trương các huyện, xã, thôn xóm rà soát lại một lần nữa diện tích thiệt hại để đăng ký mua giống. Đối với diện tích chết trên 50% cày bừa, gieo cấy lại, có thể áp dụng kỹ thuật canh tác cải tiến SRI; với diện tích chết dưới 50%, bà con vừa chăm sóc vừa bắc mạ, đến khoảng 10 - 12 ngày sau dùng mạ mới cấy vào diện tích bị chết rét. Đặc biệt, chỉ sản xuất giống dưới 100 ngày như P6 ĐB, OM4218, SV181, PC6 để đảm bảo lúa trổ đúng lịch thời vụ”, ông Lê Đình Sơn nhấn mạnh.
Tỉnh Hà Tĩnh cũng yêu cầu Sở NN-PTNT kêu gọi các Cty giống kịp thời cung ứng giống đảm bảo chất lượng, không ép giá cho bà con. Phấn đấu hoàn thành việc khắc phục thiệt hại do rét trước ngày 20/2.