Trong khi đó, ngư trường khai thác chưa được mở rộng đã làm mật độ tàu thuyền tập trung cao dẫn đến hiệu quả hoạt động thấp do năng suất khai thác giảm. Không chỉ vậy, nguồn lợi hải sản ven bờ còn bị khai thác vượt quá giới hạn và thường xảy ra tranh chấp ngư trường khai thác giữa các nhóm nghề và tàu thuyền giữa các địa phương.
Năm 2015, sản lượng khai thác của 2 nghề câu mực khơi và lưới vây tại Quảng Nam vượt trội so với mọi năm là hơn 33.500 tấn, tăng hơn 1 nghìn tấn so với năm 2014, gần bằng ½ sản lượng khai thác chung của toàn ngành (80 nghìn tấn). Đáng nói hơn, năng lực sản xuất của nghề xa bờ đã vượt trội hơn so với mọi năm.
Trong đó, đáng kể là số lượng tàu cá có công suất từ 400CV tăng mạnh trong năm 2015 với 170 chiếc. Chủ trương hiện đại hóa nghề cá của tỉnh cũng đã phát huy thành quả trong thực tế khi ngư dân mạnh dạn vay vốn, đóng tàu lớn và trang bị hiện đại cho phương tiện sản xuất trên biển. Cùng với đó, nhờ tiếp nhận hỗ trợ nhiên liệu đi và về của chuyến biển theo Quyết định 48/2010/QĐ-TTg của Chính phủ cũng giúp ngư dân có thêm động lực bám biển.
Theo Sở NN&PTNT Quảng Nam, những sản phẩm chủ yếu từ các nghề khai thác hải sản xa bờ của tỉnh là cá nục, cá ngừ, mực xà được xuất khẩu ra thị trường thế giới. Hải sản được chế biến xuất khẩu dưới nhiều dạng sản phẩm khác nhau, được đông lạnh dưới hình thức block và đông IQF, có các dạng sản phẩm tươi ướp đá, đông lạnh nguyên con, phile đông lạnh và sản phẩm khô.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, các doanh nghiệp chế biến hải sản xuất khẩu trên địa bàn tỉnh lại hoạt động cầm chừng. Do đó, một mặt Quảng Nam đang có chủ trương thu hút các doanh nghiệp chế biến hải sản đầu tư sản xuất trên địa bàn tỉnh, mặt khác khuyến khích các doanh nghiệp hiện có năng động hơn trong tiếp cận thị trường, tăng quy mô hoạt động để sản phẩm hải sản của tỉnh có giá trị cao hơn.
Quảng Nam đang có thuận lợi để triển khai chủ trương trên là Nghị định 89 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản (Nghị định 89) sẽ tạo điều kiện cho ngư dân đóng tàu lớn vươn khơi xa. Sở NN&PTNT cũng đề xuất UBND tỉnh tăng cường nguồn vốn cho Quỹ hỗ trợ ngư dân tỉnh nhằm phát triển năng lực tàu cá, đóng tàu vỏ sắt và vật liệu mới phục vụ khai thác xa bờ.
Triển khai Nghị định 89, Quảng Nam có 92 tàu đóng mới và cải hoán nâng cấp. Tỉnh đã phân cấp cho các địa phương, huyện Núi Thành có 40 tàu khai thác hải sản (28 tàu vỏ gỗ, 12 tàu vỏ thép) và 5 tàu hậu cần trên biển; TP.Tam Kỳ 1 tàu khai thác và 3 tàu hậu cần; Thăng Bình 22 tàu khai thác (12 tàu vỏ gỗ và 10 tàu vỏ thép); Duy Xuyên 9 tàu khai thác (8 vỏ gỗ, 1 vỏ thép); TP.Hội An 9 tàu khai thác (8 vỏ gỗ, 1 vỏ thép) và 1 tàu hậu cần; thị xã Điện Bàn 2 tàu khai thác (1 tàu vỏ gỗ và 1 tàu vỏ thép). Tỉnh kỳ vọng đến năm 2020, tổng số tàu xa bờ là 600 chiếc, năm 2030 đạt 750 chiếc.
Bình Thuận là một trong 3 ngư trường lớn của cả nước, nên có số lượng tàu thuyền khá lớn với gần 8,8 nghìn thuyền, trong đó có trên 2 nghìn thuyền có công suất trên 90 CV (thuyền đánh bắt khơi xa), chiếm khoảng 14% của cả nước.
Với lợi thế số lượng tàu thuyền đánh bắt khơi xa khá nhiều nên các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đã sớm được triển khai thực thi. Đến nay, toàn tỉnh đã chi trên 180,9 tỷ đồng cho việc hỗ trợ ngư dân mua, đóng mới tàu có công suất cao và thay máy tàu mới, hỗ trợ kinh phí bảo hiểm thân cho tàu có công suất 40 CV trở lên và tàu dịch vụ khai thác, bảo hiểm tai nạn cho thuyền viên, hỗ trợ nguyên liệu cho ngư dân là chủ sở hữu tàu đánh bắt hoặc tàu cung ứng dịch vụ…
Có thể nói, nếu thực hiện đầy đủ các chính sách hỗ trợ của Chính phủ sẽ góp phần quan trọng cho ngư dân duy trì được hoạt động sản xuất trên biển, giải quyết kịp thời khó khăn trong sản xuất, ổn định công ăn việc làm, tạo thu nhập và bảo đảm đời sống cho đại bộ phận ngư dân nghề cá cùng với lao động tại các cơ sở chế biến, dịch vụ, bảo đảm an sinh xã hội vùng biển…
Với những ưu thế và lợi ích lâu dài của đánh bắt xa bờ đưa lại, Bình Thuận đặt ra chỉ tiêu phấn đấu nâng tỷ trọng đội tàu cá xa bờ lên 30 - 35% tổng đội tàu cá của tỉnh trong thời gian tới, các tàu xa bờ đều phải trang bị đầy đủ trang thiết bị hàng hải, thiết bị đảm bảo an toàn cho người và tàu cá, nâng sản lượng khai thác vùng khơi đạt 55 - 60% tổng sản lượng khai thác.
Để thực hiện được mục tiêu này trong điều kiện ngư dân đang gặp những khó khăn, thách thức lớn về nguồn vốn cũng như kỹ thuật đánh bắt xa bờ và dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển. Hiện nay, nguồn vốn để phát triển khai thác xa bờ là khá lớn, trong khi đó các cơ chế, chính sách hỗ trợ ngư dân vay vốn ưu đãi của Nhà nước lại hết sức hạn chế.
Mặt khác, hầu hết lao động trên các tàu cá đào tạo thiếu bài bản, chủ yếu hành nghề theo kiểu “cha truyền con nối” nên khó tiếp cận phương thức sản xuất tiên tiến. Vì vậy, các cấp, các ngành cần thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ vốn, tạo điều kiện cho ngư dân đầu tư cải hoán nâng cao công suất tàu, đồng thời thường xuyên mở các lớp tập huấn, hỗ trợ trong việc đào tạo, ứng dựng công nghệ mới, tiên tiến vào khai thác hải sản.
Cùng với đó cần chú trọng cơ cấu lại thuyền nghề cho phù hợp, chuyển đổi tàu công suất lớn vươn khơi nhằm để hình thành những tập đoàn đánh bắt xa bờ hiệu quả; khuyến khích phát triển đội tàu hậu cần và hình thức liên kết đánh bắt nhằm tạo điều kiện cho ngư dân bám biển dài ngày, tiết kiệm chi phí sản xuất và tăng hiệu quả khai thác.
Để khai thác tiềm năng, lợi thế nhằm đưa kinh tế biển trở thành mũi nhọn kinh tế, Đảng bộ thị trấn Cửa Việt, huyện Gia Linh,Quảng Trị tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ ngư dân, hỗ trợ khai thác, phát triển dịch vụ trên biển, sửa chữa tàu thuyền, mua sắm ngư cụ, nhiên liệu, tháo gỡ khó khăn về vốn để đóng mới tàu xa bờ, đồng thời làm tốt công tác quản lý tàu thuyền, bảo vệ an toàn cho ngư dân trên biển.
