Hà Nội: Tạo cơ hội để nông dân bắt tay cùng doanh nghiệp
16:01 - 12/01/2016
 Với lợi thế có vùng sản xuất nông nghiệp rộng, thị trường tiêu thụ rộng lớn, Hà Nội đang tập trung vào triển khai tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng liên kết theo chuỗi, bằng cách tạo điều kiện để người nông dân và doanh nghiệp bắt tay với nhau.

Nhãn muộn Hoài Đức đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.

Xây dựng được nhiều thương hiệu nông sản

Theo thống kê của Sở NNPTNT Hà Nội, diện tích gieo trồng nông nghiệp hàng năm của thành phố hiện vẫn còn khoảng 200.000ha, một con số lớn so với nhiều địa phương khác. Năm 2015, tình hình thời tiết khí hậu, thủy văn có nhiều biến động do ảnh hưởng của hiện tượng El Nilno, nhưng tổng giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp vẫn tăng 6,59% so với năm 2014, ước đạt 45.190 tỷ đồng (giá thực tế). Giá trị sản phẩm nông nghiệp thu hoạch trên 1ha đất nông nghiệp ước đạt 233 triệu đồng/ha, tăng hơn 2 triệu đồng so với năm 2014 và tăng 1,24 lần so với năm 2010.

Đáng chú ý, năm 2015 là năm cuối thực hiện nhiều chương trình, đề án quan trọng về phát triển nông nghiệp trên địa bàn thành phố như: Đề án sản xuất và tiêu thụ rau an toàn, chương trình sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao, đề án cây ăn quả chất lượng cao, chương trình phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm…

Đến hết năm 2015, toàn thành phố đã xây dựng vùng rau an toàn tập trung với tổng diện tích hơn 2.000ha, đồng thời rà soát, xác định, thẩm định cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm trong sản xuất rau cho 5.000ha. Giá trị sản xuất rau đạt 300 - 500 triệu đồng/ha/năm, trong đó có 1.200ha đạt 1 tỷ đồng/ha/năm.

Đối với sản xuất lúa hàng hóa, sau 5 năm thực hiện chương trình, tổng diện tích các vùng lúa chất lượng cao trên toàn thành phố đạt gần 28.000ha với 120 mô hình cánh đồng mẫu lớn tại 86 HTX nông nghiệp.

Trong đó tiêu biểu là cánh đồng sản xuất lúa chất lượng cao với quy mô hàng ngàn ha tại Ứng Hòa (trên 3.300ha), Đông Anh (gần 3.000ha), huyện Thanh Oai, Phúc Thọ... Trên cơ sở đó, 3 nhãn hiệu tập thể gạo chất lượng cao gồm Gạo Bồ Nâu (xã Thanh Văn, Thanh Oai), Gạo thơm Bối Khê (xã Tam Hưng, Thanh Oai), Gạo nếp cái hoa vàng Sóc Sơn đã ra đời và từng bước định hình chỗ đứng trên thị trường.

Một lĩnh vực cũng có bước tiến đáng kể trong năm qua là nhóm cây ăn quả. Năm 2015, diện tích trồng cây ăn quả trên địa bàn thành phố đạt hơn 20.000ha, tăng 6,69% so với cùng kỳ năm trước. Chương trình phát triển cây ăn quả đã xây dựng được 3 mô hình cây ăn quả giá trị kinh tế cao với diện tích 37ha tại 2 huyện Chương Mỹ, Hoài Đức. Trong đó có 7ha thâm canh bưởi Diễn và 30ha thâm canh nhãn chín muộn theo quy trình VietGAP.

Tuy nhiên, đánh giá về sản xuất nông nghiệp của Hà Nội, ông Trịnh Thế Khiết- Chủ tịch Hội Nông dân TP.Hà Nội cho rằng: “Nông dân còn gặp rất nhiều khó khăn do cơ sở sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, liên kết giữa các hộ nông dân chưa được bền vững, vẫn còn tình trạng mạnh ai nấy làm. Bên cạnh đó, nhiều nông dân chưa chú trọng đến khâu bảo quản, chế biến nông sản và sản phẩm làm ra khó tiêu thụ”.

Cũng theo ông Khiết, hiện nguồn vốn đầu tư cho các cơ sở sản xuất còn hạn chế, trong khi số lượng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp rất khiêm tốn. Ngoài ra, tình trạng ô nhiễm môi trường đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc sản xuất của nông dân.

Sẽ tăng cường liên kết theo chuỗi

"Trong định hướng tái cơ cấu nông nghiệp Thủ đô, sản phẩm trồng trọt là lúa hàng hóa chất lượng cao, hoa, rau an toàn, cây ăn quả, cây cảnh, còn trong chăn nuôi tập trung vào gia cầm, lợn, bò thịt và bò sữa”.

Ông Chu Phú Mỹ  - Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội 

 

 

Một trong những chiến lược mà Hà Nội đang đề ra trong tái cơ cấu nông nghiệp là tiến hành xây dựng các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi. Chỉ tính trong năm 2015, Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội đã tư vấn xây dựng được 3 chuỗi liên kết chăn nuôi – tiêu thụ thịt lợn an toàn nuôi bằng thức ăn sinh học tại xã Thọ Lộc (huyện Phúc Thọ), Cấn Hữu (huyện Quốc Oai) và Vân Tảo (huyện Thường Tín). Như vậy, tính đến nay, toàn thành phố đã xây dựng được 21 chuỗi liên kết chăn nuôi - tiêu thụ sản phẩm gia cầm, thịt lợn, bò sữa và trứng.

Một số sản phẩm của chuỗi đã tạo được uy tín và được nhiều người tiêu dùng biết đến như trứng gà Tiên Viên, trứng gà 729, thịt lợn hữu cơ Bảo Châu, thịt lợn sinh học...

Ông Tạ Văn Tường – Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội chia sẻ, điều đáng mừng là các chuỗi đã có sự vào cuộc của doanh nghiệp nhằm ký kết các hợp đồng tiêu thụ, phân phối sản phẩm ngay tại địa phương hoặc bán tại các cửa hàng tiện ích, cửa hàng thực phẩm an toàn ở các quận nội thành. Tổng sản lượng sản phẩm của các chuỗi liên kết chăn nuôi – tiêu thụ sản xuất ra trong năm 2015 đạt 4.500 tấn thịt lợn, 3.100 tấn thịt gia cầm, 140 triệu quả trứng gia cầm và 29.000 tấn sữa tươi.

Phó Giám đốc Sở NNPTNT Nguyễn Huy Đăng khẳng định, sản xuất nông nghiệp muốn bền vững phải đảm bảo được đầu ra và muốn đầu ra tốt thì sản phẩm phải an toàn, chất lượng. Do đó, việc đảm bảo an toàn thực phẩm sẽ là lĩnh vực ưu tiên mũi nhọn của thành phố trong các giai đoạn tiếp theo.

Ông Trịnh Thế Khiết thì cho rằng, muốn tháo gỡ được khó khăn, phải giúp nông dân liên kết với các nhà khoa học để giúp chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm giảm chi phí sản xuất và nâng chất lượng sản phẩm nông sản. Đồng thời, nông dân cần phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức lại sản xuất, qua đó giúp tăng năng suất lao động, cải tiến chất lượng, mẫu mã của sản phẩm... 

Nguồn: danviet
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo