(TNNN) - Trong thời gian qua, các cơ quan chuyên ngành, các địa phương trong cả nước đã có nhiều hoạt động thiết thực trong việc quản lý vật tư nông nghiệp, bao gồm giống cây trồng, giống vật nuôi, phân bón vô cơ, phân bón hữu cơ; thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất, chế phẩm sinh hoạt, chất xử lý, cải tạo môi trường trong sản xuất nông nghiệp, tạo bước chuyển biến khá tích cực trong sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng sản phẩm.
Trên thị trường vẫn còn phân bón giả, thiếu hàm lượng các chất theo quy định và thuốc bảo vệ thực vật giả không rõ nguồn gốc; tình trạng sử dụng vật tư nông nghiệp không đúng quy trình của người dân vẫn còn xảy ra gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người sản xuất và tiêu dùng sản phẩm nông sản.
Chỉ tính riêng trong thời gian qua, đoàn kiểm tra chuyên ngành của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Tuyên Quang đã thực hiện lấy trên 40 mẫu sản phẩm và vật tư nông nghiệp, trong đó có 22 mẫu thuốc bảo vệ thực vật, 10 mẫu cây trồng, 5 mẫu phân bón và 4 mẫu thức ăn chăn nuôi. Đã có 3 mẫu thuốc bảo vệ thực vật không đạt tiêu chuẩn theo quy định. Đoàn kiểm tra đã thu hồi toàn bộ lô hàng đồng thời phạt cảnh cáo theo đúng quy định của pháp luật.
Bảo vệ quyền lợi của người sản xuất và tiêu dùng cũng như chấn chỉnh tình trạng vi phạm các quy định trong sản xuất, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật và vật tư nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tăng cường công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp. Sở giao cho đơn vị chuyên môn phối hợp với các địa phương triển khai tập huấn kỹ thuật, phổ biến luật liên quan đến công tác quản lý, kinh doanh vật tư nông nghiệp; cấp giấy chứng nhận cho các cơ sở có đủ điều kiện kinh doanh.
Đồng chí Nguyễn Năm Châu, Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, bên cạnh công tác phối hợp kiểm tra, thanh tra với các đơn vị, phòng chuyên môn liên quan của sở, chi cục độc lập tiến hành kiểm tra và thanh tra toàn diện tất cả các cơ sở. Với tinh thần xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm, thực hiện truy xuất, xử lý tận gốc lô hàng sản phẩm không bảo đảm chất lượng; thu hồi giấy phép kinh doanh đối với các cơ sở tái phạm. Tính riêng từ đầu năm đến nay, chi cục đã phát hiện và xử phạt 5 tổ chức, cá nhân vi phạm. Trong đó có 1 tổ chức là công ty TNHH Hoàng Nông có địa chỉ tại tỉnh Vĩnh Phúc vi phạm kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật và 4 cá nhân. Tổng số tiền phạt là 19 triệu đồng.
Theo Sở NN&PTN Hòa Bình, thời gian qua, chính quyền các cấp và các cơ quan chuyên môn đã tích cực thực hiện công tác quản lý Nhà nước trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, quảng bá các loại vật tư nông nghiệp như giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật … Tuy nhiên, thực tế vẫn đang tiếp diễn tình trạng một số doanh nghiệp tự ý đưa các giống cây trồng mới, giống cây trồng nhập nội vào khảo nghiệm, sản xuất thử; tổ chức các hoạt động quảng bá, hội thảo, hội nghị khách hàng, giới thiệu sản phẩm vật tư nông nghiệp ở cơ sở mà chưa có ý kiến của cơ quan chuyên môn. Điều này đã tạo cơ hội cho những loại vật tư nông nghiệp kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ trà trộn vào thị trường, tiềm ẩn các nguy cơ ảnh hưởng đến sản xuất trồng trọt và bùng phát các đối tượng dịch hại nguy hiểm.
Để khắc phục tình trạng trên, Sở NN&PTNT đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn cấp huyện và UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường kiểm tra, quản lý chặt chẽ việc kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn quản lý.
Trong đó, cần giao trách nhiệm cụ thể cho UBND các xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện, thành phố nếu để xảy ra tình trạng buôn bán vật tư nông nghiệp kém chất lượng ảnh hưởng đến sản xuất; tự ý tổ chức hội thảo, quảng bá, giới thiệu các loại vật tư nông nghiệp khi chưa có ý kiến thẩm định, đồng ý bằng văn bản của cơ quan chuyên môn. Cụ thể, cần có văn bản đồng ý của Sở NN&PTNT đối với mặt hàng giống cây trồng nông nghiệp, phân bón hữu cơ và phân bón khác; văn bản của Chi cục bảo vệ thực vật đối với mặt hàng thuốc bảo vệ thực vật. Sở NN&PTNT đã giao Chi cục bảo vệ thực vật là cơ quan đầu mối chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan quản lý toàn bộ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, khảo nghiệm, sản xuất thử, quảng bá, hội thảo về các loại vật tư nông nghiệp.
Riêng đối với các cơ quan chuyên môn trực thuộc, Sở NN&PTNT chỉ đạo: Khi phối hợp với các đơn vị sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp để triển khai các khảo nghiệm, mô hình trình diễn, mô hình sản xuất thử giống cây trồng nông nghiệp mới, tổ chức hội thảo, quảng cáo, hội nghị khách hàng về vật tư nông nghiệp phải có ý kiến của Sở NN&PTNT trước khi triển khai thực hiện.
Thời gian qua các đơn vị trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã cung ứng hơn 1.000 tấn lúa giống, 710 tấn ngô giống; khoảng 53.800 tấn phân bón các loại và hơn 300 tấn thuốc bảo vệ thực vật cho nông dân trong tỉnh. Sở Nông nghiệp và PTNT cũng đã phối hợp với các đơn vị và địa phương khảo nghiệm, xây dựng 30 mô hình giống lúa, ngô mới, qua đó lựa chọn được 3 giống lúa, 6 giống ngô phù hợp, đưa vào cơ cấu giống của tỉnh.
Sự góp sức của doanh nghiệp cung ứng giống, vật tư đã góp phần quan trọng đưa tổng sản lượng lượng thực toàn tỉnh đạt 266.050 tấn, đặc biệt việc sản xuất thành công 5.000 ha lúa đặc sản (giá trị tăng từ 15% - 20%) đã mở ra triển vọng xây dựng thương hiệu lúa chất lượng cao Lào Cai.Công tác quản lý nhà nước về giống cây lương thực và phân bón cũng được Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo kịp thời, phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp quản lý chặt chẽ trước khi đưa vào sản xuất.
Tuy nhiên, công tác sản xuất, cung ứng giống, vật tư vẫn có những tồn tại, hạn chế như: Nhiều loại giống đưa vào gieo cấy chưa qua khảo nghiệm như BC15, nhị ưu 838…; việc cấp giấy phép kinh doanh giống cấp huyện chưa đảm bảo theo quy định Pháp lệnh Giống cây trồng; công tác tuyên truyền, vận động các cơ sở sản xuất kinh doanh chưa được thực hiện thường xuyên...
Để việc cung ứng giống, vật tư nông nghiệp đảm bảo nhu cầu sản xuất của nông dân, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT yêu cầu các công ty, doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc các quy định về Pháp lệnh Giống cây trồng; cam kết trách nhiệm với cơ quan quản lý nhà nước, chia sẻ rủi ro (nếu có) với nông dân khi nguyên nhân được xác định do giống, phân bón gây ra làm ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng cây trồng. Đồng thời, đề nghị các cơ quan chức năng, các địa phương có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý giống, phân bón.
Toàn tỉnh Thanh Hóa có tổng diện tích gieo trồng khoảng 468.500 - 481.500 ha; trong đó, cây hàng năm khoảng từ 437.500 – 447.100 ha, cây trồng lâu năm 30.900 – 34.400 ha. Với tổng diện tích như vậy, mỗi năm cần khoảng 200.000 tấn phân bón các loại; hơn 13.000 tấn lúa, ngô giống và lượng thuốc bảo vệ thực vật không nhỏ.
Trong khi đó, các đơn vị trực tiếp sản xuất, kinh doanh mặt hàng vật tư nông nghiệp còn ít, chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất của bà con nông dân trong tỉnh. Do vậy, lượng vật tư nông nghiệp bên ngoài được nhập về khá nhiều. Chính điều này đã và đang gây khó khăn trong công tác quản lý cho các cơ quan chức năng.
Nhằm bảo đảm chất lượng vật tư nông nghiệp, những năm qua các cấp, các ngành chức năng đã triển khai thực hiện nhiều đợt thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về sản xuất, kinh doanh các loại vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh theo Thông tư số 14/2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT). Đến nay, ngành nông nghiệp đã phối hợp với nhiều ban, ngành chức năng tổ chức 4 đợt kiểm tra tại gần 200 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng; 4 đợt kiểm tra tại 75 cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón; 10 đợt thanh tra, kiểm tra thuốc bảo vệ thực vật tại 389 cơ sở kinh doanh.
Qua đó, xử lý nhiều đơn vị vi phạm hành chính và tiêu hủy hàng nghìn lít thuốc bảo vệ thực vật và tịch thu hàng nghìn kg phân bón không bảo đảm chất lượng. Tuy công tác quản lý vật tư nông nghiệp thời gian qua đã được các ban, ngành chức năng và chính quyền các địa phương tăng cường quản lý, song trên thực tế vẫn còn nhiều sản phẩm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi kém chất lượng đang lưu hành trên thị trường, công tác quản lý các mặt hàng trên còn nhiều khó khăn, bất cập.
Ngoài ra, còn nhiều cửa hàng, hộ kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật vi phạm lỗi không có biển hiệu kinh doanh, nhãn hàng hóa ghi chưa đúng quy định, hàng hóa hết hạn sử dụng, các loại thuốc bảo vệ thực vật độc hại được bày bán chung với các loại hàng hóa khác...
Do đó, để quản lý hiệu quả vật tư nông nghiệp trên địa bàn các tỉnh, thành cùng với việc tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm bảo đảm đúng quy định của pháp luật, các ban, ngành chức năng và địa phương cần tăng cường hơn nữa công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật sâu rộng để người dân hiểu và thực hiện đúng, đầy đủ các quy định của pháp luật. Quan tâm công tác đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ làm nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra; đầu tư trang thiết bị và bố trí kinh phí hàng năm cho công tác thanh tra, kiểm tra các loại vật tư nông nghiệp tại các địa phương.
Hoàng Quốc