4,1 triệu nông dân được đào tạo nghề
14:02 - 11/01/2016
Đây là thông tin về kết quả chương trình đào tạo nghề trong giai đoạn 2010 - 2015 vừa được ông Dương Đức Lân - Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐTBXH) công bố trong buổi trò chuyện với phóng viên NTNN.

Qua 6 năm triển khai, Đề án 1956 đã gặt hái được những thành quả gì thưa ông?

Lao động nông thôn ở xã Chiềng Châu, huyện Mai Châu (Hòa Bình) được tạo việc làm tại Hợp tác xã Chiềng Châu sau khi học nghề dệt thổ cẩm. Ảnh: M.N

-Đề án 1956 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thực hiện trong 11 năm (2010-2020), với mục tiêu dạy nghề cho khoảng 10,6 triệu lao động nông thôn (LĐNT); đào tạo, bồi dưỡng 1,1 triệu lượt cán bộ, công chức xã. Sau 6 năm triển khai, tỷ lệ LĐNT có việc làm sau học nghề đạt khoảng 75 – 79%. Cụ thể, từ năm 2010 - 2015, đã có 4,1 triệu LĐNT được đào tạo nghề, đạt 74,1% kế hoạch đề ra (mục tiêu là 5,53 triệu người).
 

Riêng số được hỗ trợ học nghề theo chính sách của Đề án 1956 khoảng 2,7 triệu người, bình quân mỗi năm cả nước hỗ trợ đào tạo nghề nông nghiệp cho gần 200.000 LĐNT, nghề phi nông nghiệp khoảng 250.000 người... Một bộ phận đã được các doanh nghiệp tuyển dụng sau học nghề, một số đã thành lập tổ, nhóm sản xuất, doanh nghiệp, tạo việc làm cho nhiều LĐNT khác tại địa phương và một bộ phận tiếp tục làm nghề cũ, nhưng có năng suất lao động cao hơn.
 

Thực tế cho thấy, nhiều nơi người dân không muốn học nghề bởi học xong không có việc làm. Nguyên nhân là do đâu thưa ông?

Sau 6 năm triển khai, tỷ lệ LĐNT có việc làm sau học nghề đạt khoảng 75 – 79%. Cụ thể, từ năm 2010 - 2015, đã có 4,1 triệu LĐNT được đào tạo nghề, đạt 74,1% kế hoạch đề ra.

Ông Dương Đức Lân

 

-Qua tổng kết, hơn 78% lao động sau học nghề đều có việc làm, chỉ có khoảng 22% là khó khăn trong việc tìm kiếm, hoặc chuyển đổi công việc. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận, đúng là tại một số địa phương vẫn còn tình trạng người dân không muốn học nghề vì sợ sau học nghề không có việc làm. Nguyên nhân chính là do việc dạy chưa gắn với nhu cầu thực tiễn của thị trường, không gắn với quy hoạch sản xuất nông nghiệp, quy hoạch xây dựng nông thôn mới.
 

Việc đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề ban đầu còn dàn trải, thiếu đồng bộ. Cả nước có khoảng 258 cơ sở (chiếm 41,4% tổng cơ sở dạy nghề) chưa được đầu tư đồng bộ. Ngoài ra còn nhiều nguyên nhân khác như, khó vay vốn tạo việc làm, tay nghề lao động sau học nghề còn hạn chế, sản phẩm làm ra không có nơi tiêu thụ... dẫn tới người dân không muốn học nghề.


Vậy mục tiêu của chương trình trong giai đoạn mới là gì thưa ông?

- Thời gian tới (2016-2020) chúng ta thực hiện phương châm “chỉ đào tạo nghề khi xác định được việc làm và thu nhập sau học nghề”. Chương trình dạy nghề cho LĐNT sẽ được lồng ghép trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Cụ thể, trong 5 năm (2016 - 2020) chúng ta sẽ đào tạo nghề cho khoảng 5,5 triệu LĐNT, trong đó hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng cho khoảng 3,2 triệu người. Bình quân mỗi năm, đào tạo nghề cho khoảng 1,1 triệu lao động. Mục tiêu là phải có 80% số người học có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng năng suất, thu nhập cao hơn. Đồng thời, thực hiện đào tạo, bồi dưỡng cho khoảng 500.000 lượt cán bộ, công chức xã (bình quân mỗi năm đào tạo, bồi dưỡng khoảng 100.000 lượt cán bộ, công chức xã).

Xin cảm ơn ông!                               

Minh Nguyệt
Nguồn: Theo Danviet.vn
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo