Tết trôi theo lũ, các làng quê buồn bã vắng bóng sân cải, cội hoa
Có lẽ chưa cái tháng Chạp nào có không khí buồn bã như tháng Chạp năm nay trên đất Bình Định. Hàng quán chợ búa lưa thưa người mua sắm. Các làng quê vắng bóng sân cải, cội hoa. Nông dân buồn đến không muốn ra ruộng, vì ruộng nương có sản xuất được đâu mà thăm, cát bồi lấp phủ đầy.
Những căn nhà bị lũ xô sập vẫn còn nguyên nét hoang tàn. Nhắc đến tết, hầu hết nông dân để lắc đầu rơm rớm nước mắt, nói: “Tết nhứt gì nữa, tết năm nay trôi theo lũ mất rồi!”.
Bỗng chốc trắng tay
Đứng trên bờ đá xói lở nằm trên tỉnh lộ 636 thuộc xã Nhơn Phúc (TX An Nhơn), giáp ranh với xã Bình Nghi (huyện Tây Sơn), nhìn khúc đường bị lũ xé toạc mới thấy hết sự hung hãn của những cơn lũ vừa qua. Nhìn sang căn nhà tầng được xây dựng không dưới tỷ bạc của anh Đào Thanh Phước giờ chỉ còn thấy một đống đổ nát mới cảm nhận được hết nỗi đau của vợ chồng con cái anh trong khi cái tết đã cận kề.
Ngôi nhà của anh Phước ở xã Nhơn Phúc (TX An Nhơn) bị đổ ập xuống sông
Những năm trước, vào những ngày cuối năm âm lịch, vợ chồng anh Phước tất bật xuất chuồng đàn heo, vừa túi bụi tính toán tiền bạc kết quả làm ăn trong năm vừa bàn bạc năm nay gia đình nên sắm sanh gì, cho con ăn tết ra sao. Năm nay, chuyện ấy đã trở nên xa xỉ.
5 đợt lũ xảy ra liên hoàn từ đầu tháng 11 đến 20/12/2016 đã hùa nhau xô sập căn nhà xây 2 tầng vợ chồng anh làm ăn tích cóp bao nhiêu năm mới dựng nên được. Bao nhiêu của cải trong nhà trôi hết xuống sông. Đầu tóc rối bời, đôi mắt thất thần, trong cái cơ thể trai tráng của anh Phước hầu như đã mất hết sinh khí.
“Quanh quẩn dọn dẹp cho có làm chứ có cứu được gì đâu anh, trắng tay rồi. Công sức cả vợ lẫn chồng làm ăn tích cóp bao nhiêu năm qua bỗng chốc đổ ào xuống sông biến thành những cơn đau như trong đầu có búa bổ. Bà con xóm giềng khuyên giải còn người còn của, cố gắng gìn giữ sức khỏe để làm ăn gầy dựng lại cuộc sống nhưng mịt mù lắm, làm ăn sao cho ra. Con cái thì còn nhỏ, tuổi ăn tuổi học mà cha mẹ trắng tay thì tương lai của chúng cũng lờ mờ theo”, anh Phước than thở.
Ngậm ngùi, chị Lê Thị Hồng Hạnh, vợ anh Phước, nhớ lại nỗi kinh hoàng xảy ra vào đêm 19/12/2016. Đêm ấy, vợ chồng và 2 đứa con đứa 10 tuổi đứa 11 tuổi đang ở trong nhà thì bỗng thấy căn nhà rung chuyển như có động đất.
Nước từ thượng nguồn ào ào đổ về chen chảy trong dòng sông Kôn, 2 bờ sông tuy rất “vạm vỡ” nhưng gượng không lại, dòng nước lũ bức phá tràn ra nuốt chửng đoạn đường dài đến 50m, sau đó ập lên phần sau ngôi nhà của đôi vợ chồng trẻ.
Loáng chốc, căn nhà 2 tầng bị lũ cuốn mất phần chân móng, cả khối nhà lung lay như chiếc răng sắp rụng. Vợ chồng con cái chị Hạnh thất kinh hồn phách kéo nhau lên tầng trên kêu cứu vang trời. May mắn sau đó cả gia đình thoát được ra ngoài trong lúc tính mạng đã lâm cảnh “nghìn cân treo sợi tóc”.
Ở thôn An Xuyên 3, xã Mỹ Chánh (huyện Phù Mỹ) bi cảnh tương tự gia đình anh Phước còn nhiều hơn. Ở đây có 170 nóc nhà thì đã có 10 căn bị lũ xô sập hoàn toàn, riêng căn nhà của ông Hoàng Văn Nên đã bị “thủy thần” cuốn trôi mất tích đến không còn nhìn thấy bóng dáng một viên gạch.
Những ngày này, nhìn bà con trong thôn vác cuốc đi tảo mộ, sực nhớ đến cái tết đã cận kề, chị Phạm Thị Lâm, người có nhà bị sập hoàn toàn trong lũ, chảy nước mắt nói: “Nghĩ tết nhứt đã cận kề, rồi nghĩ đến tình cảnh gia đình hiện tại mà đứt gan đứt ruột. Chưa kể căn nhà bị sập, lũ còn cuốn trôi của gia đình tui hồ tôm rộng hơn 920 m2 và 3 máy sục khí.
Ngôi nhà xây dựng 7 cây vàng của chị Phạm Thị Lâm ở thôn An Xuyên 3, xã Mỹ Chánh (huyện Phù Mỹ) bị sập hoàn toàn
Căn nhà mới xây dựng cách đây 7 năm chớ mấy, mất hết 7 cây vàng. Nợ làm nhà chưa trả xong vì còn phải lo đầu tư ao hồ nuôi tôm. Giờ nhà bị sập, ao hồ nuôi tôm cũng không còn, cả miếng ăn chỗ ở đều bị lũ cướp mất thì còn lòng dạ đâu mà nghĩ đến tết nhứt”.
Chút tình ấm áp
Lũ qua, tết đến, sự quan tâm đùm bọc của nhân dân cả nước đến với người dân vùng lũ càng nhiều hơn. Sự hảo tâm đến từ nhiều nguồn khác nhau, nhiều tổ chức, cá nhân khác nhau, nhưng với chỉ một mục đích: Xoa dịu bớt nỗi đau mất mát của người dân vùng tâm lũ Bình Định, và giúp họ tạm quên đau thương để góp với cái tết truyền thống một nụ cười dù héo hắt.
Mới đây nhất, ngày 7.1 vừa qua, những suất quà của chương trình “Xuân yêu thương” do nữ doanh nhân thuộc các Hội Nữ doanh nhân tỉnh Bình Định, TP HCM và TP Hà Nội cùng sự chung tay của nhiều doanh nghiệp ngoài tỉnh đã đến với người dân vùng lũ ở TP Quy Nhơn, TX An Nhơn và các huyện Tuy Phước, Phù Mỹ, Phù Cát, Tây Sơn. Có 980 suất quà (700.000đ/suất) góp thêm niềm vui vào cái tết của 980 hộ dân vùng lũ...
Tần ngần với túi quà gồm thau, mùng, mền, áo ấm, gói bánh, chai dầu ăn và cả túi dầu thoa, thuốc uống và 200 ngàn đồng tiền mặt, bà Nguyễn Thị Hương (57 tuổi) ở xã Mỹ Hòa (huyện Phù Mỹ) buột miệng nói: “Vầy là nhà tui có tết rồi!”. Rồi bà Hương kể, nhà có 2 con trai, đứa thì ở xa, đứa thiếu trước hụt sau nên bà không trông cậy gì được. Có mấy sào ruộng bà Hương phải cho thuê đến cuối mùa lấy mấy chục ký lúa sống qua ngày với người mẹ già hơn 90 tuổi.
“Mấy bận lũ vừa rồi, nhà cửa vườn tược ngập hết. Biết trong gói quà lần này có nhiều vật dụng cần thiết tui vui không kể xiết”, bà Hương vui vẻ nói.
Hết lũ là đến tết, lòng chị Đồng Thị Ánh, Giám đốc Cty CP Cảng Thị Nại, Chủ tịch Hội Nữ doanh nhân tỉnh Bình Định, càng nóng như lửa đốt. Chị nghĩ, mất mát thiệt hại trong lũ đã đành, tết đến mà người dân vùng lũ không có gì để ăn tết thì càng xót xa hơn. Vậy là chị Ánh thảo thư kêu gọi các hội nữ doanh nhân các tỉnh, thành trong cả nước và nhiều nhà hảo tâm khác cùng hướng về người dân vùng lũ Bình Định và làm nên chương trình “Xuân yêu thương” này.
Có lẽ, niềm vui lớn nhất của những hộ dân có nhà bị sập hoàn toàn trong lũ ở Xuyên Cỏ, xã Mỹ Chánh (huyện Phù Mỹ) là vào cuối năm 2016 vừa qua, lãnh đạo chính quyền huyện này đã đặt bút ký quyết định giao đất không thu tiền cho 8 hộ mất nhà, mất đất, số hộ này sẽ được bố trí tái định cư tại thôn An Xuyên 1, cách nơi ở cũ chừng vài trăm mét.
“Tỉnh đã hỗ trợ mỗi gia đình 100 triệu đồng, cộng các nguồn hỗ trợ khác từ nhiều tổ chức, đoàn thể, cá nhân, hiện bà con có trong tay không dưới 200 triệu. Vấn đề tiền nong cơ bản đã giải xong, có điều năm hết tết đến, chắc phải qua Giêng bà con mất nhà ở mới dựng được nhà mới”, ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ, cho biết.