Hà Tĩnh: Dân kêu trời vì liên tục gặp thiệt hại trong chăn nuôi, trồng trọt
17:21 - 01/06/2017
(TNNN) - Có thể nói, chưa bao giờ người nông dân Hà Tĩnh lại phải sống trong cảnh điêu đứng vì liên tiếp xảy ra thiệt hại cả trong chăn nuôi lẫn trồng trọt như vừa qua. Hàng chục nghìn hộ nông dân của tỉnh còn chưa thoát khỏi tình cảnh thua lỗ nặng nề do giá lợn thương phẩm tuột dốc không phanh thì hiện nay lại đang phải đối diện với nguy cơ mất mùa vụ Đông- Xuân 2017 bởi dịch đạo ôn đang bùng phát và lan rộng.
|
Nhiều diện tích lúa bị nhiễm bệnh đạo ôn cổ bông nghiêm trọng trên diện rộng, không có khả năng phục hồi |
Đã có nhiều giải pháp được đưa ra triển khai nhằm gỡ khó cho người dân, tuy nhiên hiệu quả mang lại chưa cao. Trên khắp các địa phương trong tỉnh, diện tích lúa đang vào giai đoạn trổ bông, làm hạt bỗng dưng bị nhiễm bệnh đạo ôn cổ bông hàng loạt. Một số nơi phải gánh chịu thiệt hại lớn, chủ yếu thuộc các huyện: Đức Thọ, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Can Lộc, Nghi Xuân, Hương Khê... Trong đó, hai địa phương chịu thiệt hại nặng nhất là huyện Đức Thọ với gần 2.000 ha và huyện Thạch Hà hơn 1.000 ha.
Theo thống kê nhanh của phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đức Thọ, theo ước tính bước đầu, trên địa bàn toàn huyện đã có hàng trăm ha lúa Thiên Ưu 8 bị nhiễm bệnh đạo ôn cổ bông nghiêm trọng trên diện rộng, không có khả năng phục hồi. Trong đó, thiệt hại nặng nhất tập trung ở các xã: Đức Hòa, Đức Lạc, Đức Đồng, Trung Lễ, Đức Thanh, Đức Lập, Trường Sơn, Liên Minh…
Theo ông Đặng Giang Trung- Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ, năm 2017, huyện đã tiến hành triển khai vụ lúa Đông Xuân trên diện tích 6.532 ha; trong đó, cơ cấu hơn 1.900 ha diện tích trồng giống Thiên ưu 8. Thế nhưng qua kiểm tra, toàn huyện có gần 2.000 ha đã bị nhiễm bệnh đạo ôn cổ bông; đã có 700 ha bị gây hại khoảng 70% diện tích, số còn lại tỷ lệ gây hại từ 30- 50% diện tích.
Số diện tích bị dịch đạo ôn chủ yếu rơi vào các thửa ruộng cơ cấu giống Thiên Ưu 8. “Mặc dù chưa đủ cơ sở để khẳng định giống là tác nhân chính gây ra dịch bệnh. Tuy nhiên, trước những thiệt hại mang tính diện rộng như vậy, các cơ quan quản lý nhà nước cùng đơn vị cung ứng giống cần nhanh chóng xác minh nguyên nhân và có sự hỗ trợ kịp thời để ổn định tư tưởng và đời sống của bà con nông dân”- Ông Trung nói.
Tình trạng khó khăn tương tự cũng đang xảy ra với người dân trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên. Tiếp tục ghi nhận tại các huyện Hương Khê, Can Lộc, Nghi Xuân, Kỳ Anh... đều xảy ra tình trạng lúa bị khô từ phần bông trở lên khiến bông lúa tuy có hạt song bên trong đều bị lép. Theo cơ quan chức năng, tại các địa phương này diện tích gieo trồng những loại giống lúa khác như: Khang Dân, X, TH 3 - 3... bệnh bị nhiễm chỉ bị rất nhẹ và hầu như không đáng kể. Chỉ riêng có những khu vực diện tích trồng lúa Thiên Ưu 8 thì người gieo trồng bị thiệt hại nặng nhất.
Được biết, Thiên ưu 8 là giống lúa thuần chất lượng, tiềm năng năng suất cao, có khả năng chống đổ, chống chịu khá với một số loài sâu bệnh gây hại chính. Giống lúa này đã được người dân một số huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đưa vào gieo trồng thành công trong những mùa vụ trước đó, với năng suất bình quân từ 63 - 70 tạ/ha. Tuy nhiên, bệnh đạo ôn cổ bông gây hại trên diện tích rộng, mức độ gây hại lớn như vụ xuân năm nay là chưa từng xảy ra ở địa phương.
Ông Nguyễn Tống Phong - Chi cục phó Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật Hà Tĩnh cho biết: Toàn tỉnh có 18.000 ha trồng giống lúa Thiên ưu 8, tính đến thời điểm hiện tại đã có 5.000 ha bị nhiễm bệnh. Đặc biệt có 949 ha lúa Thiên ưu 8 bị mất trắng.
Lý giải nguyên nhân vì sao sâu đạo ôn lại có thể gây lép hạt, ông Phong cho rằng do nhiều yếu tố cộng hưởng bao gồm có giống và thời tiết. “Thời tiết năm nay nắng ít, mưa nhiều dẫn đến dễ bùng phát dịch bệnh. Đặc biệt, trong thời điểm trổ bông của cây lúa lại trùng vào lúc mưa ẩm nhiều, yếu tố bất lợi về thời tiết đã khiến loại nấm này phát triển mạnh.
Ngoài ra, một phần nguyên nhân chính có thể còn do giống, bởi trong cùng thời vụ này, tỉnh đã triển khai gieo trồng nhiều loại giống khác nhau như giống: Khang Dân, X, TH 3 – 3… song chỉ có giống Thiên Ưu 8 là bị nặng hơn cả. Hiện mẫu lúa Thiên ưu 8 bị nhiễm bệnh đã được Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh tiến hành lấy mẫu để đi kiểm nghiệm. “Điều này có thể thấy giống Thiên ưu 8 khá mẫn cảm với bệnh đạo ôn”- Ông Phong nói.
Trước tình hình thiệt hại và nhiều khó khăn của bà con nông dân ở địa phương, mới đây, ông Đặng Ngọc Sơn- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ký văn bản gửi Bộ Nông nghiệp & PTNT đề nghị hỗ trợ khắc phục thiệt hại do bệnh đạo ôn cổ bông gây hại trên lúa xuân 2017.
Thu Hà