Bình quân giai đoạn 2011 – 2015, tốc độ tăng trưởng GDP của ngành đạt 3,13%, vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI đề ra (từ 2,6 – 3%). Chất lượng tăng trưởng tiếp tục được cải thiện.
|
Chính phủ đánh giá cao vai trò của nông nghiệp trong 5 năm 2011 - 2015 |
Đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, song giai đoạn 2011 – 2015, ngành nông nghiệp đã cơ bản thực hiện đạt được kết quả khá toàn diện các mục tiêu tổng quát đề ra; đóng góp quan trọng vào tăng trưởng chung của nền kinh tế, làm bệ đỡ cho ổn định KT-XH. '
Đó là kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị Tổng kết thực hiện kế hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn 5 năm 2011 – 2015 diễn ra hôm qua (5/1/2016).
Tăng trưởng vượt mục tiêu
Bình quân giai đoạn 2011 – 2015, tốc độ tăng trưởng GDP của ngành đạt 3,13%, vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI đề ra (từ 2,6 – 3%).
Chất lượng tăng trưởng tiếp tục được cải thiện, tỷ trọng giá trị gia tăng trong tổng giá trị SX ngành tăng từ 57% năm 2010 lên khoảng 68% năm 2015.
Trong SX, Bộ NN-PTNT đã tập trung chỉ đạo mùa vụ phù hợp với diễn biến thời tiết và nhu cầu thị trường, đồng thời nâng cao chất lượng, giảm chi phí và hạ giá thành. Tính chung giai đoạn 2011 – 2015, năng suất lúa đã tăng từ 53,4 tạ/ha năm 2010 lên 57,7 tạ/ha năm 2015.
Sản lượng lúa tăng từ 40 triệu tấn lên 45,2 triệu tấn, bình quân mỗi năm tăng 1 triệu tấn, ngô tăng 136 nghìn tấn/năm. Tổng sản lượng lương thực cây có hạt tăng từ 44,6 triệu tấn lên 50,5 triệu tấn. Giá trị sản phẩm thu được trên 1 ha đất trồng trọt đã tăng từ 54,6 triệu đồng/ha năm 2010 lên khoảng 82 – 83 triệu đồng/ha năm 2015.
Các lĩnh vực cụ thể trong nông nghiệp như chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản… đều có bước phát triển mạnh mẽ. Về chăn nuôi, so với năm 2010, sản lượng thịt đến năm 2015 tăng 18,9%, sữa tươi tăng 2 lần, trứng tăng 50,5%, giá trị sản lượng tăng bình quân 3,4%/năm.
Dự kiến giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng giá trị SX ngành thủy sản đạt bình quân 4,9%/năm. Tổng sản lượng thủy sản năm 2015 tăng 27,3% so với năm 2010, vượt mục tiêu kế hoạch đề ra. Giá trị sản lượng/ha mặt nước nuôi trồng thủy sản tăng từ 103,8 triệu đồng/ha lên khoảng 183 triệu đồng/ha năm 2015.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm quan khu trưng bày của ngành NN-PTNT tại Triển lãm 70 năm thành tựu KT-XH (năm 2015)
Về lâm nghiệp, giai đoạn 2011- 2015, tốc độ tăng giá trị SX đạt bình quân 6,67%/năm, trồng rừng tập trung đạt 1.055 nghìn ha, bình quân 211 nghìn ha/năm; tỷ lệ che phủ rừng tăng bình quân khoảng 0,3%/năm…
XK nông sản giai đoạn 2011 – 2015 đã có những bứt phá mạnh mẽ, với kim ngạch XK tăng bình quân 9%/năm (từ 19,5 tỷ USD năm 2010 lên 30,14 tỷ USD năm 2015, tăng 54,6%). Đến nay, đã có 10 mặt hàng đạt kim ngạch XK trên 1 tỷ USD là gạo, cà phê, cao su, cá tra, tôm, hạt điều, hạt tiêu, rau quả, sắn và đồ gỗ.
Cùng với sự phát triển SX, chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) đã gặt hái những thành quả quan trọng. Hết năm 2015, cả nước đã có 1.478 xã đạt chuẩn NTM (đạt 16,5% số xã trên toàn quốc), tăng 693 xã so với năm 2014. Bình quân mỗi xã đạt 12,9 tiêu chí, có 15 huyện được công nhận NTM…
Cần ưu tiên bố trí nguồn lực
Bên cạnh những thành quả đạt được, khép lại 5 năm 2011 – 2015, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cũng đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, yếu kém cơ bản như: Khả năng cạnh tranh và hiệu quả SX của một số ngành hàng, sản phẩm chưa cao.
Trong đó, một số sản phẩm được coi là thế mạnh của Việt Nam như gạo, cà phê, cao su, thủy sản… vẫn có giá bán thấp hơn một số nước; một số sản phẩm bị cạnh tranh mạnh mẽ trước làn sóng hàng NK như ngô, sản phẩm chăn nuôi…
Công tác quản lí chất lượng vật tư nông nghiệp và vệ sinh ATTP dù đã rất nỗ lực nhưng vẫn còn nhiều bất cập, nhức nhối trong xã hội. Chương trình xây dựng NTM đạt kết quả chưa đồng đều, đời sống của một bộ phận nông dân còn gặp nhiều khó khăn; việc đổi mới hình thức tổ chức SX còn chậm tiến triển; cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn còn nhiều bất cập…
Đánh giá cao những nỗ lực và kết quả của toàn ngành nông nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cho rằng: Nông nghiệp, nông thôn vẫn còn nhiều hạn chế yếu kém, đặt ra nhiều khó khăn thách thức. Về tốc độ tăng trưởng của ngành, mặc dù trong tổng thể 5 năm tốc độ tăng trưởng GDP vượt kế hoạch đề ra, nhưng năm 2015 là năm có tốc độ tăng trưởng thấp nhất trong 5 năm qua với mức 2,14%.
Đây là dấu hiệu cho thấy nông nghiệp sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn thách thức trong giai đoạn 5 năm 2016 – 2020, đòi hỏi toàn ngành phải có những nỗ lực lớn hơn nữa. Thủ tướng lưu ý ngay từ 2016 cũng như 5 năm tới, toàn ngành phải ra sức khắc phục các hạn chế yếu kém với tinh thần cao nhất để đạt kết quả tốt nhất, nhất là trong bối cảnh chúng ta đã hội nhập sâu rộng kinh tế thế giới.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kiểm tra tình hình chống hạn tại Ninh Thuận năm 2015
Dù dự báo tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức, song sang giai đoạn 2016 – 2020, Bộ NN-PTNT đã đặt ra nhiều mục tiêu phải tiếp tục tăng trưởng với mức cao như: Nỗ lực giữ tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành giai đoạn 2016 – 2020 đạt từ 2,5 – 3%, giá trị SX tăng từ 3,5 – 4%; giá trị XK nông lâm thủy sản đạt khoảng 39 – 40 tỉ USD vào năm 2020; số xã đạt chuẩn NTM chiếm 50% tổng số xã toàn quốc vào năm 2020…
Để đạt được những mục tiêu lớn này, theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, cần ưu tiên bố trí các nguồn lực cho ngành NN-PTNT, như: Ưu tiên vốn đầu tư công trung hạn cho ngành NN-PTT giai đoạn 2016 – 2020 tăng gấp đôi so với tổng vốn đầu tư giai đoạn 2011 – 2015 theo đúng tinh thần Nghị quyết TƯ 7 về tam nông (trong đó riêng đối với các chương trình, dự án do Bộ NN-PTNT quản lý là 55.000 tỷ đồng). Đồng thời, bổ sung vốn nước ngoài trong kế hoạch trung hạn 2016 – 2020 để thực hiện các dự án ODA theo các hiệp định đã ký kết với nhà tài trợ, trong đó riêng năm 2016 là 1.052 tỷ đồng; nhanh chóng bổ sung vốn ngân sách để thực hiện một số dự án cấp bách về thủy sản, thủy lợi…