Xuất khẩu rau quả: Mừng mà lo!
15:23 - 16/02/2016
Ông Đinh Cao Khuê, Tổng GĐ Cty Cổ phần Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao (Doveco) cho biết, từ ra Tết đến nay, mặt hàng dứa cô đặc tiếp tục có nhiều tín hiệu sáng khi tình hình XK rất suôn sẻ.
Nhiều DN cho rằng, đầu tư cho xúc tiến thương mại mặt hàng rau quả cũng là mặt yếu chưa được chú trọng thời gian qua

Ngay đầu xuân, XK rau quả đã hối hả vào guồng. Các DN vui mừng bởi các đơn hàng dồn dập đổ về. Tuy nhiên, điều lo lắng nhất vẫn là vấn đề nguyên liệu, nhất là trong bối cảnh thời tiết ngày càng cực đoan.

Tại phía Bắc, mặc dù số lượng các DN chế biến, XK trong lĩnh vực rau quả còn rất hạn chế, tuy nhiên ngay những ngày đầu xuân mới, các DN cũng đã bắt đầu khởi động bằng nhiều đơn hàng lớn.

Ông Đinh Cao Khuê, Tổng GĐ Cty Cổ phần Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao (Doveco) cho biết, từ ra Tết đến nay, mặt hàng dứa cô đặc tiếp tục có nhiều tín hiệu sáng khi tình hình XK rất suôn sẻ. Chỉ tính từ mùng một Tết đến nay, hơn 10 container dứa cô đặc đã được XK sang các bạn hàng truyền thống như Nhật Bản, EU, Mỹ…

Bên cạnh đó, các mặt hàng nông sản chế biến truyền thống của Cty này như ngô ngọt chế biến, dưa chuột bao tử, vải thiều… liên tục giữ tốc độ XK ổn định sang Đông Âu, EU. Trong đó, sản phẩm nước chanh leo XK liên tục tăng về nhu cầu và giá.

Hiện Doveco vẫn đang thu mua chanh leo ổn định cho nông dân với giá 15.000 đ/kg, cao gấp 3 lần trước đây nhưng vẫn không đủ nguyên liệu để chế biến XK. Trước tình hình đó, gần đây, Doveco đã phải chuyển hướng đầu tư vùng nguyên liệu chanh leo vào khu vực Tây Nguyên, nhất là Lâm Đồng.

Một mặt hàng mới và rất triển vọng mà Doveco cho biết đang kỳ vọng sẽ có bước đột phá XK trong năm nay đó là nước mơ chế biến. Hiện Cty này đã ký kết hợp đồng và lên kế hoạch thu mua khoảng 3 - 4 nghìn tấn mơ (so với khoảng 1 nghìn tấn năm trước) của bà con các tỉnh vùng miền núi phía Bắc để XK sang thị trường Nhật Bản trong thời gian tới.

Cũng như Doveco, ông Phan Văn Thường, GĐ Cty Cổ phần Chế biến thực phẩm XK G.O.C (Cty G.O.C, Bắc Giang) phấn khởi tiết lộ: Ngay sau Tết, toàn bộ hơn 500 công nhân của Cty đã trở lại làm việc. Hiện các hợp đồng XK trong năm 2016 đã dày đặc. Các sản phẩm nông sản chế biến của Cty khá đa dạng như rau quả đóng hộp, nông sản, thủy hải sản... XK sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, Mỹ, Canada, EU, Trung Đông, Nga, Đông Âu.

Đánh giá về triển vọng thị trường rau quả XK trong năm 2016, ông Phan Văn Thường cho rằng, mặc dù XK nhiều mặt hàng nông sản khác sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong năm 2016, tuy nhiên, XK rau quả nhiều khả năng vẫn có thể giữ được mức tăng trưởng ở mức rất cao, thậm chí từ 30 - 40%.

Trong đó, các sản phẩm rau quả chế biến sâu đang ngày càng có triển vọng thị trường, đồng thời đây cũng là xu hướng mà ngành rau quả Việt Nam cần phải hướng tới. Bởi chế biến sâu sẽ bớt đi nhiều rào cản về kiểm dịch và hàng rào ATTP, nhất là có thể nâng giá trị gia tăng tối đa, giúp tăng lợi nhuận để tái đầu tư cho nông dân SX.

Theo ông Thường, các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, EU sẽ vẫn là các triển vọng nhất đối với mặt hàng rau quả chế biến sâu, nhất là trong bối cảnh Hiệp định TPP đã có hiệu lực, giúp sức cạnh tranh của rau quả Việt Nam càng được cải thiện.

Ngay đầu năm 2016, nhiều đối tác từ Mỹ đã ký hợp đồng NK các sản phẩm như ớt, dưa chuột chế biến với số lượng khổng lồ từ 300 - 500 container/đơn hàng. Một số DN Nhật cũng đã có hợp đồng với Cty G.O.C hàng trăm container sản phẩm măng, ớt chế biến đóng hộp. Đơn hàng nhiều, cũng là điều khiến các DN chế biến rau quả như Cty G.O.C hết sức lo lắng về vấn đề nguyên liệu.

“Các mặt hàng như ớt, măng, dưa… chế biến bao nhiêu đối tác cũng mua hết, nhưng làm thế nào để có nguồn nguyên liệu ổn định đang là vấn đề đau đầu.

Từ tháng 4 đến tháng 10 hàng năm SX rau ở miền Bắc rất yên tâm. Nhưng chỉ một đợt rét đậm, rét hại gần Tết Bính Thân, đã khiến hàng trăm ha ớt cay của Cty G.O.C liên kết SX với nông dân tại các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang, Lạng Sơn chết hoàn toàn, phải trồng lại, trong khi đơn hàng với đối tác yêu cầu liên tục ổn định”, ông Thường ái ngại.

Theo vị này, để có nguồn nguyên liệu ổn định, một DN như Cty G.OC phải cần ít nhất khoảng 50ha rau trong nhà kính, nhà lưới. Tuy nhiên với suất đầu tư tới khoảng 5 tỉ đồng/ha, đây là điều không hề đơn giản với những DN trong ngành chế biến rau quả vốn tiềm lực còn rất eo hẹp.

Vì vậy, hiện Cty chỉ đang thí điểm xây dựng khoảng 1.000m2 nhà kính SX rau các loại, với mục tiêu đạt 50% sản lượng nguyên liệu được SX ổn định trong nhà kính, nhà lưới.

Theo Bộ Công thương, tháng 1/2016, kim ngạch XK nhóm hàng nông, lâm, thủy sản ước đạt 1,77 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2015 và chiếm tỷ trọng 13% trong tổng kim ngạch XK hàng hóa cả nước, trong đó rau quả tiếp tục là nhóm hàng có mức tăng trưởng ấn tượng với 32,3%, gạo tăng 62,2%, trong khi một số mặt hàng kim ngạch XK giảm như hạt tiêu giảm 23,7%, sắn và các sản phẩm từ sắn giảm 15,6%.

 

LÊ BỀN
Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo