(TNNN) – Đợt không khí lạnh tăng cường vừa qua tạo nên hiện tượng bất thường mưa tuyết ở một số tỉnh miền núi phía Bắc đã gây thiệt hại lớn cho sản xuất nông nghiệp của người dân và còn có ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình giao thông nói chung.
|
Hình ảnh ở Cao Bằng- Hiện tượng băng tuyết bất thường làm cho nhiều diện tích trồng cây dược liệu của nông dân bị hỏng |
Tại các tỉnh như Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái, Lạng Sơn… có tới hàng trăm ha cây nông nghiệp đã bị vùi lấp dưới lớp tuyết và băng giá. Mặc dù người dân nơi đây đã được các phương tiện truyền thông và chính quyền sở tại cảnh báo và lên phương án chuẩn bị phòng tránh; tuy nhiên, do thời tiết quá khắc nghiệt, đàn gia súc ở các vùng cao cũng chịu nhiều thiệt hại và tổn thất.
Theo các phương tiện truyền thông liên tục cập nhật mấy ngày gần đây cho thấy, đợt không khí lạnh tăng cường mạnh này đã tạo nên chuỗi ngày rét đậm rét hại tại các tỉnh thành phía Bắc. Nhiều địa phương, nhiệt độ liên tục giảm dưới 0 độ C, một số tỉnh thành thậm chí đã bị tuyết phủ kín gây cản trở giao thông và thiệt hại nặng nề về nông nghiệp.
Không khí lạnh với cường độ mạnh kéo dài suốt gần một tuần khiến cho nhiệt độ giảm sâu. Tại Sa Pa xuất hiện băng giá khá dày, trời rét hại đến rét hại nặng, nhiệt độ phổ biến chỉ từ 1- 5 độ C gây ảnh hưởng nặng nề đến đời sống của người dân, nhất là đối với những hộ chăn nuôi gia súc.
Tính từ 0h30 sáng 24/01, tuyết bắt đầu rơi, phủ kín cây cối, nhà cửa ở thị trấn Sa Pa và xã Y Tý- huyện Bát Xát, Lào Cai. Nhiệt độ xuống thấp khiến tuyết xuất hiện ở cả huyện Ba Vì của thành phố Hà Nội, Tam Đảo của Vĩnh Phúc và Bình Liêu tỉnh Quảng Ninh. Có tới 24 tỉnh miền Bắc và ba tỉnh Bắc Trung Bộ nền nhiệt độ đồng loạt xuống dưới 8 độ C. Đây được đánh giá là mức nhiệt thấp nhất trong suốt 40 năm qua.
Cơ quan khí tượng đo đạc và ghi nhận, lúc 6h sáng ngày 24/01, nhiệt độ nhiều khu vực miền núi đã xuống dưới 0 độ C. Trong đó, rét nhất là ở Mẫu Sơn- Lạng Sơn chỉ có -4 độ C, kế đó Sa Pa- Lào Cai -2 độ C, Tam Đảo- Vĩnh Phúc -0,4 và Đồng Văn- Hà Giang là -0,2 độ C.
Cho đến thời điểm 6h sáng ngày 25/01, nhiệt độ ở các tỉnh, thành miền Bắc và 3 tỉnh Bắc Trung Bộ đều đã giảm xuống dưới 8 độ C. Ở những điểm núi cao, tuyết đã ngừng rơi, mưa cũng dần tạnh, tuy nhiên băng tuyết vẫn đóng rất dày trên mái nhà, mặt đất. Nhiều khu vực ở miền Bắc xảy ra rét đậm, rét hại, một số địa phương còn có hiện tượng rét kỷ lục từ -4 độ đến 0 độ C như: Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Lạng Sơn, Hà Giang, Vĩnh Phúc.
Để ứng phó với đợt rét hại kỷ lục này, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đã thường xuyên liên hệ, đôn đốc các địa phương triển khai các biện pháp phòng tránh rét, đặc biệt là đối với người và gia súc. Đồng thời theo dõi chặt chẽ và chuyển kịp thời các bản tin về gió mùa Đông Bắc, tình hình thời tiết rét đậm, rét hại và gió mạnh trên biển cho các địa phương để chủ động trong việc phòng, tránh rét.
Theo ước tính sơ bộ của Sở Nông nghiệp & PTNT Lào Cai, tính đến ngày 25/01 đã có 93 con trâu, bò bị chết rét, trên 1.000 ha hoa màu, dược liệu đang bị ngâm trong tuyết. Đã có hơn 10.000 ha rừng bị phủ trắng tuyết ở vườn Quốc gia Hoàng Liên Sơn. Ở khu vực như Y Tý, Bát Xát có tới 900 ha rừng vừa được trồng mới năm 2015 đang có nguy cơ chết khô vì tuyết.
Nhìn tuyết rơi, nhiều người dân buồn bã vì hoa màu chết cóng, gia súc cũng khó tránh khỏi. Trận tuyết của tháng 12/2013 đã làm chết rừng thảo quả, nhiều gia súc cũng không sống nổi. Hơn 10 năm trước, người dân Y Tý vui mừng vì dự án trồng thảo quả mang lại hy vọng thoát nghèo. Nhiệt độ nơi đây quanh năm lạnh hơn những vùng khác, đất đai cằn cỗi, diện tích canh tác lại ít. Để có được vụ thu hoạch đầu tiên, đồng bào nơi đây phải phát quang từng vạt cỏ, ươm cây mất 3 năm mới có được cây non mang đi trồng, rồi phải mất thêm 3 năm nữa cây mới lớn để cho thu hoạch. Vậy mà, hy vọng thoát nghèo của người dân cứ đang ngày một vơi khi cách vài năm lại có tuyết.
Còn nhớ trong đợt rét cuối tháng 12 năm 2014, tỉnh Lào Cai cũng đã xảy ra thiệt hại ước tính lên tới hơn 35 tỷ đồng. Trong đó, huyện Sapa bị nặng nhất, thiệt hại gần 19 tỷ đồng với hơn 131 con gia súc chết, 80 ha cây su su và 20.000 chậu hoa cúc bị hỏng.
Trận mưa tuyết xảy ra vào ngày 24/01 đã gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh miền núi phía Bắc. Theo ông Nguyễn Anh Tuấn- Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh Lào Cai đánh giá: Đây là đợt rét lịch sử, gây thiệt hại cho tỉnh Lào Cai lớn nhất từ trước đến nay. Nếu tình trạng thời tiết mức âm độ còn tiếp diễn, trâu bò, hoa màu dự báo sẽ còn bị chết nhiều hơn nữa.
Ông Tuấn cho hay, đến nay thiệt hại ở Lào Cai do rét đậm, rét hại, mưa tuyết đã lên đến hơn 20 tỷ đồng. Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh Lào Cai cũng đã yêu cầu các huyện, thị xã tuyên truyền tới người dân chủ động trong việc phòng tránh rét, đảm bảo che chắn tránh rét cho đàn gia súc, gia cầm vật nuôi trong nhà; chuẩn bị đủ thức ăn cho gia súc và đốt lửa sưởi cho gia súc trong những ngày nhiệt độ xuống quá thấp; tuyệt đối không thả rông gia súc…
Ngoài tỉnh Lào Cai, trận rét đậm cũng gây thiệt hại lớn cho bà con nông dân ở tỉnh Yên Bái. Tính đến 19h giờ ngày 24/01, ở tỉnh Yên Bái nhiệt độ tại huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Văn Chấn đã xuống tới mức -1 đến - 3 độ C khiến cho 8 con trâu, bò, dê của người dân đã bị chết. Tuyết còn phủ kín tuyến Quốc lộ 32 đoạn qua đèo Khau Phạ- tỉnh Yên Bái khiến cho toàn bộ các phương tiện giao thông qua khu vực này phải nằm chờ. Người dân đi đường thậm chí đã phải cuốn thêm chăn bông và mặc áo mưa để chống chọi với cái rét. Nhiều diện tích lúa, rau mầu được che phủ ni-lông cũng đã bị tuyết phủ kín.
Trước những diễn biến bất thường của thời tiết, thực hiện chỉ đạo từ Trung ương, UBND các tỉnh miền núi phía Bắc đã chỉ đạo tới các cấp các ngành quyết liệt triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống rét cho người, cây trồng và vật nuôi.
Tỉnh Lào Cai đã thành lập được 117 tổ công tác trực tiếp xuống thôn bản, tổ dân phố tiến hành vận động, hướng dẫn nhân dân thực hiện các biện pháp phòng chống. Toàn tỉnh đã tổ chức di chuyển được 1.084 con trâu của 463 hộ xuống các vùng thấp có khí hậu ấm hơn để tránh rét.
Tại Quảng Ninh, nhiệt độ hiện tại cũng xuống rất thấp, đặc biệt là ở các địa phương có địa hình vùng núi cao như các huyện: Bình Liêu, Ba Chẽ, thành phố Uống Bí… Nhiệt độ tại Chùa Đồng- Yên Tử, TP Uông Bí có lúc đã xuống tới -5 độ C, hệ thống cáp treo tạm ngừng không hoạt động được vì gió mạnh. Trên các dãy núi cao của huyện Bình Liêu như Cao Xiêm, Cao Ly cũng đã xuất hiện băng tuyết phủ dày đặc.
Theo báo cáo nhanh của UBND tỉnh Quảng Ninh, trên địa bàn toàn tỉnh đã có 30 con gia súc như dê, bò, nghé bị chết rét. Trước đó, các đoàn công tác của tỉnh đã đi kiểm tra, hướng dẫn và chỉ đạo công tác phòng chống, rét cho cây trồng, vật nuôi trong đợt rét đậm, rét hại này.
Nhận định về đợt rét đậm, rét hại đang diễn ra trên diện rộng ở khu vực Bắc bộ và đang lan dần xuống Trung bộ, chiều 24-1, ông Lê Thanh Hải- Phó Tổng giám đốc Trung tâm Khí tượng- thủy văn Quốc gia cho biết: Đợt rét ở miền Bắc trong những ngày qua là hiện tượng thời tiết cực đoan, hiếm gặp trong một mùa đông được nhận định là “mùa đông ấm” do ảnh hưởng của El Nino.
Thông tin thêm về đợt rét hại diện rộng này, ông Hải cho biết, tình trạng rét hại kèm theo băng tuyết sẽ kéo dài đến hết ngày 27-01, sau đó băng giá chỉ còn xuất hiện tại một số điểm vùng cao. Tuy nhiên, tình trạng rét hại kèm theo sương muối sẽ còn duy trì đến hết tuần này (tức hết tháng 1- 2016) sau đó không khí lạnh mới dần suy yếu, nền nhiệt bắt đầu tăng dần chuyển sang trạng thái rét đậm ở khu vực đồng bằng và trung du, còn vùng núi cao vẫn duy trì rét hại. Đợt rét này được các chuyên gia nhận định là có cường độ mạnh nhất của mùa đông năm 2015- 2016.