"Đầu tư hạ tầng sản xuất để tăng thu nhập cho nông dân"
16:19 - 07/01/2016
Đó là chia sẻ của ông Phan Quang Thựu – Phó Giám đốc Sở NNPTNT Ninh Thuận với Dân Việt

Mô hình sản xuất lúa “1 phải 5 giảm” với quy mô ban đầu 20 ha được triển khai tại xã Phước Thái, huyện Ninh Phước, nhưng đến nay toàn tỉnh Ninh Thuận đã nhân rộng trên 1.000 ha trên địa bàn 6 huyện, thành phố

Ông Thựu cho biết, do nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) còn hạn chế, nên Ban chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh đã chỉ đạo ưu tiên đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất, chủ yếu là đầu tư giao thông và kênh mương nội đồng để đẩy mạnh phát triển sản xuất, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập cho nông dân.

Ưu tiên hạ tầng nông nghiệp

 

Theo ông Thựu, thực hiện Nghị Quyết số 02-TU/NQ của Tỉnh ủy về tăng cường vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng các cấp trong xây dựng NTM, trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, ngành nông nghiệp Ninh Thuận xác định ưu tiên xây dựng hạ tầng phục vụ sản xuất, dân sinh như giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn… Trong đó ưu tiên cho những xã có khả năng đạt chuẩn NTM năm 2015.

Trong 5 năm (2011-2015), tổng nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ chương trình trên địa bàn toàn tỉnh là 63,64 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, các xã đã cứng hoá được 14,46 km đường trục thôn, đường ngõ xóm và đường nội đồng; kiên cố gần 7,63 km kênh mương cấp 2, 3; xây dựng một số phòng học, tường rào các trường tiểu học, mẫu giáo; nâng cấp, sữa chữa các trạm y tế và xây dựng trụ sở UBND xã... Ngoài ra, bằng việc lồng ghép các nguồn vốn khác và vốn vay tín dụng ưu đãi, các địa phương đã thực hiện gần 310 km đường trục xã, trục thôn, ngõ xóm và đường nội đồng; kiên cố hóa gần 30 km kênh nội đồng.

Ngoài việc ưu tiên đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất và dân sinh, các địa phương cũng đặc biệt quan tâm đến đầu tư hàng loạt các công trình về trường học, các trạm y tế xã, nhà văn hóa, điện nông thôn…Đến nay, toàn tỉnh đã có 105/215 trường đạt chuẩn quốc gia gia, 100% xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS; xóa được 3.265 nhà tạm và dột nát; đầu tư xây mới và nâng cấp gần 20 trạm y tế, góp phần nâng cao điều kiện khám, chữa bệnh cho người dân.

“Việc ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng đã góp phần tạo cho bộ mặt nông thôn có nhiều thay đổi, ngày một khang trang, hiện đại, sạch đẹp hơn. Các công trình giao thông nông thôn, công trình thủy lợi được đầu đầu tư xây mới, nâng cấp, cải tạo đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất và vận chuyển, trao đổi hàng hóa, nông sản của người dân…”- ông Thựu chia sẻ thêm.

 

Thu nhập gia tăng

Cũng theo ông Thựu, ngoài việc ưu tiên đầu tư hạ tầng sản xuất, trong những năm qua, ngành NN tỉnh cũng đã tích cực hỗ trợ triển khai và nhân rộng các mô hình phát triển sản xuất có hiệu quả gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đặc biệt là các sản phẩm đặc thù, có lợi thế cạnh tranh.

Đặc biệt, từ nguồn vốn của chương trình, tỉnh đã hỗ trợ hơn 2,5 tỷ đồng cho 11 xã điểm xây dựng các mô hình sản xuất, như sản xuất lúa nguyên chủng; sản xuất lúa “1 phải, 5 giảm”; sản xuất bắp lai, hành tím; sản xuất theo hướngVietGAP trên cây Nho; sản xuất rau an toàn, tưới nước tiết kiệm; chăn nuôi gắn với xây dựng hầm biogas... góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho người nông dân.

Đặc biệt, mô hình “1 phải 5 giảm” với quy mô ban đầu 20ha được triển khai tại xã Phước Thái, huyện Ninh Phước, nhưng đến nay đã nhân rộng trên 1.000 ha trên địa bàn 6 huyện, thành phố. Với mô hình này, năng suất lúa vượt trên 30%, thu nhập tăng thêm 5,5 triệu đồng/ha so với quy trình sản xuất truyền thống. Bên cạnh đó, mô hình trồng cây nho theo hướng VietGap đã thật sự đem lại hiệu quả lớn, với giá trị 250 triệu đồng/ha đối với nho xanh...

Các địa phương cũng liên kết với doanh nghiệp sản xuất, chăn nuôi nhiều mô hình hiệu quả, giúp người nông dân có thu nhạp ổn định. Chẳng hạn như liên kết với Công ty Jimyfood sản xuất lúa sạch theo quy trình "1 phải 5 giảm" tại Phước Hữu; liên kết Công ty giống Nha Hố sản  xuất trên 600 ha/vụ bắp giống tại Phước Vinh, Phước Sơn; mô hình nuôi heo quy mô từ 600 - 2.000 con/trại...

“Nhờ phát triển kinh tế hiệu quả và có những chính sách hỗ trợ kịp thời, nên từ năm 2011 đến nay, bình quân mỗi năm tỷ lệ hộ nghèo ở Ninh Thuận giảm đáng kể. Nếu như năm 2011, số hộ nghèo khu vực nông thôn là 15.928/90.485 hộ, chiếm tỷ lệ 17,6 %, thì đến cuối năm 2014  còn 9.186 hộ/97.573 hộ, tỷ lệ còn 9,41%;  dự kiến đến cuối năm nay, tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 9%; Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 11,96 triệu đồng/người (năm 2011) lên 21,09 triệu đồng/người (năm 2014); dự kiến hết năm nay, thu nhập bình quân đầu người đạt 23 triệu đồng/người/năm…” – ông Thựu phấn khởi cho biết.

Nguồn: danviet
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo