Phát triển mạnh mẽ
Theo Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), Việt Nam là quốc gia sản xuất, xuất khẩu hồ tiêu hàng đầu thế giới, đóng vai trò chi phối thị trường, khối lượng và kim ngạch xuất khẩu không ngừng tăng. Diện tích, năng suất, sản lượng và trình độ canh tác hồ tiêu tiến bộ rõ rệt. Đặc biệt, các khu vực như Tây Nguyên và Đông Nam Bộ có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp cho cây hồ tiêu nên có lợi thế cạnh tranh về chất lượng, năng suất trên thế giới.
|
Chăm sóc hồ tiêu ở vùng Đông Nam Bộ. Ảnh: M.T |
Hiện nay, hồ tiêu Việt Nam đã xuất khẩu đến hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Liên tiếp trong 14 năm, sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu luôn đứng đầu thế giới, chiếm 50% sản lượng xuất khẩu của thế giới. Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), có 15 doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu, chiếm 50% thị phần xuất khẩu, đóng vai trò chi phối thị trường, giá cả hồ tiêu thế giới.
Ông Nguyễn Nam Hải - Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cho biết, ngành hồ tiêu đang tăng trưởng mạnh, có lợi thế cạnh tranh cao, có tiềm năng thị trường rất lớn. Cây hồ tiêu đem lại thu nhập tốt cho nông dân nên kích thích bà con tập trung đầu tư, mở rộng diện tích và năng suất khiến sản lượng ngày càng tăng.
Cùng với đó, trong 5 năm trở lại đây, hồ tiêu trở thành mặt hàng có giá trị cao nên người dân quan tâm nhiều hơn tới bảo quản, xử lý sau thu hoạch. Nhiều lò sấy với giá 15 triệu/máy được 70% các hộ trồng hồ tiêu mua về sử dụng để tăng giá trị hạt tiêu.
Không riêng nông dân, các doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu cũng đầu tư nhà máy xử lý công nghệ cao, đáp ứng mọi tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu. Nhiều sản phẩm hồ tiêu cao cấp được nhiều nước đánh giá đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm và ký kết hợp đồng giá trị cao.
Chưa dừng ở đó, Bộ NNPTNT đang có chủ trương cải tạo, nâng cấp các nhà máy hồ tiêu, nâng tỷ lệ sản phẩm tiêu trắng lên 30% vào năm 2020, tỷ lệ tiêu nghiền bột lên 25% cũng vào thời gian này.
Xử lý khó khăn để tăng trưởng
Bên cạnh sự phát triển nhanh chóng, ngành hồ tiêu Việt Nam cũng gặp không ít khó khăn và bất cập. Theo quy hoạch, đến năm 2020, tổng diện tích vùng tiêu trọng điểm và ngoài vùng trọng điểm là 50.000ha. Nhưng hiện nay, con số đã tăng hơn 35.000ha và tiếp tục tăng. Điều này khiến sản lượng hồ tiêu Việt Nam sẽ tăng đột biến trong thời gian tới, ảnh hưởng cung cầu và giá cả xuất khẩu.
Năm 2015, giá trị sản phẩm hồ tiêu rất tốt. Năng suất cao chưa từng có. Xuất khẩu giảm về lượng, nhưng giá trị tăng so với 2014, ước đạt khoảng 6.000 tấn, thu về 1,2 tỷ USD. Người dân tích trữ hồ tiêu khá nhiều nên họ đã làm chủ được thị trường giá cả.
Ông Đỗ Hà Nam – Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam.
|
Dù hồ tiêu đã được trồng ở Việt Nam từ thập niên 1970, nhưng đến giữa năm 2015, trung tâm nghiên cứu và phát triển cây hồ tiêu mới được thành lập. Công tác quản lý chất lượng cây giống chưa được quan tâm, chưa có vườn cây đầu dòng, hệ thống sản xuất giống chưa có. Đa số người dân tự chọn giống nên sự phát triển thiếu bền vững.
Hiện nay, nhiều vườn hồ tiêu thiết kế không hợp lý về hướng, thoát nước khiến hồ tiêu chết hàng loạt. Phổ biến ở vùng Đông Nam Bộ là tình trạng trồng xen nhiều loại cây trong vườn tiêu gây thiếu sáng, độ ẩm cao, dịch hại dễ phát sinh. Dù đã nắm bắt được kỹ thuật chăm sóc, nhưng tâm lý muốn tăng năng suất khiến nhiều hộ dân bón phân không cân đối, thừa đạm. Phân hữu cơ ít được quan tâm.
Không những vậy, bà con trồng tiêu không chủ động áp dụng tổng hợp các biện pháp ngừa dịch hại, đa phần sử dụng hóa chất khi cây bị bệnh. Việc lạm dụng hóa chất bừa bãi này đã khiến cho Hiệp hội Gia vị châu Âu phải phát đi cảnh báo dư lượng thuốc bảo vệ thực vật quá cao ở sản phẩm tiêu đen Việt Nam vào ngày 12.5.2015. Tuy chưa có lô hàng nào bị trả về, nhưng đây là một lời cảnh tỉnh.