Tính đến năm 2015, toàn thị trấn có 180 chiếc tàu, thuyền trên tổng số 620 tàu, thuyền toàn huyện. Trong đó loại từ 90-150 CV là 26 chiếc, tàu từ 45-90 CV là 34 chiếc, còn lại là thuyền dưới 15 CV. Điều này cho thấy khả năng phát triển nghề khai thác, đánh bắt hải sản ở thị trấn Cửa Việt là rất lớn.
Phó Chủ tịch UBND thị trấn Cửa Việt, Mai Văn Minh, cho biết: “Tổng sản lượng hải sản đánh bắt năm 2014 là 5.200 tấn. Năm 2015, thị trấn khai thác hải sản được 5.700 tấn, vượt 500 tấn so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhờ điều kiện thời tiết thuận lợi nên việc khai thác đánh bắt hải sản đạt sản lượng tăng đáng kể, trong đó xuất khẩu cá thu các loại đạt hơn 150 tấn, còn lại là cá nục, cá cơm... Thu nhập bình quân của tàu đánh bắt xa bờ đạt từ 150-200 triệu đồng/tàu/tháng”. Nhờ nghề biển thuận lợi mà những năm trở lại đây đời sống của nhiều hộ dân ở thị trấn đã được cải thiện.
Ở thị trấn Cửa Việt hiện có nhiều mô hình đầu tư đánh bắt giỏi có thu nhập từ 2-2,5 tỷ đồng/năm như hộ ông Võ Văn Thới, Võ Văn Huynh... Nhiều ngư dân đã huy động các nguồn vốn để đầu tư mua sắm, cải hoán tàu thuyền, ngư lưới cụ phù hợp với từng loại ngư trường, thành lập các tổ tự quản bến bãi, các đội sản xuất để giúp nhau làm ăn trên biển, vươn khơi đánh bắt xa bờ ở các ngư trường chủ yếu là đảo Cồn Cỏ, quần đảo Hoàng Sa.
Thực tế cho thấy muốn khai thác hải sản có hiệu quả trước hết cần phải có những ngư dân dày dạn kinh nghiệm, có năng lực, ý chí quyết tâm, sau đó là phương tiện tàu thuyền, hệ thống thông tin liên lạc, máy tầm ngư tốt, ngư lưới cụ hiện đại. Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính với nhiều chính sách ưu đãi, khuyến khích khát vọng vươn ra khơi xa của ngư dân. Theo đó, nhiều chủ tàu ở thị trấn Cửa Việt và các địa phương khác trên toàn huyện Gio Linh đã đăng ký vay vốn theo Nghị định 67 để đóng tàu vỏ sắt, tàu dịch vụ hậu cần.
Bên cạnh việc đẩy mạnh khai thác hải sản thì ở thị trấn Cửa Việt hiện có gần 50 lò hấp cá, mỗi năm chế biến từ 10.000-15.000 tấn cá, có ngày người dân đưa vào chế biến 200-300 tấn cá nguyên liệu. Loại cá được hấp, phơi chủ yếu là cá nục, cá cơm. Do đó, nếu hình thành một hệ thống khai thác, chế biến thủy hải sản hiện đại, công suất lớn và liên hoàn thì sẽ có những tác động tương hỗ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Bởi trong xu thế hiện nay với những yêu cầu ngặt nghèo về chất lượng sản phẩm đòi hỏi nền kinh tế biển phải phát triển với tốc độ, quy mô và chất lượng cao hơn; phương tiện ngư cụ và trình độ đánh bắt phải hiện đại hóa và không ngừng được nâng cao mới phù hợp với ngư trường đánh bắt và những biến động về thời tiết ngày càng khắc nghiệt cũng như các quy định ngặt nghèo về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm của các nước nhập khẩu mặt hàng thủy sản của nước ta.
Như vậy, Nhà nước cần có chính sách ưu đãi gắn với cơ chế phù hợp để đầu tư cho các tàu xa bờ, giúp ngư dân có điều kiện mua sắm thêm các trang thiết bị, ngư lưới cụ hiện đại, đáp ứng yêu cầu đánh bắt ở các ngư trường khơi xa. Có như vậy mới đảm bảo được sự hỗ trợ nhằm đánh thức khát vọng làm chủ biển khơi của những ngư dân vùng biển.
Hải Tiến