Sẵn sàng lấy nước gieo cấy vụ Đông Xuân
13:25 - 11/01/2016
Còn khoảng 10 ngày nữa, các địa phương khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc bộ sẽ bước vào lấy nước đổ ải, gieo cấy vụ Đông Xuân 2015 - 2016. Đến nay, các địa phương đã cơ bản hoàn thành và sẵn sàng công tác lấy nước. 

Việc điều tiết các hồ chứa nước thủy điện Sơn La, Hòa Bình, Thác Bà và Tuyên Quang sẽ bổ sung dòng chảy cho hạ du, phục vụ lấy nước gieo cấy lúa.

Ông Vũ Văn Hanh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hưng Yên cho biết, ngay từ tháng 11/2015, tỉnh đã chỉ đạo địa phương nạo vét kênh mương với tổng khối lượng cần làm 1,5 triệu m3. Địa phương hiện đã tương đối hoàn thành công việc nạo vét này. Không chỉ vậy, ngay từ mùng 5/1, Công ty Khai thác công trình thủy lợi Hưng Yên đã triển khai lấy nước vào ruộng đổ ải phục vụ 2 huyện Ân Thi và Tiên Lữ, đồng thời cử cán bộ trực thường xuyên ở cống Võng Phan trên sông Luộc tranh thủ triều cường lấy nước bổ sung vào hệ thống...

Ảnh minh hoạ (Nguồn: http://dwrm.gov.vn)
Vụ Đông Xuân này tỉnh Hưng Yên gieo cấy 38.128 ha lúa, với cơ cấu toàn bộ trà Xuân muộn. Thời gian cấy là xung quanh Tiết Lập xuân và hoàn thành trong tháng 2. Hưng Yên sẽ tập trung hoàn thành lấy nước trong đợt 1, đợt 2. Đối với đợt 3, tỉnh sẽ tập trung cho những vùng quá khó khăn và trữ nước cho tưới dưỡng bởi sau khi xả nước, mực nước sông Hồng xuống rất thấp, hệ thống Bắc Hưng Hải gần không thể lấy nước được. Do đó, với 147 trạm bơm, 583 máy bơm cùng với 457 trạm bơm nhỏ của các xã và 472 máy bơm của hợp tác xã, hiện Hưng Yên đã sẵn sàng lấy nước. Tuy nhiên, ông Vũ Văn Hanh đề xuất, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cần chỉ đạo các đơn vị lưu ý, duy trì cung cấp điện ngay cả giữa các đợt xả, bởi thời gian này các địa phương vẫn tiếp tục lấy nước.


Ông Nguyễn Hồng Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý công trình thủy lợi và An toàn đập, Tổng cục Thủy lợi cho rằng, là địa phương ở đầu nguồn nước của hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải, Hưng Yên cần tranh thủ hiệu quả nguồn nước, phối hợp chặt chẽ với các công ty thủy nông phát huy hiệu quả lấy nước phục vụ sản xuất và nhu cầu dân sinh. Tăng cường tuyên truyền và thông báo đến các địa phương và người dân về lịch lấy nước cũng như lịch bơm nước của các công ty thủy nông. Đồng thời, vận động người dân chủ động tận dụng nguồn nước hoàn thành sớm kế hoạch gieo cấy lúa của địa phương.


Đối với vùng trung du như Vĩnh Phúc, công tác lấy nước gieo cấy không áp lực bằng thời kỳ tưới dưỡng. Là địa phương có diện tích cây vụ Đông lớn, Vĩnh Phúc đã có kế hoạch lấy nước cho khoảng 15% diện tích trong đợt 1; còn lại tập trung trong đợt 2 khoảng 45% và đợt 3 là 40%. Vĩnh Phúc cũng đã lên kế hoạch tập trung 90% gieo cấy Xuân muộn với thời gian gieo mạ từ ngày 1-5/2; cấy từ ngày 15/2 đến hết tháng 2.


Theo ông Đinh Gia Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vĩnh Phúc, cân đối nguồn nước hiện nay trên các hồ đập với kế hoạch gieo trồng trên 41.300 ha (lúa 35.000 ha), Vĩnh Phúc thiếu khoảng 2,7 triệu m3 trong tổng lượng nước cần phục vụ tưới 200,2 m3. “Nhưng nguồn nước phân bố không đồng đều theo không gian và thời gian nên về cơ bản vụ Đông - Xuân 2015 - 2016, tình hình hạn hán, thiếu nước vẫn xảy ra. Khả năng cấp nguồn từ các trạm bơm ven sông phụ thuộc hoàn toàn vào mực nước sông, chế độ xả của EVN”. - ông Đinh Gia Thành cho hay.


Vĩnh Phúc đã tập trung thực hiện các biện pháp chống hạn như nạo vét cửa khẩu lấy nước, đầu mối các công trình, kênh chính, kênh nhánh, mương tưới tiêu, kênh nội đồng đảm bảo khơi thông dòng chảy. Đối với các trạm bơm lớn như Bạch Hạc, Địa Định, Liễu Trì và các trạm bơm tưới khác đã triển khai sửa chữa, thay thế, bảo dưỡng máy móc, vận hành thử; lắp máy bơm điện, dầu dã chiến để có thể vận hành tưới chủ động.


Theo ông Trần Văn Lợi, Phó Ban kinh doanh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn sẽ đảm bảo việc xả nước theo kế hoạch, đảm bảo mực nước tại Hà Nội là 2,2 m. Về điện, EVN sẽ kiểm tra công tác chuẩn bị và chỉ đạo các đơn vị đảm bảo cung ứng điện 24/24 trong cả thời gian giữa hai đợt xả, phục vụ nhân dân lấy nước vào kênh mương.


Qua hai ngày (8 - 9/1) kiểm tra công tác chuẩn bị lấy nước tại các địa phương, ông Nguyễn Văn Tỉnh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, các địa phương đã rất chủ động, tích cực, quyết liệt chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng để lấy nước. Theo đó, các địa phương đã tổ chức nạo vét kênh mương nội đồng, các trục kênh chính cũng như các trục hồ lấy nước; tổ chức tu sửa các trạm bơm, lắp đặt sẵn sàng các máy bơm dã chiến để lấy nước có hiệu quả nhất.


Ông Nguyễn Văn Tỉnh cũng lưu ý, địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền để bà con biết thời gian lấy nước, hướng dẫn bà con nhân dân tích trữ nước, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, dành nước cho mùa khô phát điện. Khuyến cáo nhân dân ở những vùng thiếu nguồn nước cần tập trung chuyển đổi cây trồng cạn sử dụng ít nước hơn. Đối với vùng trung du, đề nghị tiếp tục chỉ đạo bà con thu hoạch sớm cây vụ Đông để sẵn sàng lấy nước khi nguồn nước đến cũng như những điều kiện để tích trữ nước.


Theo kế hoạch thống nhất giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông với Tập đoàn Điện lực Việt Nam sẽ có 3 đợt xả nước qua phát điện các hồ chứa thủy điện. Thời gian lấy nước đợt 1: từ 0 giờ ngày 21/1 đến 24 giờ ngày 26/1/2016; Đợt 2: từ 0 giờ ngày 3/2 đến 24 giờ ngày 6/2/2016; Đợt 3: từ 0 giờ ngày 16/2 đến 24 giờ ngày 23/2/2015./.

Nguồn: Theo Dangcongsan
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo