Ngày 25/1, Đoàn công tác do Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam dẫn đầu về khảo sát tình hình SX nông nghiệp tại tỉnh Sóc Trăng liên quan đến việc thực hiện các Nghị định số 210/2013/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp...
|
Thứ Trưởng Trần Thành Nam làm việc tại tỉnh Sóc Trăng |
Ngày 25/1, Đoàn công tác do Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam dẫn đầu về khảo sát tình hình SX nông nghiệp tại tỉnh Sóc Trăng liên quan đến việc thực hiện các Nghị định số 210/2013/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và Quyết định 62/2013/QĐ-TTg về Chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết SX gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn…
Liên quan Nghị định 210, ông Phạm Tiến Hải - Phó Giám đốc Sở KH- ĐT tư Sóc Trăng cho biết, Sở đã trình tỉnh 3 lần nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc. Lý do, các chính sách đặc thù theo quy định của nghị định vẫn chưa thể áp dụng được do 3 thông tư hướng dẫn của các Bộ KH- ĐT, Bộ Tài chính và Bộ NN-PTNT có nhiều điểm chưa thống nhất.
Vì vậy, thực hiện tốt nghị định này, các Bộ cần ban hành một thông tư liên tịch nhằm thống nhất các vấn đề cần thực hiện.
Một cái vướng khác của Nghị định 210 là việc quy định quy mô đầu tư. Cụ thể qui định quy mô dự án theo nghị định là quá lớn, trong khi đa số DN ở Sóc Trăng nói riêng và ĐBSCL nói chung là DN nhỏ và vừa, đất đai manh mún, nhỏ lẻ.
Ví như năm 2015, tỉnh Sóc Trăng cấp chứng nhận đầu tư một dự án theo Nghị định 210, nhưng chỉ dừng lại ở việc ưu đãi về thuế và đất đai, còn các chính sách ưu đãi đặc thù khác thì không thể triển khai được.
Vừa rồi, một số DN có tờ trình xin hưởng theo Nghị định 210, nhưng tỉnh chưa thể giải quyết do nghị định chỉ qui định nuôi tập trung, còn quy mô như thế nào chưa rõ ràng.
Tương tự, Quyết định 62 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết SX với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn còn không ít vướng mắc.
TS Trần Đình Luân - Phó Giám đốc Sở NN- PTNT Sóc Trăng cho biết, Quyết định 62 nhiều nội dung không liên quan đến thủy sản, nhất là con tôm, trong khi đây là vấn đề liên quan rất lớn đến các tỉnh ĐBSCL. Tỉnh đã tổ chức được các mô hình hợp tác, như HTX, tổ hợp tác nhưng các DN tham gia dè dặt.
TS Trần Đình Luân đề xuất cần bổ sung nội dung thủy sản vào Quyết định 62 để DN mạnh dạn hơn khi tham gia. Đối với bảo hiểm thủy sản nói chung và con tôm nói riêng người nuôi vẫn có nhu cầu lớn cần được tiếp tục triển khai.
Tuy nhiên khi triển khai nên gắn với tái cơ cấu, chú ý các mô hình tổ hợp tác, HTX, DN hay những hộ nuôi có liên kết với DN và thực hiện đúng quy trình kỹ thuật. Cần có bên thứ 3 trong việc giám sát, kết luận nguyên nhân thiệt hại, đặc biệt là phải có chuẩn về suất đầu tư cho từng mô hình.
Liên quan đề nghị tạm dừng thí điểm bảo hiểm thủy sản, ông Hoàng Văn Cuông - Phó Giám đốc Sở Tài chính giải thích, vấn đề chính là độ rủi ro quá cao, nên không có công ty nào nhận tái bảo hiểm. Việc tiếp tục triển khai bảo hiểm thủy sản là cần thiết, nhưng cần có cơ sở pháp lý cụ thể hơn.
Đối với Nghị định 210, ông Cuông nói: “Vấn đề chính là sự rắc rối trong cơ chế, chính sách quản lý đất đai. DN đầu tư vào nông nghiệp luôn muốn được giao (hoặc thuê) nhiều đất đai để áp dụng khoa học- công nghệ mới, nhưng đất đai thì nhỏ lẻ, manh mún không đủ đáp ứng yêu cầu này. Đã thế còn quy định quy mô dự án quá lớn".
Lý giải về con số bồi thường bảo hiểm con tôm cao gần 3 lần so với phí bảo hiệm thực thu, Ths Quách Thị Thanh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản Sóc Trăng, phân tích thời điểm triển khai lần đầu năm 2012 đúng lúc đỉnh điểm khó khăn do dịch bệnh EMS, nên diện tích thiệt hại cao.
Ngoài ra, số tiền bồi thường cao còn do các văn bản quy định chưa thật sự hoàn chỉnh, nhiều kẽ hở, tạo điều kiện cho một số cá nhân trục lợi từ chính sách này. Đến năm 2013, khi tỉnh ban hành các văn bản sát với thực tế hơn, số bồi thường đã giảm đáng kể.
Do đó, nếu chúng ta hoàn thiện các văn bản, nhất là có thêm quy định đánh mã số vùng như con cá tra trong Nghị định 210 sẽ kiểm soát sẽ chặt chẽ hơn, giúp việc thực hiện bảo hiểm tốt hơn.
Liên quan Nghị định 210, bà Bình cho rằng, nghị định hầu như không có chính sách hỗ trợ nào cho DN đầu tư vào thủy sản, trong khi đây lại là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn ở ĐBSCL.
Giám đốc Sở NN-PTNT Sóc Trăng Lương Minh Quyết, đề xuất tiếp tục thực hiện bảo hiểm thủy sản vì liên quan rất nhiều đến việc phát triển kinh tế hợp tác, tạo liên kết SX với tiêu thụ, nếu được bảo hiểm các DN sẽ mạnh dạn hơn khi tham gia đầu tư hoặc liên kết với nông dân. Những vướng mắc vừa qua chủ yếu ở con người, dù cơ chế chính sách vẫn còn một số điều chưa hoàn chỉnh.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh, vấn đề bảo hiểm, cần đánh giá kỹ lại những thuận lợi, khó khăn vì đây cũng là bước chuẩn bị cho tái cơ cấu SX, chuẩn bị tiến tới hội nhập với các nước, khu vực. Vì vậy tỉnh cần có quan điểm cụ thể là có nên tiếp tục bảo hiểm hay không, nên tiếp tục thì phải thực hiện như thế nào? Cần rà soát lại những gì chưa hợp lý, những gì cần kiến nghị sửa đổi, bổ sung, gửi về Bộ để tổng hợp.
Về Quyết định 62, Bộ đang trình phương án hỗ trợ các HTX về trụ sở, khoa học- công nghệ, xúc tiến thương mại, nguồn nhân lực và phân định rạch ròi chức năng quản lý hợp tác của ngành nông nghiệp. HTX phải là trục nối giữa đầu vào với đầu ra, nhằm tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm và tăng hiệu quả SX cho các xã viên.
|