Lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi: Hậu quả khó lường!
12:59 - 23/01/2017
(TNNN) - Kháng thuốc kháng sinh đang được coi là một cuộc khủng hoảng toàn cầu, trong đó thế giới đang phải đối mặt với kỷ nguyên hậu kháng sinh - khi mà những bệnh rất bình thường cũng có thể gây tử vong cho con người. Đây là hệ quả tất yếu của việc sử dụng thuốc kháng sinh bừa bãi, kê đơn thuốc chưa thực sự hợp lý, do việc sử dụng thuốc kháng sinh trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản chưa được kiểm soát đầy đủ.
Hạn chế kháng sinh trong chăn nuôi đang được ưu tiên xử lý

Hiện nay, tình trạng sử dụng kháng sinh, chất cấm trong chăn nuôi ở các trang trại, khu chăn nuôi lớn đang ở mức báo động. Ngoài kháng sinh kích thích tăng trưởng còn có các loại kháng sinh tăng trọng gây tác hại khó lường với sức khỏe con người.


Lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi có thể phá vỡ cân bằng tự nhiên của hệ vi sinh vật đường ruột gây rối loạn quá trình tiêu hóa. Mối nguy chính của lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi chính là sự đề kháng kháng sinh của vi khuẩn. Bất cứ kháng sinh nào dùng để chữa bệnh cho người và động vật, nếu còn tồn dư một lượng dù nhỏ nhất cũng có thể gây kháng thuốc của E.Coli. Khi E.Coli đã kháng thuốc thì nó có thể truyền plasmid kháng thuốc của nó cho các loại vi khuẩn gây bệnh khác sống trong đường ruột.


Sự tồn dư kháng sinh có trong thực phẩm không chỉ ảnh hưởng trước tiên đến vật nuôi mà còn gây nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng khi tiêu thụ thực phẩm. Nó gây ảnh hưởng ngay lập tức sau khi tiêu thụ sản phẩm như xảy ra phản ứng quá mẫn cảm đối với người nhạy cảm kháng sinh, gây dị ứng sau khi tiêu thụ thịt tồn dư kháng sinh… Bên cạnh đó, nó ảnh hưởng muộn hơn khi tiêu thụ thịt tồn dư kháng sinh như tạo ra thể vi sinh vật kháng thuốc, gây khó khăn cho công tác điều trị nhiễm khuẩn, làm giảm sự đáp ứng miễn dịch của cơ thể. Đặc biệt, một số kháng sinh, hóa dược có thể gây ung thư cho người tiêu thụ.


Người tiêu dùng thực phẩm từ động vật khó nhận biết được những sản phẩm có tồn dư kháng sinh nếu không có chuyên môn. Đặc biệt nguy hiểm đối với những người có sẵn cơ địa dị ứng với một số loại thuốc (phổ biến nhất là Penicillin chiếm đầu bảng với tỷ lệ sốc phản vệ 1/70.000). Chính vì vậy, vấn đề này cần phải được bắt đầu giải quyết từ người nuôi gia súc, gia cầm. Khi đó, mới có hy vọng cải thiện được chất lượng của thực phẩm chế biến từ động vật cũng như tránh được tình trạng kháng kháng sinh cho người.


Để kích thích vật nuôi tăng trưởng nhanh, giảm thấp tiêu hao thức ăn, vật nuôi có bề ngoài bắt mắt, tăng lợi nhuận, nhiều trang trại sử dụng lượng lớn thuốc kháng sinh trộn thẳng vào thức ăn mà không cần quan tâm tới sức khỏe người tiêu dùng.Salbutamol, Clenbuterol, Ractopamin có thể giúp vật nuôi mau lớn, chuyển hóa làm tiêu mỡ, tăng khối lượng cơ, làm màu thịt đỏ tươi hơn nhưng gây ra tác hại khó lường với sức khỏe con người.


Các loại kháng sinh này còn gọi là chất tạo nạc, tác dụng phụ có hại nghiêm trọng như gây hội chứng ngộ độc cho lợn và người ăn thịt lợn chứa chất tạo nạc như: tim đập nhanh, tăng hoặc hạ huyết áp, run tay chân, đau cơ, buồn nôn, ói, rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, nhiễm trùng hô hấp… Hiện nay, các chất tạo nạc này đều bị cấm dùng.


Ngoài những chất tạo nạc trên, người nuôi còn sử dụng một số các loại kháng sinh tăng trọng có thể gây ung thư, đã bị cấm như Epstadiol, hay những kháng sinh có khả năng giảm mật độ tinh trùng, tăng hiện tượng đồng tính luyến ái, gây ung thư hoặc các bệnh nghiêm trọng khác trong gan, thần kinh, hệ tiêu hóa, tim và có khả năng gây đột biến như Dexametazon, Tetaciline. Vì vậy, để hạn chế rủi ro, người tiêu dùng nên tự trang bị những kiến thức nhất định về vệ sinh an toàn thực phẩm và chọn mua thịt tại những cơ sở có uy tín.


Thuốc kháng sinh chỉ được dùng để điều trị bệnh do vi khuẩn gây nên. Tuy nhiên để phát huy hiệu quả sử dụng, cần dùng đúng liều lượng, thời gian quy định. Khi đã sử, cần ngừng sử dụng trong một thời gian nhất định trước khi thu hoạch để tránh dư lượng kháng sinh trong nguyên liệu thực phẩm chăn nuôi (thời gian ngừng thuốc thực hiện theo hướng dẫn trên bao bì và theo quy định của cơ quan quản lý, trường hợp có quy định khác nhau thì phải theo quy định có thời gian ngừng lâu hơn).


Thực tế hiện nay, trong chăn nuôi công nghiệp, người nuôi thường sử dụng kháng sinh bổ sung vào thức ăn, nước uống để phòng ngừa bệnh thường gặp như đường ruột, hô hấp, thậm chí là sử dụng những kháng sinh cấm, kháng sinh hạn chế sử dụng trong chăn nuôi theo quy định của Bộ NN&PTNT, điển hình như: Oxytetracyline, Enrofloxacine, Sunphadiazine,… Với mục đích phòng bệnh thường sử dụng với liều lượng thấp, không đủ để tiêu diệt vi khuẩn nên rất dễ tạo ra các dòng kháng lại kháng sinh. Điều này khá nguy hại vì nếu vật nuôi bị bệnh, khi bị kháng thuốc, những bệnh này sẽ không khỏi mà có nguy cơ trầm trọng hơn.


Việc lạm dụng kháng sinh trong phòng và trị bệnh sẽ gây tồn dư với lượng quá mức cho phép và ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Điển hình có Cloramphenicollà loại kháng sinh cấm sử dụng trên thế giới do gây thiếu máu suy tủy, ở những cá thể đặc ứng do di truyền có thể dẫn đến tử vong.
Để hạn chế tới mức thấp nhất việc sử dụng kháng sinh gây ảnh hưởng tới sức khỏe con người, theo hướng dẫn của Cục Thú y: chỉ sử dụng kháng sinh khi đã xác định được căn nguyên là vi khuẩn hoặc trong trường hợp có nguy cơ nhiễm khuẩn cao (phẫu thuật); lựa chọn kháng sinh hợp lý (đúng chủng loại); phải nắm vững nguyên tắc khi cần thiết phải sử dụng phối hợp kháng sinh (nắm chắc tác dụng cộng dồn, tác dụng hiệp đồng hoặc tác dụng đối kháng, không bao giờ được sử dụng phối hợp kháng sinh diệt khuẩn với một loại kháng sinh kìm khuẩn); sử dụng kháng sinh đúng thời gian, đủ liệu trình; ngừng sử dụng kháng sinh trước khi thu hoạch, giết mổ đúng thời gian theo hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc cơ quan quản lý. Mở các lớp tập huấn cho hộ chăn nuôi về cách sử dụng thuốc kháng sinh đúng cách và hiệu quả nhất, đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra và sử phạt các cơ sở chăn nuôi lạm dụng thuốc kháng sinh và chất cấm.


Theo Ths Võ Văn Ninh: Nguyên giảng viên Khoa Chăn nuôi thú y Trường ĐH Nông Lâm TP HCM, người chăn nuôi có thể dùng các loại thảo dược như: tỏi, nghệ vàng đắng… để thay thế một số loại kháng sinh trong việc ức chế vi khuẩn có hại.


Như vậy, để giảm thiểu tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh cần tập trung tuyên truyền nâng, cao nhận thức về tác hại của việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi; rà soát hoàn thiện thể chế liên quan trong kiểm soát chất cấm sử dụng trong chăn nuôi; tiến hành kiểm tra, thanh tra việc buôn bán, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi ở tất cả các khâu có liên quan, đồng thời phát triển các chuỗi cửa hàng, thương hiệu sản phẩm an toàn từ phía các nhà sản xuất, kinh doanh và nhận thức của người tiêu dùng cũng là những hành vi đẩy lùi thực phẩm “bẩn” khỏi thị trường./.
 
Thủy Thanh
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo