Nắng, hạn sẽ khốc liệt
13:45 - 11/01/2016
Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương cảnh báo, mặc dù năm 2015 đã ghi nhận những kỷ lục về nắng hạn, tuy nhiên nửa đầu năm 2016, nắng hạn sẽ còn khốc liệt hơn nữa.

 

Tình hình hạn hán sẽ còn vô cùng khốc liệt từ nay tới giữa năm 2016

Trên cả kỷ lục

Tại hội nghị BCĐ Quốc gia về Phòng chống thiên tai do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì cuối tuần qua, Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương đã đưa ra nhiều cảnh báo về tình hình nắng hạn gay gắt sẽ tiếp tục diễn ra từ nay đến giữa năm 2016.

Theo ông Hoàng Đức Cường, GĐ Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương, đến thời điểm này, hiện tượng El Nino ảnh hưởng đến nước ta đã ghi nhận cường độ mạnh và kéo dài kỷ lục so với năm kỷ lục 1997, và vẫn còn có khả năng kéo dài nhất trong lịch sử ngành KTTV thế giới ghi nhận được.
 

Do ảnh hưởng của El Nino, mùa đông 2015 - 2016 ở miền Bắc có khả năng chấm dứt sớm. Nắng nóng có khả năng đến sớm hơn trung bình nhiều năm (TBNN) ở khu vực Tây Bắc, Trung bộ. Trong đó, sẽ tiếp tục ghi nhận những đợt nắng nóng sớm, với nhiệt độ thậm chí còn khủng khiếp hơn cả những đợt nắng nóng kỷ lục từng ghi nhận trong năm 2015.
 

Trung bộ, Tây Nguyên và Nam bộ sẽ là những vùng tiếp tục chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của El Nino khi lượng mưa được dự báo sẽ tụt giảm so với TBNN từ 30 - 50%. Từ nay đến cuối tháng 5/2016, dòng chảy trên các sông ở Trung Bộ và Tây Nguyên sẽ tiếp tục giảm mạnh, trong đó các sông vùng Bắc Trung bộ thấp hơn TBNN từ 50 - 70%; Trung và Nam Trung bộ, Tây Nguyên từ 60 - 80%, có nơi trên 80% so với TBNN.
 

Tại ĐBSCL, dòng chảy trên sông Mê Kông có khả năng thấp hơn TBNN từ 20 - 40%. Trên sông Tiền, sông Hậu từ nay đến cuối tháng 5/2016, độ mặn 4‰ có thể xâm nhập sâu vào đất liền từ 50 - 60km, có nơi 70km tính từ cửa sông.

“Hạn hán, xâm nhập mặn trên diện rộng khắp Trung Bộ, Tây Nguyên và ĐBSCL sẽ còn khốc liệt hơn cả những kỷ lục đã ghi nhận trong năm 2015”, ông Cường nhấn mạnh.
 

Cũng theo ông Cường, do ảnh hưởng của El Nino nên giai đoạn đầu mùa mưa bão năm 2016, số lượng các cơn bão, áp thấp nhiệt đới trên biển cũng như ảnh hưởng tới nước ta có khả năng ít hơn TBNN. Tuy nhiên, đến giữ năm 2016, hiện tượng El Nino có khả năng sẽ chấm dứt. Vì vậy giai đoạn cuối mùa mưa bão năm 2016, số lượng các cơn bão, trong đó có bão mạnh có nguy cơ diễn biến bất thường, gia tăng hơn TBNN và có chiều hướng phức tạp, khó lường.
 

Tuyên truyền phải đặt hàng đầu

Chỉ đạo phương hướng ứng phó với thiên tai cho giai đoạn tới, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải lưu ý, tình hình thiên tai hiện nay đang có những thay đổi khó lường. Mặc dù giai đoạn 2011 - 2015, nước ta đã giảm được tới 53% số người chết và mất tích do bão lụt, nhưng nguyên nhân thiệt hại về người lại đang có sự thay đổi.
 

Thay vì thiệt hại về người chủ yếu do bão như trước đây, 16% số người chết và mất tích giai đoạn vừa qua là do lũ quét và sạt lở đất, tới trên 62% số người chết và mất tích là do mưa lũ sau bão. Bên cạnh đó, nhiều loại hình thiên tai mới như động đất, sóng thần, hỏa hoạn, phóng xạ… cũng đang ngày càng gia tăng và có nguy cơ cao.

Vì vậy, Phó Thủ tướng đề nghị BCĐ Quốc gia về Phòng chống thiên tai, phối hợp với các bộ ngành, địa phương phải rà soát lại cơ cấu thiệt hại, bổ sung các loại hình thiên tai mới để có phương án ứng phó. Đối với các địa phương thường xuyên để xẩy ra thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản do mưa lũ sau bão thời gian qua, phải có báo cáo chi tiết trình BCĐ Quốc gia về Phòng chống thiên tai nhằm phân tích nguyên nhân và phương án khắc phục trong những năm tới.
 

“Không cớ gì cùng ảnh hưởng mưa lũ như nhau, trong khi địa phương này không bị thiệt hại, thì địa phương kia lại bị nặng nề. Vì vậy phải mổ xẻ được nguyên nhân để có giải pháp”, Phó Thủ tướng lưu ý.

Phó Thủ tướng đánh giá, thời gian qua, sự hiệu quả trong phòng chống thiên tai nhờ làm công tác tuyên truyền là yếu tố rất quan trọng. Vì vậy giai đoạn tới, công tác tuyên truyền vẫn phải đặt trọng tâm hàng đầu, để làm sao từng người dân, từng thôn xóm phải nắm và ý thức được nguy cơ, hành động cụ thể khi xảy ra thiên tai. Để làm được điều này, các địa phương trên cơ sở rà soát lại các loại hình thiên tai điển hình ở từng địa bàn, phải có các cẩm nang đối phó trang bị tới từng thôn xóm, người dân.
 

“Nhật Bản là một điển hình để chúng ta học tập về công tác này. Từng người dân họ nắm vững, bình tĩnh xử lí các tình huống khi xẩy ra bất kỳ loại thiên tai nào”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Trước diễn biến phức tạp của tình hình nắng hạn được dự báo sẽ còn gay gắt và phức tạp trong năm 2016 cũng như nhiều năm tới, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ NN-PTNT phối hợp với các bộ ngành, địa phương khẩn trương rà soát lại tình hình cân bằng nước các vùng để có giải pháp bù đắp nước bằng các giải pháp tổng thể như điều tiết nước, xây dựng hồ chứa…, nhất là các vùng hạn có nguy cơ khốc liệt như Nam Trung bộ, Tây Nguyên... Đồng thời, tiếp tục xây dựng hoàn thiện hệ thống quan trắc, cảnh báo thiên tai như quan trắc hồ chứa, khu vực nguy cơ lũ quyét, sạt lở đất để các địa phương chủ động có phương án đối phó.

Lê Bền
Nguồn: Theo NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo